8 dấu hiệu ung thư não giai đoạn đầu

(PLO)- Ung thư não (u não ác tính) là một trong những bệnh lý vô cùng nguy hiểm nếu không can thiệp kịp thời.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ung thư não giai đoạn đầu là gì?

Ung thư não giai đoạn đầu (giai đoạn 1) là một hay nhiều khối u chứa các tế bào ác tính nằm trong cấu trúc não, kích thước tương đối nhỏ, chưa xâm lấn hay làm tổn thương các cấu trúc xung quanh.

Các khối u trong não có thể là khối u lành tính hoặc khối u ác tính, được gọi chung là u não và không phải tất cả các khối u não đều là ung thư.

Các khối u não không ung thư được gọi là khối u não lành tính. Ngược lại, các khối u não ác tính gọi là ung thư não, nếu phát hiện sớm ở giai đoạn đầu thì gọi là ung thư não giai đoạn đầu.

ung thư não
Ung thư não giai đoạn đầu không quá rõ rệt, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý thần kinh

Ung thư não có thể đe dọa tính mạng do những thay đổi mà khối u gây ra đối với các cấu trúc quan trọng của não. Một số ví dụ về khối u ác tính bắt nguồn từ hoặc gần não bao gồm u nguyên bào thần kinh khứu giác, ung thư sụn và u nguyên bào tủy.

Các dấu hiệu ung thư não giai đoạn đầu thường gặp

Thông thường, ung thư não giai đoạn đầu phát triển tương đối nhanh và âm thầm, có thể xâm lấn các cấu trúc não khỏe mạnh xung quanh mà không được phát hiện.

Biểu hiện của ung thư não giai đoạn đầu không quá rõ rệt, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý thần kinh khác.

Nếu có, các dấu hiệu của người bị ung thư não giai đoạn đầu có thể bao gồm một hoặc nhiều các dấu hiệu sau đây:

1. Co giật

Sự phát triển nhanh và đột ngột của các khối u ác tính trong não gây chèn ép các tế bào não xung quanh, gây ra các hoạt động phóng điện bất thường của các tế bào bị chèn ép. Điều này dẫn đến những cử động bất thường ở một bộ phận trên cơ thể hoặc toàn thân của người bệnh, gọi là co giật.

Sau cơn co giật, người bệnh có thể lơ mơ, có cơn mất trí nhớ thoáng qua trong một khoảng thời gian ngắn. Các cơn co giật dù là dấu hiệu ung thư não giai đoạn đầu hay là triệu chứng của bệnh lý thần kinh khác như động kinh, rối loạn vận động kịch phát, đau nửa đầu, tâm lý không ổn định,… thì cũng nên sớm thăm khám để tránh có những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

2. Đau đầu

Đau đầu là một trong những triệu chứng thường gặp ở nhiều vấn đề sức khỏe bao gồm đau đầu migraine, căng thẳng, tắc mạch máu não, xuất huyết não, mất ngủ… Không loại trừ đau đầu cũng là một dấu hiệu ung thư não giai đoạn đầu.

Các cơn đau do khối tế bào ác tính trong não thường có dấu hiệu tăng nặng theo thời gian và không thuyên giảm kể cả khi có sử dụng thuốc giảm đau. Người bệnh khi gặp triệu chứng ung thư não giai đoạn đầu này thường đau ở một vị trí nhất định (vị trí có khối u) và dần lan ra khắp cả vùng đầu.

Cơn đau cũng có thể đi kèm với một số biểu hiện như nhìn mờ, nhìn đôi, thấy có đốm sáng nhấp nháy, nhìn mờ, nhìn đôi,…

3. Mất cảm giác

Khối u não lành tính hoặc ác tính đều có thể dẫn đến rối loạn cảm giác, làm cho người bệnh bị mất cảm giác ở một vài bộ phận nhất định tùy theo vị trí khối u.

Bác sĩ dựa trên bộ phận cơ thể bị mất cảm giác để “dò tìm” và phát hiện vị trí khối u não đang nằm ở đâu trong cấu trúc não hoặc đang chèn ép, làm tổn thương các tế bào não nào.

4. Thay đổi chức năng vận động

Thay đổi chức năng vận động cũng là một dấu hiệu ung thư não giai đoạn đầu và có thể kéo dài đến những giai đoạn sau trong quá trình diễn tiến bệnh.

Khối u não ác tính có thể khiến cho người bệnh bị mất thăng bằng, khó phối hợp vận động tay chân, khó nói hoặc hiểu, gặp các vấn đề liên quan đến nghe – nhìn…

5. Thay đổi tính cách và trí nhớ

Suy giảm trí nhớ, trở nên lơ đãng, hay quên, bị mất trí nhớ tạm thời… là những dấu hiệu ung thư não giai đoạn đầu do khối u làm tăng áp lực nội sọ.

Người bệnh có thể tạm quên đi những việc mà mình vừa được nghe hay vừa làm xong, hoặc tạm thời mất ký ức liên quan đến một vấn đề nào đó trong quá khứ.

Ngoài ra, tình trạng tăng áp lực nội sọ do khối u não cũng có thể khiến cho người bệnh thay đổi tính cách, trở nên khó chịu và gắt gỏng hơn, dễ buồn bã và có cảm xúc nhạy cảm với các vấn đề xảy ra.

6. Buồn nôn, nôn

Một triệu chứng khác có thể gặp người bị u não lành tính và ác tính chính là buồn nôn hay thậm chí nôn ói. Cơn nôn đi kèm với triệu chứng đau đầu và thường diễn ra vào buổi sáng.

Người bệnh sau mỗi cơn nôn dễ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, bị rối loạn điện giải nhưng chỉ nghĩ do rối loạn tiêu hóa nên làm chậm việc thăm khám, điều trị.

7. Thay đổi tầm nhìn

Người có dấu hiệu ung thư não giai đoạn đầu có thể bị thay đổi thị lực, cụ thể là tầm nhìn kém, cảm thấy mắt mờ hơn.

Trường hợp này thường gặp khi khối u não chèn vào dây thần kinh thị giác (một trong 12 đôi dây thần kinh sọ) và khiến cho chức năng thị giác của người bệnh bị rối loạn.

8. Buồn ngủ hoặc mất ý thức

Triệu chứng của ung thư não giai đoạn đầu có thể làm cho người bệnh cảm thấy hay mơ màng, buồn ngủ, trong trạng thái lơ mơ kém tỉnh táo. Thậm chí, người bệnh còn có thể rơi vào trạng thái mất ý thức nếu khối u phát triển nhanh, kích thước lớn.

Nguyên nhân là do khối u ác tính làm tăng áp lực nội sọ. Lượng máu cung cấp cho não bị suy giảm mạnh và không đủ để nuôi các tế bào não, dẫn đến trạng thái buồn ngủ, mơ màng, mất ý thức.

Làm gì khi có triệu chứng ung thư não giai đoạn đầu?

Nếu bạn lo lắng về bất kỳ dấu hiệu ung thư não giai đoạn đầu nào hay nếu cảm thấy cơ thể có những biểu hiện, triệu chứng bất thường, tốt nhất không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện để được thăm khám.

Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp MRI (chụp cộng hưởng từ), xét nghiệm máu, các bài kiểm tra thị lực, sinh thiết… để đánh giá và đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của bạn, nguyên nhân gây ra các triệu chứng là gì. Từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị, chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất.

Có thể phòng ngừa ung thư não không?

Hiện ung thư não hay u não lành tính đều không thể phòng ngừa 100%. Tuy nhiên, việc tránh xa các yếu tố nguy cơ dưới đây có thể giúp mỗi người giảm nguy cơ ung thư não:

Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại, không khí ô nhiễm, các nguồn phóng xạ và bức xạ ion hóa, thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng… Khi sử dụng các hóa chất, cần đeo khẩu trang và sử dụng găng tay.

Bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, thức khuya, ăn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, thực phẩm chứa chất chống oxy hóa, rau củ quả…

Tăng cường tập thể dục, vận động để nâng cao sức khỏe.

Thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm