Điều đáng nói là việc UBND tỉnh Nghệ An đưa ra đề nghị sau khi Chính phủ quyết nghị dừng khai thác khoáng sản gần chục ngày (Nghệ An đề nghị ngày 9-9, Chính phủ họp 30-8).
Được biết, tại công văn phát hành đúng ngày họp Chính phủ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngay từ ngày 30-8-2011, tất cả các bộ, ngành, địa phương tạm dừng việc cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước cho đến khi có chỉ đạo mới; Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao báo cáo thực trạng (cả mặt được, chưa được) trong việc cấp phép thăm dò, khai thác các loại khoáng sản trên cả nước và những biện pháp cần chấn chỉnh, tăng cường quản lý; Bộ Công Thương báo cáo Quy hoạch và thực trạng khai thác, chế biến và xuất khẩu của từng loại khoáng sản hiện nay, nêu rõ mặt được, chưa được và có báo cáo rõ loại khoáng sản nào phải chế biến sâu, sâu đến mức nào và biện pháp chấn chỉnh, quản lý…
Ngay sau đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức một cuộc hội thảo nhìn nhận lại toàn bộ những mặt yếu kém trong quản lý tài nguyên, khoáng sản thời gian qua, có “mở cửa” rộng rãi cho báo chí. Tuy nhiên, nhận định mang tính khái quát cao chính là phát biểu bế mạc Hội nghị BCH Trung ương vừa qua của người đứng đầu Đảng. Cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải “Khắc phục tình trạng khai thác quá mức tài nguyên, khoáng sản mà chưa tính toán đầy đủ khả năng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đến môi trường…”. Ông yêu cầu: “Chấm dứt tình trạng khai thác quá đáng, làm cạn kiệt tài nguyên, gây hại cho môi trường”.
Như vậy, việc “tuýt còi” đối với UBND tỉnh Nghệ An nêu trên được xem là biểu hiện kiên quyết mới nhất, thời sự nhất, có thể cùng lúc đạt tới ba mục tiêu: bảo vệ được rừng, chống được hiện tượng khai thác tài nguyên tràn lan và giữ nghiêm được kỷ cương phép nước!
PHAN MAI