Tình hình bán đảo Triều Tiên cuối năm 2023 căng thẳng đáng ngại với hàng loạt động thái nóng từ các bên. Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần thứ năm trong năm nay trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ tăng cường hợp tác để đối phó với Bình Nhưỡng.
Hàng loạt động thái từ các bên
Ngày 19-12, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin Triều Tiên đã phóng một tên lửa ICBM Hwasong-18 nhưng không đề cập thời gian phóng. Theo KCNA, tên lửa được phóng đạt độ cao tối đa 6.518,2 km, bay quãng đường 1.002,3 km trong 4.415 giây. KCNA tuyên bố rằng vụ phóng ICBM là sự “cảnh báo mạnh mẽ” trong bối cảnh mối đe dọa quân sự chống Triều Tiên của các thế lực thù địch “ngày càng trở nên rõ ràng và nguy hiểm hơn”. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã quan sát vụ phóng và nói rằng sự kiện trên cho thấy “lựa chọn nào [Triều Tiên] sẽ thực hiện khi Washington đưa ra quyết định sai lầm chống lại nước này”.
Theo quân đội Hàn Quốc thì Triều Tiên phóng ICBM Hwasong-18 vào sáng 18-12. Đây là lần thứ năm trong năm 2023 Bình Nhưỡng phóng ICBM. Năm 2023 cũng là năm Triều Tiên có số lần phóng ICBM nhiều nhất.
Thông tin Triều Tiên phóng ICBM Hwasong-18 đến chưa đầy 12 giờ sau khi quân đội Hàn Quốc thông báo rằng Bình Nhưỡng vừa phóng một tên lửa đạn đạo vào tối 17-12, theo hãng thông tấn Yonhap.
Động thái phóng tên lửa đạn đạo và ICBM Hwasong-18 của Triều Tiên đến sau hàng loạt động thái tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Hàn Quốc nhằm đối phó với Bình Nhưỡng. Trong ngày 18-12, lực lượng Hàn Quốc và Mỹ tập trận chung, chú trọng hoạt động đặc biệt nhằm tăng cường khả năng tương tác, theo thông báo từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS).
Ngày 17-12, tàu ngầm USS Missouri chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ cập cảng Busan của Hàn Quốc. Triều Tiên gọi đây là “hành động cực kỳ khiêu khích” nhằm biến bán đảo Triều Tiên “thành căn cứ tập hợp cho tất cả tài sản chiến lược hạt nhân của Mỹ”.
Ngày 15-12, Washington và Seoul tổ chức cuộc họp thứ hai của Nhóm tham vấn hạt nhân (NCG) tại Lầu Năm Góc (Mỹ). Tại cuộc họp, hai bên đồng ý hoàn thành việc thiết lập các hướng dẫn về chiến lược hạt nhân chung vào giữa năm tới và tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung mô phỏng các cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.
Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) cho biết quân đội Hàn Quốc tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã được phép mang súng để đáp trả việc Triều Tiên tái triển khai vũ khí trong khu vực an ninh chung (JSA), Yonhap đưa tin hôm 19-12.
Mỹ - Nhật - Hàn chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa Triều Tiên
Ngày 19-12, các ngoại trưởng nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) có phản ứng mạnh trước các động thái mới nhất từ Triều Tiên. Các ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, phản ứng rắn trước việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa, đặc biệt phóng ICBM Hwasong-18, theo hãng tin AFP.
Các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Hàn Quốc và Nhật đã có cuộc điện đàm vào ngày 18-12, cùng lên án vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, gọi đây là “hành vi vi phạm rõ ràng” các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Họp nội các hôm 19-12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cảnh báo “Triều Tiên sẽ nhận ra rằng những hành động khiêu khích của họ sẽ chỉ mang lại nỗi đau lớn hơn”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết Hàn Quốc và Mỹ đang xem xét hai lựa chọn là triển khai thêm tài sản chiến lược và tập trận song phương và đa phương với Nhật.
Trong ngày 19-12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo rằng Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đã cùng thiết lập một kế hoạch nhiều năm cho các cuộc tập trận quân sự ba bên theo thỏa thuận của các bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong cuộc họp ba nước vào tháng 11.
Mỹ, Nhật và Hàn Quốc cũng chính thức khởi động hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa Triều Tiên theo thời gian thực, theo hãng thông tấn Yonhap.
“Ba nước đã thiết lập hệ thống phát hiện và đánh giá tên lửa do Triều Tiên phóng trong thời gian thực nhằm đảm bảo an toàn cho công dân và tăng cường các năng lực liên quan” - theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không cung cấp thông tin chi tiết về loại dữ liệu sẽ được ba bên chia sẻ. Tuy nhiên đầu tuần này Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết các dữ liệu chia sẻ sẽ bao gồm điểm phóng, đường bay và điểm tác động dự kiến của tên lửa.•
Giải mã việc Triều Tiên phóng ICBM
Giới chuyên gia nhận định việc Triều Tiên phóng ICBM Hwasong-18 ngày 18-12 nhằm thể hiện sức mạnh mới sau khi Hàn Quốc và Mỹ đối thoại bàn ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Bình Nhưỡng, theo Yonhap.
“ICBM được phóng ngay sau cuộc họp của Nhóm tham vấn hạt nhân, thể hiện ý chí mạnh mẽ của Triều Tiên trong việc đối đầu với Hàn Quốc và Mỹ với mục đích khẳng định quyền chủ động trong các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên” - ông Yang Moo-jin, Hiệu trưởng ĐH nghiên cứu Triều Tiên, nhận định. Theo ông Yang, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phô trương sức mạnh cho đến khi tàu ngầm hạt nhân của Mỹ rời khỏi Hàn Quốc.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu cấp cao Hong Min thuộc Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc cho rằng động thái mới của Triều Tiên nhằm ngăn cản liên minh Mỹ - Hàn Quốc, trong bối cảnh hai nước này có kế hoạch tập trận hạt nhân vào năm tới và tiếp tục triển khai các khí tài chiến lược trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, thông qua vụ phóng ICBM, Triều Tiên muốn tăng cường đoàn kết nội bộ trước hội nghị toàn thể lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII của đảng Lao động Triều Tiên vào cuối tháng này, theo ông Hong. Hội nghị dự kiến sẽ thảo luận về các chính sách nhà nước trong năm nay và các mục tiêu chính sách cho năm tới.
Dự báo cho năm 2024, các nhà quan sát cho rằng có khả năng Triều Tiên sẽ gia tăng các hành động khiêu khích trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến vào tháng 11.