Át chủ bài ‘năng lượng' của Nga dần yếu thế

(PLO)- Mùa đông ôn hoà ở châu Âu năm nay cùng với nỗ lực của EU nhằm giảm phụ thuộc khí đốt Nga khiến quân át chủ bài “năng lượng" của Moscow dần mất sức nặng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2 năm ngoái, một câu hỏi đã khiến các chính phủ châu Âu đau đầu hơn bất kỳ câu hỏi nào khác chính là “điều gì xảy ra nếu Moscow cắt nguồn cung khí đốt?”.

Mối đe dọa cắt nguồn cung khí đốt của Nga cho các nước châu Âu - thứ mà nhiều người dân châu Âu dùng để sưởi ấm và hoạt động các nhà máy suốt nhiều năm qua - là một “con át chủ bài” mà ông Putin có thể sử dụng nếu cuộc xung đột kéo dài tới mùa đông, theo nhà bình luận Luke McGee của đài CNN.

“Át chủ bài" mất dần sức nặng

Giới chuyên gia nhận định rằng khi đông đến, việc phía Nga cắt khí đốt có thể khiến các nước châu Âu chịu sức ép lớn từ dư luận và bắt đầu giảm ủng hộ Ukraine. Áp lực đó có thể khiến các nhà lãnh đạo châu Âu nới lỏng các biện pháp trừng phạt hoặc kêu gọi Kiev nhượng bộ đàm phán theo các điều kiện có lợi cho Moscow.

Trạm nén của đường ống JAGAL - một phần của đường ống Yamal-châu Âu vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức. Ảnh: GETTY IMAGES
Trạm nén của đường ống JAGAL - một phần của đường ống Yamal-châu Âu vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Keir Giles - chuyên gia tư vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh - nói rằng: “Nga xưa nay cho rằng một trong những vũ khí tốt nhất của họ là mùa đông. Theo đó, Nga đã tìm cách khai thác mùa đông để tăng cường sức mạnh cho một công cụ khác: vũ khí năng lượng. Nga đang tính đặt cược dùng mùa đông lạnh giá để khiến châu Âu tin rằng sự ủng hộ dành cho Ukraine không đáng để họ phải gánh chịu nỗi đau”.

Tuy nhiên, khu vực Tây Âu và Trung Âu năm nay đã trải qua một mùa đông ôn hòa hơn dự đoán, cùng với nỗ lực phối hợp giảm tiêu thụ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU), con bài “năng lượng" của ông Putin đang mất dần sức mạnh.

Khi bước sâu vào năm 2023, các chính phủ châu Âu có nhiều cơ hội thành công trong việc giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga và có sự chuẩn bị tốt hơn cho mùa đông tiếp theo. Theo CNN, điều này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự thống nhất của phương Tây khi chiến sự kéo dài.

Ông Adam Bell - cựu quan chức năng lượng Anh - nói rằng mùa đông ấm áp đã “giúp cho châu Âu có thêm một năm” để chuẩn bị ứng phó với viễn cảnh khủng hoảng năng lượng. “Nếu tháng 12 và tháng 1 lạnh hơn thì sẽ ngốn nhiều khí đốt trong kho dự trữ của châu Âu hơn" - ông nói.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng chỉ dự trữ thôi là chưa đủ. “Nhiều công việc cần phải được thực hiện một cách hiệu quả. Các hộ gia đình và doanh nghiệp cần tiết kiệm năng lượng bằng cách xây dựng hệ thống cách nhiệt. Các công ty cần hạn chế sử dụng khí đốt tự nhiên trong quy trình sản xuất” - ông cho hay.

Các nhà phê bình chỉ trích các chính phủ châu Âu tập trung quá nhiều vào việc kiểm soát giá khí đốt trước mắt, thay vì đầu tư vào các biện pháp dài hạn như hiệu quả và năng lượng tái tạo.

“Mọi người trước tiên đều nghĩ tới việc giảm giá khí đốt, điều này dễ hiểu vì nó trực tiếp giải quyết các mối quan tâm về chi phí của các hộ gia đình và doanh nghiệp” - ông Milan Elkerbout, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu (Bỉ), cho biết.

Theo ông Elkerbout, các chính trị gia có xu hướng coi hiệu suất năng lượng là mục tiêu dài hạn, song “những biện pháp cải thiện hiệu suất ngắn hạn vốn cũng có thể góp phần tạo ra sự thay đổi lớn về mức tiêu thụ”.

Ông John Springford - Phó Giám đốc tại Trung tâm Cải cách châu Âu cho biết: “Các chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa để khuyến khích và tăng tốc độ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Sẽ rất tốt nếu các chính phủ xây dựng các kho lưu trữ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG), điều này có thể được thực hiện khá nhanh và trực tiếp làm giảm nhu cầu về khí đốt của Nga”.

Vẫn còn rủi ro

Trong bài viết trên tờ The Wall Street Journal, tay bút kỳ cựu Matthew Dalton bình luận rằng rủi ro đối với nguồn cung của châu Âu vẫn còn hiện hữu. Nga - quốc gia vẫn cung cấp khoảng 8% nguồn cung cấp khí đốt của EU - có thể ngắt nguồn cung bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, nền kinh tế TQ đang mở cửa trở lại và giới phân tích cho rằng Bắc Kinh theo đó sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đẩy giá trên thị trường lên cao.

Cảng Lubmin (Đức) đã mở một trạm LNG mới. Ảnh: BLOOMBERG
Cảng Lubmin (Đức) đã mở một trạm LNG mới. Ảnh: BLOOMBERG

Các nhà khoa học về khí hậu cho biết châu Âu có nguy cơ đối mặt nhiều hơn với các đợt nắng nóng và hạn hán, vốn đã khiến giảm mạnh hoạt động sản xuất thủy điện của lục địa này vào mùa hè năm ngoái.

Ông Ben McWilliams - một nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu Bruegel (Brussels, Bỉ) - cho biết: “Nguồn dự trữ vẫn chưa có dư. Chúng tôi vẫn đang ở thời điểm mà giá có thể tăng đột biến nếu có bất kỳ vấn đề nào phát sinh".

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng khả năng cắt giảm tiêu thụ năng lượng của châu Âu trong mùa đông này cho thấy khu vực này có thể tự bảo vệ nền kinh tế của họ trước những cú sốc năng lượng trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm