Bài học chống COVID-19: Miễn phí xét nghiệm và điều trị

Dịch COVID-19 đã lan ra hơn 100 quốc gia với tâm dịch mới đã chuyển sang châu Âu, thay vì Trung Quốc như ban đầu.

Số người chết, ca nhiễm tại Trung Quốc liên tục giảm mỗi ngày. Và Trung Quốc gần đây chuyển nỗi lo từ nhiễm nội địa sang nguy cơ nhiễm nhập cảnh. Để ngăn chặn, Bắc Kinh ngày 15-3 quy định khách nhập cảnh phải chịu cách ly 14 ngày.

Thống kê nhiễm, tử vong, hồi phục COVID-19 của thế giới theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến chiều 16-3. Ảnh: SCMP

Trong khi đó tình hình dịch ở các nước bên ngoài Trung Quốc vẫn xấu và nguy hiểm thêm mỗi ngày. Tính đến thời điểm này, tổng số ca chết và nhiễm của các nước đã nhiều hơn của Trung Quốc: 3.293 người chết và 86.652 ca nhiễm của các nước, so với 3.213 người chết và 80.860 ca nhiễm ở Trung Quốc. Trong đó tâm dịch mới châu Âu đang rất nguy ngập với số liệu tử vong, nhiễm tăng vọt mỗi ngày.

Đừng để chi phí cản trở dân đi xét nghiệm và điều trị

Công bằng mà nói các chính phủ phương Tây cũng đang chạy đua thực hiện các biện pháp kiềm chế dịch, cùng với cả nỗi lo dịch sẽ gây suy thoái toàn cầu nếu để càng lâu. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, các biện pháp kiềm chế của phương Tây khả năng sẽ khó sớm kiềm được dịch và số người chết, người nhiễm ở đây có thể rồi sẽ vượt Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, báo South China Morning Post nhắc đến một bài học quan trọng từ Trung Quốc với các nước đang chiến đấu với dịch: Miễn phí xét nghiệm và điều trị cho người dân. Nói cách khác, các nước cần chuẩn bị nguồn lực tài chính, không để chi phí cản trở người dân xét nghiệm và điều trị COVID-19.

Chi phí một lần xét nghiệm COVID-19 ở Trung Quốc tốn khoảng 370 nhân dân tệ (hơn 1,2 triệu đồng). Ở TP Thâm Quyến, chi phí trung bình điều trị một ca nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân già là 23.000 nhân dân tệ (76 triệu đồng), thấp dần cho đến bệnh nhân trẻ em khoảng 5.600 nhân dân tệ (18,5 triệu đồng), tạp chí Chinese Hospital Management đưa thông tin ngày 28-2.

Việc xét nghiệm, điều trị COVID-19 ở Trung Quốc được miễn phí. Ảnh: STAR ONLINE

Một số phương pháp chữa trị của Trung Quốc như tiếp thêm ôxy từ bên ngoài - nhằm tăng lượng ôxy trong máu bệnh nhân thuộc dạng chi phí cao nhưng được chính phủ hỗ trợ. Số hỗ trợ này được lấy từ khoản 110,48 tỉ nhân dân tệ (364.738 tỉ đồng) mà chính phủ Trung Quốc chi cho điều trị bệnh nhân, mua thiết bị y khoa, hỗ trợ nhân viên y tế.

Từ tháng 1, Hàn Quốc đã thông báo chính phủ và các công ty bảo hiểm sẽ lo phần chi phí liên quan đến xét nghiệm, cách ly và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Hàn Quốc tăng cường các điểm xét nghiệm để có thể xét nghiệm cho khoảng 15.000 người/ngày.

Nhật từ tháng 2, liệt COVID-19 vào danh sách bệnh truyền nhiễm để chính phủ có trách nhiệm trả các chi phí liên quan đến COVID-19 cho bệnh nhân.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 khi người dân vẫn ngồi trên xe, tại Hàn Quốc. Ảnh: THE HILL

Trong khi đó tại Mỹ, nỗi lo lắng về chi phí xét nghiệm và điều trị đang gia tăng trong bộ phận người dân. Chính phủ Mỹ không thu tiền xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm chỉ định nhưng nếu vào xét nghiệm ở bệnh viện thì người dân sẽ phải tốn một khoản lớn - hơn 3.200 USD (hơn 74 triệu đồng).

Nhóm Các kế hoạch bảo hiểm y tế Mỹ - vận động về bảo hiểm - nói người mua bảo hiểm cần kiểm tra với nhà cung cấp bảo hiểm cho mình liệu xem các nhà cung cấp này có chịu choàng chi phí liên quan đến COVID-19 hay không.

Mỹ cũng đã xúc tiến lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho dân, tại TP Denver, bang Colorado ngày 12-3. Ảnh: REPORTER-HERALD

So với nhiều nước, số người làm xét nghiệm COVID-19 ở Mỹ khá khiêm tốn. Tuần rồi Hạ viện Mỹ vừa duyệt một dự luật trong đó có điều khoản miễn phí xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ dân. Chưa biết dự luật có thành luật được không nhưng trước mắt, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông ủng hộ nội dung này.

Khoanh vùng, cách ly không thể dựa vào tự nguyện

Giáo sư Dirk Pfeiffer tại ĐH TP Hong Kong cho rằng chi phí xét nghiệm, điều trị sẽ cản trở các nỗ lực kiềm dịch.

“Rõ ràng, khi phải trả tiền cho việc chăm sóc sức khỏe, những người thuộc nhóm thu nhập thấp có triệu chứng nhẹ sẽ trì hoãn đến khám chữa tại cơ sở y tế và cũng có thể khi bị nặng họ cũng thế. Kiểu hành xử này sẽ kéo dài dịch bệnh” - theo ông Pfeiffer.

Tuy nhiên, cũng theo ông, việc mở rộng xét nghiệm đại trà là không thực tế ở phần lớn các nước và khoanh vùng, cách ly vẫn tiếp tục là biện pháp giảm thiểu rủi ro quan trọng nhất.

“Tôi không nghĩ xét nghiệm quy mô lớn là thực tế ở phần lớn các nước… Và thậm chí nếu điều này khả thi thì tôi cũng không nghĩ nó sẽ tiệt trừ được virus trong cộng đồng. Vì thế việc xét nghiệm nên dựa vào đánh giá mức độ rủi ro, chẳng hạn như áp dụng với những người có tiếp xúc với người nhiễm” - ông Pfeiffer nói.

Nhân viên y tế cung cấp nước uống cho dân bị cách ly tại hai khu chung cư có người nhiễm COVID-19 ở TP Daegu (Hàn Quốc), ngày 7-3. Ảnh: AFP

Về việc khoanh vùng cách ly, theo ông Pfeiffer, ở các xã hội phương Tây, việc này chủ yếu dựa vào sự tuân thủ tự nguyện, trái với ở Trung Quốc việc khoanh vùng cách ly hay xét nghiệm là trách nhiệm thể theo các quy định kiểm soát bệnh truyền nhiễm.

“Hậu quả của sự khác nhau này là dịch sẽ kéo dài hơn ở các nước mà sự cách ly xã hội dựa trên sự tự nguyện” - ông Pfeiffer nói.

Một phòng cách ly các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ, tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Ni Feng - Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng Trung Quốc và Mỹ có những điều kiện khác nhau, vì thế chuyện Mỹ có những chiến lược khác là có thể hiểu được. Tuy nhiên sự thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch có thể là cơ hội tốt để hai nước hợp tác chia sẻ với nhau.

“Đây là lĩnh vực ít nhạy cảm nhất. Có rất nhiều lĩnh vực hai nước có thể hợp tác. Chúng ta từng thấy một số sự hợp tác chặt hai bên trong các dịch bệnh trước như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), H5N1 và H7N9 (cúm gia cầm) nhưng lần này thì chưa thấy” - ông Ni Feng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm