Trước tình trạng bùng phát xe ôm công nghệ, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, vừa đề xuất biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, cả về loại hình kinh doanh lẫn tài xế.
Phải quản!
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Khuất Việt Hùng khẳng định xe ôm công nghệ đang bộc lộ nhiều bất cập trong công tác đảm bảo ATGT và cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến thị trường giao thông vận tải công cộng.
Cụ thể, ông Hùng nhấn mạnh loại hình xe ôm công nghệ đang hút khách của xe buýt vì hoạt động này đã hình thành ra một loại hình dịch vụ, ngành nghề kinh doanh cụ thể. “Mặt khác, có thể thấy rõ hiện tượng người lái xe ôm công nghệ này vừa đi vừa nghe điện thoại rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến ATGT” - ông Hùng phân tích.
Từ những thực tế đó, theo ông Hùng, cần thiết phải có giải pháp quản lý, xem xe ôm công nghệ như một loại hình vận tải hành khách khác để quản lý chặt, đảm bảo minh bạch, bình đẳng.
Trả lời câu hỏi về cách thức quản lý như thế nào, ông Hùng cho rằng cần xây dựng đề án thí điểm để quản lý. Ngành giao thông phải phối hợp với địa phương xây dựng đề án này, bám sát vào các quy định hiện hành về ATGT, an toàn phương tiện, tổ chức giao thông, tổ chức vận tải.
Việc quản lý xe ôm GrabBike, Go-Bike…còn nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh: HTD
Ý kiến trái chiều
Ngay sau khi ý kiến phó Ban chuyên trách ATGT Quốc gia được nêu ra, một số tài xế xe ôm công nghệ phản bác vì thấy không cần thiết.
Anh Thanh Tuấn, từng chạy xe ôm ở quận 11 rồi chuyển qua Grab, cho biết lúc trước TP.HCM cũng có các nghiệp đoàn xe ôm nhưng không mấy ai đăng ký xin vào, chính vì vậy người chạy xe ôm riêng lẻ ở TP là phổ biến. “Chúng tôi nay đây mai đó, tôi cũng chưa hiểu quản lý là quản lý như thế nào. Khi vào chạy Grab, tôi cũng đăng ký hết các thủ tục, làm lý lịch tư pháp, khai đầy đủ các giấy tờ khác. Giờ bắt đăng ký nữa thì không biết sao vì kiểu gì cũng phải tốn phí này phí kia…” - anh Tuấn nói.
Việc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại dò đường như cách các tài xế xe ôm công nghệ hay làm là ảnh hưởng đến ATGT. Ban cũng đã có nhiều cảnh báo, nhắc nhở rộng rãi đối với việc vừa lái xe vừa nghe điện thoại của các bác tài trên. Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM |
Anh Nhật Hải (chạy GrabBike ở Trường Nguyễn Khuyến, đường Thành Thái, quận 10) cho biết quản lý GrabBike là điều không nên vì suy cho cùng đây cũng là hình thức xe ôm. “Tôi cũng không biết cơ quan chức năng sẽ quản lý như thế nào. giờ cứ có xe là chạy, thậm chí không chạy Grab thì dựng ở các ngã tư như kiểu xe ôm truyền thống thì ai quản lý họ” - anh Hải nói thêm.
Ngược lại, TS Lương Hoài Nam thì cho rằng cần quản lý dịch vụ xe ôm công nghệ như một dịch vụ vận tải hành khách. “Các công ty như Grab, Uber, Go-Viet… là dịch vụ công nghệ nhưng có liên kết với các chủ phương tiện vận tải, vì thế sẽ hình thành nên dịch vụ vận tải. Mà đã là dịch vụ vận tải thì phải quản lý” - ông Nam thẳng thắn.
Tuy nhiên, ông Nam lưu ý loại hình này chắc chắn sẽ không giống hoạt động vận tải hành khách như taxi nhưng cần được hiểu sẽ giống một loại hình vận tải hành khách công cộng vì cũng tham gia vận chuyển hành khách. “Tất cả loại hình vận chuyển hành khách như taxi, xe ôm công nghệ, xe buýt… cần phải được ưu tiên phát triển hơn xe cá nhân. Về quản lý xe ôm công nghệ, nếu cần chúng ta có thể học hỏi cách quản lý của các nước ASEAN” - ông Nam trình bày.
“Cứ nắm Grab, Go-Viet...” TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, nêu quan điểm là TP.HCM nên làm cách nào phát triển giao thông công cộng. “Quản lý xe ôm công nghệ là vấn đề nên làm. Theo cá nhân tôi thì chúng ta cứ nắm các công ty như Grab, Go-Viet…, yêu cầu họ đưa ra các hợp đồng thuê xe với các đối tác của họ (như tài xế), đó là cách quản lý theo hợp đồng, rồi mới yêu cầu phải đóng thuế, quy hoạch điểm đỗ” - ông Hoàng dẫn giải. Ông Hoàng cũng nêu kinh nghiệm các nước như Thái Lan quản lý xe ôm, cả xe ôm công nghệ là họ cũng có quy hoạch các điểm tập kết cho loại hình này. |