Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này sẽ giảm thiểu sự di chuyển của binh sĩ tại nước láng giềng Syria như một phần trong các biện pháp chống đại dịch COVID-19, theo kênh Al Jazeera.
“Do đại dịch COVID-19, quyết định giảm thiểu sự di chuyển của binh sĩ trong các khu vực hoạt động quân sự ở Syria nếu không cần thiết đã được đưa ra” - Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm 5-4.
Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib (Syria). Ảnh: AFP
Theo bộ này, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai ở Syria từ bây giờ sẽ chỉ vào ra các khu vực hoạt động khi có sự cho phép của người đứng đầu quân đội.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn phe nổi dậy chống chính phủ Syria ở tỉnh Idlib (tây bắc Syria), nơi nước này đã thiết lập 12 trạm quan sát và tăng cường triển khai quân từ đầu năm nay.
Cuộc chiến giữa quân chính phủ Syria và phe nổi dậy lắng xuống sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga - đồng minh chính của chính phủ Syria thống nhất một lệnh ngừng bắn hồi tháng trước.
Riêng tại Idlib, nơi có khoảng 1 triệu người di tản do xung đột kể từ tháng 12-2019, các bác sĩ cảnh báo kịch bản tồi tệ nhất nếu dịch COVID-19 lan tới đây do các bệnh viện gần như bị tàn phá và các khu trại chật ních người tị nạn.
Đào tạo y tế
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết nước này ngày 5-4 ghi nhận thêm 73 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người tử vong tại Thổ Nhĩ Kỳ lên 574.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện là 27.069 ca sau khi tăng 3.135 ca hôm 5-4.
Thổ Nhĩ Kỳ đã kiềm chế phần lớn các hoạt động di chuyển, chủ yếu là phong tỏa biên giới, đóng cửa doanh nghiệp như biện pháp chống COVID-19.
Trong bước đi mới nhất, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay họ đã thiết lập một đơn vị mới chống dịch bệnh lây lan.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, các bác sĩ đã được đưa tới các khu vực hoạt động nhằm tổ chức các buổi đào tạo liên quan tới dịch bệnh hô hấp nguy hiểm này.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng giám sát các khu vực biên giới Syria ở phía đông tỉnh Idlib.
Xịt khử trùng tại thương xá Grand Bazaar ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: REUTERS
Liên quan tới tình hình dịch COVID-19 trong nước, diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng nghiêm trọng trong vài tuần qua với các ca nhiễm mới hằng ngày liên tục tăng lên.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ gần đây ban hành lệnh giới nghiêm một phần đối với những công dân dưới 20 tuổi và những người trên 65 tuổi và những ai mắc các bệnh mãn tính.
Lệnh này dự kiến có hiệu lực vào giữa đêm 10-4. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cấm các phương tiện ra vào 31 tỉnh, thành trong đó có Istanbul và Ankara, trong 15 ngày.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra yêu cầu bắt buộc sử dụng khẩu trang ở những nơi công cộng đông người, các cửa hàng và nơi làm việc.
Hôm 5-4, trong một loạt biện pháp mới nhất, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho hay người dân có thể đăng ký trực tuyến để nhận miễn phí mỗi tuần năm khẩu trang qua đường bưu điện.
Trước khi có những biện pháp trên, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa trường học, đình chỉ các chuyến bay quốc tế và cấm các buổi cầu nguyện và tụ tập đông người nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan ở đất nước 83 triệu dân này.
Nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ phân lập thành công virus SARS-CoV-2
Một nhà virus học Thổ Nhĩ Kỳ đã phân lập thành công virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong nỗ lực điều chế vaccine chống lại dịch bệnh chết người này, theo trang tin Hurriyet Daily News.
“Giám đốc Viện Công nghệ sinh học của đại học chúng tôi - GS-TS Aykut Özkul, đã thành công trong việc phân lập virus SARS-CoV-2, bước đầu tiên trong nỗ lực sản xuất huyết thanh, vaccine và thuốc đặc trị COVID-19” - ĐH Ankara nói trong một bài đăng trên trang mạng xã hội Twitter hôm 5-4.
Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ - ông Mustafa Varank, tuần qua thông báo rằng tổng cộng 24 trường đại học, tám đơn vị nghiên cứu và phát triển công cộng với hàng trăm nhà nghiên cứu đã làm việc để sản xuất ra một loại vaccine ngừa COVID-19.
Dịch COVID-19 khởi phát ở Trung Quốc tháng 12 năm ngoái và hiện đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện giờ tâm điểm của dịch đang chuyển sang châu Âu.
Tính tới nay, toàn thế giới đã có hơn 1,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 68.000 người đã tử vong. Khoảng 258.400 người nhiễm COVID-19 được chữa khỏi, theo số liệu của ĐH Johns Hopkins (Mỹ).