Ăn chặn tiền của VĐV...

Ở các bộ môn petanque, pencak silat, bóng bàn, xe đạp… tiền đầu tư cho VĐV đã bị ăn chặn kéo dài từ lâu và có tính hệ thống. Tháng 9-2010, thể thao TP.HCM bàng hoàng khi vụ việc bộ môn petanque ăn chặn tiền chế độ của các VĐV trẻ lẫn đội tuyển được khui ra. Sự việc đấy xảy ra đã lâu nhưng hơn nửa năm qua vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng đưa ra kết luận cuối cùng nhằm giúp các VĐV có niềm tin và yên tâm cống hiến. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ này khó có hướng ra khi nguyên trưởng bộ môn Bùi Công Phú đã đi định cư nước ngoài. Vì thế mà không loại trừ khả năng sự việc sẽ chìm xuồng vì không thể triệu tập người có trách nhiệm cao nhất.

Chưa hết choáng vụ petanque, tháng 11-2010, các phụ huynh có con em theo đuổi pencak silat TP.HCM gửi đơn tố cáo ban huấn luyện “xà xẻo” từ kinh phí tập huấn thi đấu (giải Đại hội TDTT 2010) đến tiền bồi dưỡng. Thậm chí một suất cơm hộp loại bèo cũng bị kê khống lên gần gấp đôi để trừ vào tiền công tập luyện của VĐV.

Không lâu sau hai vụ việc nêu trên, các VĐV bộ môn bóng bàn, taekwondo cũng đồng loạt lên tiếng chuyện bị ăn chặn. Mới đây nhất, các tay đua xe đạp BVTV Sài Gòn bất ngờ lôi ra ánh sáng chuyện bộ môn quyết toán cả tỉ đồng (năm 2010) nhưng tiền đến tay VĐV chỉ vỏn vẹn vài chục triệu đồng.

Ăn chặn tiền của VĐV... ảnh 1

Môn petanque TP.HCM từng bị xà xẻo tiền công tập luyện và thậm chí hộp cơm của VĐV cũng bị nâng giá để rút tiền. Ảnh: XUÂN HUY

Nhìn chung, nạn ăn chặn tiền của VĐV thường có chung một kịch bản. Khi sự việc đổ bể, cấp trên sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới và anh này nhận khuyết điểm đã nhận tiền nhưng chưa trao cho VĐV. Thậm chí cấp dưới chấp nhận làm “hình nhân thế mạng”, trả lại số tiền “xà xẻo” chỉ để chịu hình thức kỷ luật nhẹ hơn so với sự phức tạp của vụ việc.

So với các vụ việc kia, nạn ăn chặn tiền của bộ môn xe đạp (Pháp Luật TP.HCM đã khởi đăng ba kỳ từ ngày 13-6) có dấu hiệu nguy hiểm và có tính hệ thống kéo dài. Không chỉ làm sai và kê khống trong khoảng thời gian từ tháng 3-2010 đến tháng 3-2011 mà những năm trước đó, bộ môn đã quyết toán rất nhiều chứng từ và thu chi không rõ mục đích.

Trước những kẽ hở trong việc thu chi của lãnh đạo bộ môn và sự kiểm tra lỏng lẻo nguồn ngân sách Nhà nước - cụ thể là Trường Nghiệp vụ TDTT TP.HCM, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Mai Bá Hùng đề xuất biện pháp ngăn chặn: “Trường Nghiệp vụ TDTT quản lý việc thu chi của hơn 40 bộ môn như tình hình hiện nay là không xuể. Trước mắt, Sở sẽ thí điểm bàn giao một số môn về cho các Trung tâm Phan Đình Phùng, Nhà thi đấu và Nhà tập luyện Phú Thọ… quản lý thay vì tập trung về một đầu mối là Trường Nghiệp vụ TDTT như hiện nay. Việc này sẽ giúp các trung tâm chia lửa, đồng thời giúp các khoản thu chi ngân sách Nhà nước được minh bạch, tránh tình trạng có dấu hiệu tiêu cực như thời gian vừa qua”.

Phần tiếp theo từ đơn tố cáo

Theo một lãnh đạo Sở VH-TT&DL, ngoài việc lập đoàn thanh tra, cơ quan điều tra cũng đang xem xét lấy hồ sơ vụ ăn chặn tiền của bộ môn xe đạp sau khi tập thể đội BVTV Sài Gòn gửi đơn tố cáo đến Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM.

MINH QUANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm