Bài 1: Ông Putin nói với 3 đài Ả Rập về chính sách Trung Đông

Trước chuyến thăm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) trong tuần này, cuối tuần rồi Thủ tướng Nga Vladimir Putin có buổi trả lời phỏng vấn ba đài truyền hình tiếng Ả Rập: RT Arabic, Al Arabiya, Sky News Arabia. Nội dung chính của cuộc phỏng vấn xoay quanh các chính sách và quan hệ của Nga với Trung Đông, với Mỹ, và nguy cơ phát sinh cuộc chạy đua vũ trang mới liên quan đến việc mở rộng hiện diện của Mỹ và NATO – khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi trả lời phỏng vấn 3 đài truyền hình tiếng Ả Rập RT Arabic, Al Arabiya, Sky News Arabia. Ảnh: KREMLIN.RU

Mở đầu buổi phỏng vấn ông Putin nói ông quan tâm đến việc phát triển quan hệ với Saudi Arabia. Ông Putin thừa nhận quan hệ hai nước thời Liên bang Xô viết không được tốt, nhưng đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây. Nga quan tâm đến không chỉ hợp tác kinh tế mà cả trong các lĩnh vực nhạy cảm như hợp tác quân sự và quốc phòng với Saudi Arabia. Ông Putin đánh giá cao vai trò tích cực của Saudi Arabia trong việc giải quyết khủng hoảng Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) được Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia tiếp đón tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) ngày 14-10. Ảnh: SPUTNIK

Sky News Arabia đặt câu hỏi liệu sự hợp tác chiến lược giữa Nga và UAE sẽ ảnh hưởng gì đến an ninh chung ở khu vực, đặc biệt ở eo biển Hormuz. Theo ông Putin, Nga xem UAE là một trong những đối tác thân thiết và tiềm năng, sau khi hai nước ký biên bản ghi nhớ đối tác chiến lược năm ngoái. Ông Putin mong muốn phát triển hơn sự hợp tác kinh tế với UAE đồng thời đánh giá cao đóng góp của UAE trong giải quyết các khủng hoảng khu vực và vai trò bình ổn khu vực của UAE.

Về Iraq, Libya, Syria

Đài RT Arabic đặt câu hỏi tại sao Nga cứng rắn ở Syria, nhưng lại không như thế với Libya hay Iraq. Giải thích điều này, theo ông Putin, lý do quan trọng nhất là Mỹ đã qua mặt được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) để đưa quân vào Iraq. Nga cùng với Pháp và Đức lúc đó không ủng hộ đưa quân vào Iraq. Hơn nữa Nga đã cảnh báo về nguy cơ hệ lụy chính trị bất lợi từ việc này, đó là sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Với trường hợp Libya, các đối tác phương Tây đã không trung thực với Nga. Đúng là Nga có bỏ phiếu cho nghị quyết HĐBA về tình hình Libya. Nhưng nếu đọc kỹ thì nghị quyết dù cấm ông Muammar Gaddafi (lãnh đạo Libya khi đó) sử dụng không lực chống lại phe nổi dậy, nhưng nghị quyết cũng không cho phép bất kỳ cuộc không kích nào vào lãnh thổ Libya. Nhưng thực tế điều đó lại xảy ra. Như vậy, theo ông Putin, về cơ bản những gì đã xảy ra là sự lừa dối HĐBA LHQ. Hậu quả của những gì xảy ra ở Libya đúng như Nga đã cảnh báo là dòng người di cư ồ ạt kéo về châu Âu. Nhưng nghiêm trọng hơn là toàn bộ khu vực Trung Đông chìm vào bất ổn.

Với trường hợp Syria, ông Putin nói rõ Nga đến Syria để ủng hộ chính phủ hợp pháp nước này. Dù thừa nhận nội bộ Syria có vấn đề và chính phủ nước này có trách nhiệm với những gì xảy ra nhưng ông Putin khẳng định Nga không cho phép các tổ chức khủng bố ẩn náu ở Syria rồi sau đó di chuyển sang các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết cũ, đe dọa an ninh Nga.

Ông Putin khẳng định ủng hộ giải quyết nội chiến Syria bằng giải pháp chính trị. Nga hài lòng với tiến trình chính trị hiện tại, với việc Ủy ban Hiến pháp Syria được thành lập.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ hai từ phải sang) thăm Syria năm 2017, cùng Tổng thống Syria Bashar al-Assad (thứ hai từ trái sang), Bộ trưởng Quốc phòng Nga (phải), Tổng Tham mưu quân đội Syria Ali Abdullah Ayyoub (trái) dự một lễ diễu binh ở tỉnh Latakia (tây bắc Syria). Ảnh: AFP

Sky News Arabia đặt câu hỏi liệu Nga có nghĩ rằng có khả năng đối thoại về một giải pháp chính trị với các lực lượng nước ngoài còn đang hiện diện ở Syria, chẳng hạn ngoài Nga còn có Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran. Ông Putin nói rõ tất cả các lực lượng triển khai bất hợp pháp bên trong một đất nước có chủ quyền – trong trường hợp này là Syria – phải rời đi. Ông Putin cũng khẳng định Nga cũng sẽ rút quân về nếu chính phủ hợp pháp mới của Syria không cần đến sự hiện diện của quân đội Nga nữa. Nga đã và đang nói chuyện này với các đối tác Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và cả Mỹ.

Sky News Arabia đặt câu hỏi về tầm nhìn của ông Putin với tương lai chính trị Syria và vai trò của Nga trong tương lai này. Thừa nhận đây là câu hỏi khó, ông Putin nói ông hy vọng các bên Syria sẽ chịu cùng nhau đàm phán thay vì đánh nhau, và bước đầu tiên là cùng sửa đổi và soạn thảo hiến pháp đất nước.

Theo ông Putin, một dấu hiệu lạc quan về tương lai ổn định của Syria là người dân tị nạn các nơi đã bắt đầu trở về nhà, cho thấy niềm tin vào chính phủ Syria đã được cải thiện hơn.

Về vai trò Iran ở Trung Đông

Sky News Arabia đặt câu hỏi liệu Nga có lo ngại về các hoạt động của Iran ở hàng loạt nước trong khu vực: Lebanon, Yemen, Iraq, Syria...., và liệu Nga có làm gì để thay đổi thái độ của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Theo ông Putin, nếu muốn có một chương trình hành động tích cực, một nước cần thừa nhận quyền lợi hợp pháp của các nước đối tác. Một nước lớn như Iran có các quyền lợi riêng của mình, và các nước nên tôn trọng các quyền lợi này. Nếu có bất đồng về quyền lợi, các nước cần đối thoại với nhau để giải quyết.

Về phần mình, ông Putin khẳng định Nga sẽ không bao giờ bắt tay với một nước này chống lại một nước khác, không xây dựng liện minh để chống lại nước nào. Nga sẽ làm hết sức trong khả năng để tạo điều kiện phù hợp cho thay đổi tích cực. Nga có quan hệ thân thiết với Iran và cũng đang có quan hệ rất tốt với các bạn bè Ả Rập, với Saudi Arabia và UAE. Vì thế theo ông Putin các bên có thể đối thoại bảo vệ quyền lợi của các bên.

 Sky News Arabia đăt câu hỏi về quan điểm của Nga với khả năng tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran, đặc biệt về ý kiến thỏa thuận mới nên bao gồm cả chương trình tên lửa của Iran. Về điều này, ông Putin cho rằng Iran đang bị đối xử không công bằng khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế khẳng định Iran tuân thủ đúng thỏa thuận. Về chương trình tên lửa của Iran, ông Putin đồng ý chương trình này gây nhiều quan ngại và cho rằng có thể xem chương trình này là một phần của tiến trình thương lượng thỏa thuận mới.

RT Arabic đặt câu hỏi liệu các nước có thể trông chờ vào việc Nga làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia để giúp giảm căng thẳng vùng Vịnh hay không. Theo ông Putin thì với quan hệ của mình Nga có thể giúp chuyển tiếp thông điệp giữa các bên để các bên biết được quan điểm của nhau, tuy nhiên ông biết chắc các lãnh đạo hai bên không cần bất kỳ lời khuyên hay sự trung gian nào.

Al Arabiya đặt câu hỏi về việc Nga không nắm được điều gì thật sự xảy ra với 2 cơ sở lọc dầu Saudi Arabia, đặc biệt với vai trò của Nga ở vùng Vịnh, và với năng lực của các cơ quan tình báo của Nga. Tuy nhiên, ông Putin nói dù tin hay không thì đó là sự thực, rằng Nga không có bất kỳ thông tin đáng tin cậy nào về chuyện này.

Nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công và Iran bị Saudi Arabia, Mỹ và đồng minh Mỹ cho là thủ phạm. Ảnh: AP

Al Arabiya đặt câu hỏi về quan điểm chính thức của Nga về chuyện 2 nhà máy lọc dầu Saudi Arabia bị tấn công, và ông Putin nói rõ Nga lên án hành động này, tuy nhiên không nên đổ trách nhiệm cho bên nào trong chuyện này trước khi tìm ra sự thật. Chủ nhân Điện Kremlin cho biết ông có thảo luận chuyện này với Thái tử Salman của Saudi Arabia và nhấn mạnh tính cần thiết phải thu thập được chứng cứ để khẳng định thủ phạm. Ông Putin cũng nói ông đồng ý với đề nghị của Thái tử Salman tham gia điều tra vụ việc, và Nga sẵn sàng lên án Iran nếu thật sự kết quả điều tra cho thấy Iran đúng là thủ phạm.

Mời xem bài 2: Ông Putin nói với 3 đài Ả Rập về chính sách với Mỹ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới