An ninh Nga: Nhóm ông Navalny từng xin tài trợ từ Anh

Đài RT hôm 1-2 chia sẻ một video cho thấy một đồng minh thân cận của nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny đã gặp gỡ một người nghi là đặc vụ Anh làm việc tại Moscow, ám chỉ mối liên hệ mờ ám giữa các tổ chức của ông Navalny và chính quyền London.

Video trên do Cơ quan An ninh liên bang (FSB) của Nga quay lại. Theo đó, hồi năm 2012, ông Vladimir Ashurkov - Giám đốc Điều hành Quỹ Chống tham nhũng (FBK) của ông Navalny - đã đến một quán cà phê để gặp một nhân viên ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Moscow.

Qua điều tra, FSB xác định nhân viên ngoại giao Anh trên là ông James William Thomas Ford, lúc đó là Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Anh, phụ trách các vấn đề chính trị. FSB nghi ngờ người này là mật vụ tình báo MI6 của Anh đang hoạt động tại Nga dưới vỏ bọc nhân viên ngoại giao. 

Ảnh chụp màn hình một số đoạn trong video cáo buộc ông Vladimir Ashurkov gặp gỡ và giao dịch với ông James William Thomas Ford hồi năm 2012. Ảnh: RT

Theo RT, ông Ashurkov bị cáo buộc tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính và thông tin tình báo từ phía Anh. Theo đó, bên cạnh việc đối thoại để xin tài trợ từ các doanh nghiệp Nga, ông Ashurkov muốn được hỗ trợ thêm "10 đến 20 triệu USD mỗi năm" để mở rộng đội ngũ làm việc cho ông Navalny.

FSB còn cho biết cuộc thảo luận của ông Ashurkov và ông Ford liên quan tới cách ông Navalny và FBK xúc tiến hình ảnh trước công chúng Nga. Theo cáo buộc này, ông Ashurkov vạch ra kế hoạch tổ chức hoạt động như biểu tình quy mô lớn, các sáng kiến dân sự, chương trình tuyên truyền, cũng như móc nối với giới tinh hoa, cam kết không đụng chạm với tài sản của những nhân vật giàu có để thuyết phục những người này cùng hợp tác.

Ông Ashurkov bị cho là hoan nghênh việc Anh "đã có lập trường cứng rắn hơn với Nga". Ông này còn bị cáo buộc muốn được chia sẻ thông tin từ văn phòng theo dõi các vấn đề gian lận và tham nhũng của chính phủ Anh vì nhóm của ông Navalny không thể thu thập được những thông tin có giá trị như vậy.

Do đó, FSB cho rằng ông Ashurkov và những người có liên quan đáng bị coi là gián điệp nước ngoài.

Theo FSB, ông Ford đã không cam kết hỗ trợ ông Ashurkov và FBK, song gợi ý hai bên có thể chuyển hướng hợp tác sang các hoạt động dưới danh nghĩa Tổ chức Minh bạch quốc tế, bất chấp việc ông Ashurkov nghi ngờ về tính khả thi và hiệu quả của đề xuất từ phía Anh.

RT đã cố gắng liên hệ với ông Ashurkov, ông Ford, Bộ Ngoại giao Anh và Đại sứ quán Anh tại Moscow để tìm hiểu thêm thông tin nhưng chưa được phản hồi.

Ông Ashurkov bị giới chức Nga truy nã với cáo buộc lừa đảo các khoản tiền tài trợ cho chiến dịch của ông Navalny năm 2013 để tranh cử chức Thị trưởng Moscow và hiện đang ở Anh. Ông này từng được Quốc hội Anh mới đến làm chứng trong một cuộc điều tra năm 2018 về các cáo buộc tham nhũng ở Nga.

RT lưu ý rằng vào thời điểm ông Ashurkov gặp ông Ford, ông Vladimir Putin vừa trở lại Điện Kremlin sau bốn năm giữ chức Thủ tướng Nga. Ông Putin nổi tiếng với lập trường cứng rắn với phương Tây, nhất là các hành vi bị cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của Nga.

Năm 2012 cũng là thời gian một quan chức chính quyền London thừa nhận về vụ bê bối "điệp viên đá" ở Nga. Theo đó, từ năm 2006, Anh đã sử dụng nhiều thiết bị ngụy trang thành các tảng đá để thu thập thông tin tình báo từ các nguồn ở Nga. 

 

Ngày 1-2, tòa án quận Scherbinsky ở thủ đô Moscow đã tuyên phạt bà Yulia Navalnaya - vợ của ông Navalny - 20.000 ruble (khoảng hơn 6 triệu đồng) vì tham gia biểu tình trái phép hôm 31-1.

Ngày 31-1, Nga chứng kiến đợt biểu tình lớn vào cuối tuần lần thứ hai liên tiếp sau khi ông Navalny bị bắt giữ hôm 17-1. Thành phần tham gia biểu tình là những người ủng hộ ông Navalny, muốn gây áp lực đòi chính quyền Moscow thả ông này, với phần lớn là người trẻ.

Giới chức Nga tuyên bố các cuộc biểu tình này là trái phép, thậm chí còn chỉ trích ông Navalny là khủng bố khi kêu gọi phụ nữ và trẻ vị thành niên đi biểu tình như vậy. Trong ngày 31-1, hơn 5.000 người đã bị bắt giữ khi tham gia biểu tình trái phép.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm