Báo động: 174 người trên tàu Diamond Princess nhiễm COVID-19

Ngày 12-2, Bộ trưởng Y tế Nhật Katsunobu Kato cho biết đã có thêm 39 người trên tàu du lịch Diamond Princess hiện đang đậu ngoài bờ biển nước này có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 (chủng virus Corona mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp).

"Trong số 53 kết quả xét nghiệm mới, 39 người bị phát hiện dương tính, trong đó có một quan chức kiểm dịch cũng đã bị nhiễm virus này" - ông Katsunobu Kato nói với các phóng viên.

174 ca nhiễm trên một con tàu

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca bệnh trong số hành khách và nhân viên trên tàu là 174 trường hợp, báo South China Morning Post đưa tin.

Người thân hành khách trên tàu du lịch Diamond Princess vẫy tay và nói chuyện với họ qua điện thoại tại cảng Daikoku Pier Cruise ở Yokohama (Nhật). Ảnh: REUTERS

"Tại thời điểm này, chúng tôi đã xác nhận có bốn trong số các ca nhập viện đang trong tình trạng nghiêm trọng. Có người phải thở máy, có người được đưa vào hồi sức tích cực" - ông Katsunobu cho biết thêm.

Tàu Diamond Princess đã bị cách ly từ khi đến bờ biển Yokohama (Nhật) vào đầu tuần trước, vì một hành khách trước đó xuống tàu tại Hong Kong đã cho kết quả dương tính với COVID-19.

Theo South China Morning Post, khi tàu đến Nhật, ban đầu nhà chức trách nước này xét nghiệm 300 trong tổng số 3.711 hành khách trên tàu, sau đó từng bước sơ tán hàng chục người nhiễm virus đến các cơ sở y tế trên bờ.

Những ngày gần đây, Nhật mở rộng xét nghiệm cho bất cứ ai có triệu chứng mới hoặc có tiếp xúc gần với hành khách hoặc nhân viên trên tàu bị nhiễm bệnh. Những người ở lại trên tàu được yêu cầu ở trong cabin và chỉ được phép lên boong tàu với thời gian ngắn. Họ cũng được yêu cầu phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với nhau, cũng như được cấp nhiệt kế để kiểm tra thân nhiệt thường xuyên.

Nhân viên y tế với đồ bảo hộ đi về phía tàu Diamond Princess ngày 11-2. Ảnh: KYODO

Thời gian cách ly dự kiến kéo dài đến hết ngày 19-2, tức 14 ngày từ khi bắt đầu cách ly.

Bà Anne Schuchat, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở Mỹ, quan ngại về việc cách ly số lượng lớn người trên tàu du lịch này.

"Số lượng các trường hợp nhiễm bệnh gia tăng đang khiến các cơ quan chức năng thực sự xem xét nghiêm túc điều gì là an toàn nhất, chưa kể một số hành khách lớn tuổi trên tàu có thể có nguy cơ bị biến chứng do virus" - bà Anne Schuchat nói.

Nhiều tàu khác bị mắc kẹt vì virus COVID-19

Trước vụ việc của tàu Diamond Princess, một số tàu du lịch khác cũng đã bị cách ly hoặc quay về cảng vì lo ngại về việc lây truyền dịch bệnh trên tàu.

Bất trắc nhất là trường hợp của du thuyền MS Westerdam. 1.455 khách và 802 nhân viên tàu đang bị kẹt trên du thuyền này sau khi bị 5 nơi từ chối cho cập bến vì lo ngại lây nhiễm COVID-19.

Số liệu cập nhật về virus COVID-19 đến chiều 12-2. Ảnh: SCMP

Ngày 11-2, Thái Lan tuyên bố từ chối cho khách trên du thuyền MS Westerdam rời khỏi du thuyền. Trước đó, du thuyền này đã bị bốn nơi khác từ chối tiếp nhận (Nhật, Đài Loan, Philippines và đảo Guam của Mỹ). Mặc dù công ty chủ quản Holland America có trụ sở Miami (Mỹ) khẳng định không có dấu hiệu cho thấy có bất kỳ hành khách nào (đã hoặc đang ở trên tàu) bị nhiễm bệnh.

May mắn hơn là du thuyền World Dream. 3.600 khách và nhân viên trên tàu đã được xuống bến ở Hong Kong, sau nhiều ngày bị cách ly vì trước đó có ba hành khách dương tính với COVID-19 từng đi trên tàu. Ba hành khách này đã xuống khỏi tàu. Giới chức Hong Kong lên tàu xét nghiệm và không phát hiện ca nhiễm nào.

Hành khách trên du thuyền Diamond Princesss đậu ở bờ biển Yokohama (Nhật) ngày 11-2. Ảnh: AP

Tàu du lịch Holland America Line do Công ty Carnival Corporation (Mỹ) điều hành hiện cũng có thể phải mắc kẹt ngoài khơi. Và khả năng tàu này chỉ được một quốc gia gần nhất cho nhập cảng theo luật pháp quốc tế khi tàu gặp những điều kiện bất trắc như hết nước, thực phẩm hoặc nhiên liệu. Công ty Carnival Corporation cho biết họ sẽ không tính bất kỳ chi phí nào phát sinh sau khi hành trình kết thúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới