Theo đó, dự án có tổng chiều dài 5,3 km, trong đó riêng phần cầu dài 1.905 m, chiều rộng mặt cầu 25 m. Cầu được đầu tư quy mô rộng sáu làn xe, phần đường dẫn vào cầu được phân kỳ đầu tư hai giai đoạn. Giai đoạn trước mắt đầu tư với bốn làn xe , vận tốc thiết kế 80 km/giờ; giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư sáu làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Đồng thời, dự án sẽ xây dựng các cầu An Hữu, Rạch Sơn, Rạch Giồng và cầu Mỹ Hưng.
Chủ đầu tư đã đề xuất ba phương án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và kiến nghị chọn phương án 2 có tổng mức đầu tư 5.125 tỉ đồng. Dự kiến bắt đầu công tác giải phóng mặt bằng vào quý IV-2018, khởi công xây dựng vào quý I-2020 và hoàn thành vào quý III-2023.
Phối cảnh cầu Mỹ Thuận 2.
Trước đó, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết hiện cả đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc đều sẵn sàng tài trợ vốn vay ưu đãi cho dự án này. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu sẽ được đầu tư theo hình thức đầu tư công. Lý do là cầu Mỹ Thuận 2 có tổng mức đầu tư lớn, chiều dài ngắn nên không hấp dẫn về tài chính nếu đầu tư theo hình thức PPP.
Việc sớm đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 là rất cần thiết, giúp nối thông tuyến cao tốc từ TP.HCM đến TP Cần Thơ. Trong đó, hiện đoạn cao tốc TP.HCM-Trung Lương đang khai thác; đoạn cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ đang được triển khai theo hình thức đầu tư PPP, phấn đấu hoàn thành trong năm 2019.