Báo Đức: Điều gì nằm sau thành công chống COVID-19 ở Việt Nam?

Công tác chống dịch COVID-19 của Việt Nam (VN) những ngày này nhận được nhiều sự chú ý và nhiều lời khen từ quốc tế. Ngày 13-4 báo DPA (Đức) có bài viết đặt câu hỏi điều gì nằm sau thành công kiềm chế dịch COVID-19 của VN.

Phản ứng rất sớm

DPA ghi nhận, dù có biên giới với Trung Quốc nhưng với những phản ứng với dịch từ sớm, mở rộng xét nghiệm, kiểm dịch quyết liệt, thống nhất xã hội, VN đã tránh được những mất mát đã và đang xảy ra với châu Âu và Mỹ.

Người dân Hà Nội đeo khẩu trang, tuân thủ quy định giãn cách xã hội khi xếp hàng chờ được nhận gạo miễn phí từ một máy “ATM gạo”. Ảnh: AFP

DPA dẫn số liệu thống kê chính thức từ các cơ quan hữu quan VN cho thấy hiện có hơn 75.000 người đang cách ly, hơn 121.000 xét nghiệm đã được thực hiện, trong đó xác nhận 260 ca nhiễm.

Hiện VN chưa có ca tử vong nào. Bên cạnh đó, tỉ lệ nhiễm vẫn ở mức thấp so với các nước và vùng lãnh thổ khác ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan - những nước được truyền thông toàn cầu khen ngợi vì phản ứng chống dịch nhanh nhạy và hiệu quả của mình.

Một áp phích khuyến cáo người dân không tung tin giả về dịch COVID-19 được dán bên nhà một người dân. Ảnh: AFP

Với con số ca nhiễm đang ở mức vài trăm, phản ứng chống dịch của VN đã nhận được lời khen từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

DPA dẫn lời ông Kidong Park - đại diện WHO ở VN, cho rằng điều mang yếu tố quyết định là sự phản ứng sớm của VN: “VN phản ứng với dịch bệnh sớm và chủ động. VN đã thực hiện đánh giá rủi ro ban đầu từ đầu tháng 1 - ngay sau khi Trung Quốc bắt đầu thông báo ca nhiễm”.

VN cũng đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 dưới sự dẫn dắt của Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam. Và ngay lập tức Ban chỉ đạo đã thực hiện một kế hoạch phản ứng khẩn cấp, DPA dẫn lời ông Park.

Quyết liệt cách ly, truy lịch sử tiếp xúc

Trường học trong nước đã đóng cửa từ tháng 1. Cách ly tập trung bắt đầu từ ngày 16-3. Từ ngày đó hàng chục ngàn người trở về từ các nước có dịch nghiêm trọng khi nhập cảnh vào VN phải tuân thủ cách ly tập trung. Đến ngày 25-3, VN ngừng các chuyến bay quốc tế.

Một phụ nữ lớn tuổi được lấy mẫu xét nghiệm tại một trung tâm xét nghiệm nhanh COVID-19 ở Hà Nội tháng trước. Ảnh: EPA

Dù số ca nhiễm không báo động bằng các nước nhưng từ ngày 1-4 VN đã áp dụng các quy định giãn cách xã hội trên toàn quốc - một quyết định mà DPA đánh giá là nhanh chóng và quyết liệt hơn nhiều những phản ứng đã nhìn thấy ở Anh hay ở Ý, nơi số ca nhiễm đã lên tới hàng ngàn trước khi các nước này có phản ứng mạnh hơn. Theo DPA, trong khi nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội trong tâm thế đối phó với dịch bệnh đang diễn ra, thì VN làm điều này với tâm thế để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng xã hội.

Hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy VN sẽ dỡ bỏ các hạn chế. Phần lớn các chuyến bay nội địa, các loại hình di chuyển bằng xe lửa, xe khách liên tỉnh đã bị ngưng. Người từ Hà Nội - DPA mô tả là tâm dịch của VN - sẽ phải chịu cách ly khi đến nhiều tỉnh khác trong nước.

DPA cũng ghi nhận việc VN thực hiện tốt công tác truy lịch sử tiếp xúc của các ca nhiễm cũng là một yếu tố quan trọng trong chiến đấu với COVID-19.

“Lớp đầu tiên là những người bị cách ly và được điều trị tại các bệnh viện vốn đã xác nhận được là họ nhiễm, hay có triệu chứng nghi nhiễm virus” - DPA dẫn lời ông Park.

Mọi trường hợp có tiếp xúc trực tiếp với ca nhiễm (hay còn gọi là F1 - PV) đều bắt buộc phải chịu cách ly tại điểm có theo dõi y tế, ông Park nói thêm. Biện pháp này thậm chí mở rộng ra đến những người tiếp xúc với những người có tiếp xúc trực tiếp ca nhiễm (F2 - PV), những người này bị buộc phải tự cách ly.

Một lớp nữa - các cộng đồng người, các khu phố, các tòa nhà - nơi có các ca nhiễm cũng bị cách ly, ông Park nói với DPA.

Cầu Long Biên ở Hà Nội vắng vẻ trong những ngày giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Tại TP.HCM, nhà chức trách cảnh cáo người nào ra đường mà không mang khẩu trang sẽ bị phạt. Người nào bị phát hiện có bệnh mà không trình báo rồi lây nhiễm cho người khác có thể bị tù tới 12 năm. DPA cũng đưa thông tin một người bị tuyên chín tháng tù vì chống đối yêu cầu mang khẩu trang.

Người dân đồng lòng, đoàn kết

DPA cũng cho rằng một yếu tố lớn nằm sau sự thành công của VN có thể là nhờ sự thống nhất xã hội. Gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mô tả các nỗ lực kiềm dịch của VN như “cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020”, ý muốn ví với cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân 1968.

Suy nghĩ này cũng được nhiều người dân VN đồng tình, theo DPA. Cô Nguyễn Vân Trang - một chuyên gia kinh tế tại Hà Nội, nói với DPA rằng bố mẹ cô chưa bao giờ chứng kiến một sự đồng lòng tuân thủ quy định, sự kỷ luật và đoàn kết mức độ này ở người dân kể từ thời còn chiến tranh.

Các cửa hàng ở Hà Nội đã đóng cửa từ tháng trước. Ảnh: AP

DPA dẫn lời TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, giải thích về thành công của VN: VN tới giờ chưa có lây nhiễm cộng đồng nặng, vì thế trường hợp những người già bị nhiễm ít. Các bệnh nhân không nhiều nên VN có đủ cơ sở y tế, thuốc men và bác sĩ để điều trị cho họ. Hơn nữa, VN đã có kinh nghiệm trong việc phát triển các chế độ điều trị. Bà Nga cho biết VN từng trải qua thời gian ứng phó với bệnh SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) cũng do một loại virus Corona gây ra.

Trung Quốc cũng là nước bùng phát dịch SARS năm 2003. Và VN là nước đầu tiên bên ngoài Trung Quốc lên tiếng xác nhận có ca nhiễm và cũng là nước đầu tiên được WHO xác nhận đã kiềm chế được dịch.

Áp phích quảng bá, kêu gọi người dân cùng tham gia chống dịch COVID-19. Ảnh: THX

Dù ghi nhận các động thái tích cực trong chống dịch ở VN hiện tại nhưng DPA vẫn thận trọng khi nói về sự kiềm chế dịch của VN về dài hạn.

“Chúng ta không thể dự đoán nhưng có thể nói đường đi của đại dịch như thế nào sẽ tùy vào hành động của các nước đang thực hiện lúc này, trong đó có VN” - DPA dẫn lời ông Park.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm