Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, ông Shinzo Abe khẳng định: “Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tạo lập tại châu Á – Thái Bình Dương một hệ thống kinh tế quốc tế tự do, công bằng và mở cửa”.
TPP từ lâu được nhiều chuyên gia đánh giá như một cách thức để đối trọng với sức ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực. Ngay trong bài phát biểu của tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 6-10 về TPP cũng khẳng định:
"Khi có nhiều hơn 95% khách hàng tiềm năng sống bên ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để cho các quốc gia như Trung Quốc viết ra luật lệ của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta nên viết ra luật lệ, mở thị trường mới cho sản phẩm của Mỹ trong khi thiết lập các tiêu chuẩn cao để bảo vệ cho người lao động và giữ gìn môi trường"
Cái bắt tay lạnh nhạt giữa ông Shinzo Abe (trái) và ông Tập Cận Bình (phải) tại cuộc họp APEC mới đây. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Shinzo Abe cũng nhận định thêm: “TPP sẽ đóng góp rất nhiều cho an ninh quốc gia [Nhật Bản] và sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiệp định này sẽ càng có ý nghĩa chiến lược to lớn nếu như Trung Quốc gia nhập vào hệ thống này trong tương lai”.
Theo Reuters, nếu như quốc hội Mỹ chính thức thông qua thỏa thuận đã được 12 nước thành viên TPP thống nhất, thỏa thuận này sẽ là một “chiến thắng chính trị” quan trọng cho thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Abe đã liên tục vận động ủng hộ ký kết TPP như một cách để thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế “dân số già” Nhật Bản.
Trước làn sóng lo ngại của giới nông dân Nhật Bản về một sự đổ bộ ồ ạt của hàng nông sản nước ngoài, ông Abe trấn an rằng chính phủ Tokyo sẽ nhanh chóng thành lập các cơ quan chức năng mới nhằm tối thiểu hóa tác động tiêu cực.