Tình trạng khẩn cấp quốc gia được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chiều 13-3 (giờ địa phương) để đối phó với đại dịch COVID-19. Theo đài CNN, động thái này cho thấy ông Trump đã thừa nhận nước Mỹ không miễn nhiễm trước dịch COVID-19.
Theo số liệu thống kê từ CNN, tính đến ngày 13-3 (giờ địa phương), Mỹ có 48 người chết và hơn 2.100 người nhiễm COVID-19.
Huy động tiền và quyền chống COVID-19
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ mở đường giải ngân hàng tỉ USD trong các quỹ liên bang - ông Trump có nhắc tới con số 50 tỉ USD. Tuyên bố cũng đặt Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang vào tâm thế sẵn sàng hành động.
Tổng thống Mỹ Donald Trump họp báo chiều 13-3, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia chống dịch COVID-19. Ảnh: CNN
Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump có nhắc tới luật Stafford - quy định “các phản ứng (của chính quyền) trong phần lớn thảm họa liên bang”. Luật Stafford cho phép chính quyền tiếp cận các quỹ liên bang trong phản ứng thảm họa. Và tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép chính quyền viện tới luật Staffort.
Với tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhà chức trách sẽ có thêm tiền từ các quỹ liên bang, cũng như được hỗ trợ thêm nhân sự, thiết bị để chống dịch.
Theo ông Trump, tuyên bố này sẽ mở cửa quyền lực toàn diện của chính phủ liên bang. Ngày 13-3, ông Trump cũng đề nghị mỗi bang lập các trung tâm hành động khẩn cấp “có hiệu lực ngay lập tức” và yêu cầu “mỗi bệnh viện trong nước kích hoạt kế hoạch khẩn cấp của mình”.
Ông Trump cũng đề cập đến chuyện mở rộng quy mô xét nghiệm COVID-19 cho dân.
Tiến sĩ Debbie Birx, nhà điều phối đối phó COVID-19 Nhà Trắng, giải thích về quy trình xét nghiệm trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng chiều 13-3. Ảnh: GETTY IMAGES
Ngoài ra, theo ông Trump, tuyên bố khẩn cấp cũng mở rộng quyền lực hơn cho Bộ trưởng Y tế Alex Azar.
Theo lời ông Trump, tuyên bố khẩn cấp cho phép ông Azar có thể điều chỉnh một số quy định để cho phép các bác sĩ, các bệnh viện và các cơ sở cung cấp bảo hiểm y tế có thể linh hoạt tối đa để đối phó với dịch. Chẳng hạn, có thể bỏ các yêu cầu cấp phép liên bang, giới hạn tiếp cận số giường bệnh và số ngày nằm viện, các quy định liên quan điều động thêm các bác sĩ đến các bệnh viện.
Với tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang sẽ hoạt động với tư cách một nhà điều phối các phản ứng chống dịch giữa Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang có thể phụ trách giúp về các công tác hậu cần như di chuyển cư dân nếu cần thiết, lập các cơ sở y tế tạm thời.
Một điều nữa, chắc chắn với tình trạng khẩn cấp quốc gia, chuyện đi lại, tự do cá nhân của người dân Mỹ sẽ phần nào bị ảnh hưởng.
Tại sao lúc này ông Trump mới tuyên bố khẩn cấp quốc gia?
Từ nhiều ngày trước, các bang có dịch COVID-19 lớn như Washington, New York… đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn bang để chống dịch.
Đầu tuần này, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện – nghị sĩ Chuck Schumer, thượng nghị sĩ Dân chủ Patty Murray (đại diện bang Washington – bang có dịch lớn nhất nước Mỹ), nghị sĩ Dân chủ Gary Peters cùng gửi thư đến ông Trump yêu cầu “ngay lập tức” cân nhắc tuyên bố thảm họa cả nước với dịch COVID-19.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại TP Denver, bang Colorado (Mỹ) ngày 12-3. Ảnh: CNN
Lý do việc tuyên bố bị trì hoãn có thể vì các bang vẫn đang trong quá trình đánh giá các nguồn lực của mình cùng sự hỗ trợ từ chính phủ liên bang mà các bang nhận được.
Theo chuyên gia y tế Daniel Kaniewski từng làm phó giám đốc Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang, có hai khả năng, một là các bang có được các nguồn lực mình cần, hai là các bang có hầu hết các nguồn lực mình cần.