Ngày 27-8 Tổng thống Vladimir Putin nói Nga đã chuẩn bị lực lượng và sẵn sàng tung sang Belarus nếu Tổng thống Alexdander Lukashenko yêu cầu và khi diễn biến biểu tình vượt quá tầm kiểm soát.
Theo lời ông Putin thì ông và ông Lukashenko đã đồng ý rằng Nga sẽ chỉ triển khai quân sang chừng nào tình hình Belarus vượt tầm kiểm soát, các phần tử cực đoan vượt các giới hạn như bắt đầu cướp bóc, đốt xe, đốt nhà cửa, ngân hàng, đốt trụ sở chính quyền…. Ông Putin cũng nói theo tình hình Belarus lúc này thì Nga chưa cần đưa quân sang, và “tôi hy vọng sẽ không cần làm điều đó”.
Đặt hoa tại nơi người biểu tình thiệt mạng ở Belarus. Ảnh: Nataliya Fedosenko/TASS/PA
Theo báo Washington Post, ông Putin đưa ra phát ngôn này khi trước đó chỉ vài ngày ông còn có thái độ khác. Tuần trước,Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã lần lượt đề nghị ông Putin khuyến khích phe ông Lukashenko đối thoại với phe đối lập.
Phản ứng của ông Putin với cả ba người này là sự can thiệp từ bên ngoài vào Belarus là” không thể chấp nhận”. Tuy nhiên trong cuộc trả lời phỏng vấn dài 20 phút với đài truyền hình quốc gia ngày 27-8, ông Putin nói ông Lukashenko “yêu cầu tôi lập một lực lượng thực thi pháp luật dự bị sẵn, và tôi đã làm thế”.
Giải mã thông điệp của ông Putin
Đây là phát ngôn công khai đầu tiên của ông Putin về biểu tình sau bầu cử ở Belarus và là dấu hiệu đáng tin cậy nhất về sự ủng hộ đồng minh Lukashenko. Từ khi biểu tình ở Belarus nổ ra ngày 9-8, ông Lukashenko và ông Putin đã có năm cuộc điện đàm (trong khi tổng số cuộc điện đàm giữa hai ông năm 2019 chỉ là ba cuộc).
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong lần gặp nhau năm 2019. Ảnh: Vasily Fedosenko/REUTERS
Theo các chuyên gia, từ phát ngôn của ông Putin có thể thấy Nga xác định phải giữ quyền lực cho ông Lukashenko cũng là cách giữ Belarus nằm trong quỹ đạo của mình.
Ông Nigel Gould-Davies – cựu đại sứ Anh tại Belarus và là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) – viết trên Twitter rằng chỉ có một cách diễn giải duy nhất cho thông điệp của ông Putin: giữ quyền lực của ông Lukashenko bằng mọi giá, kể cả phải can thiệp quân sang.
Ông Dmitri Trenin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách Carnegie ở Moscow (chi nhánh của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ) cho rằng lý do Nga sát cánh với ông Lukashenko là đơn giản Nga không thể để Belarus đi theo con đường của Ukraine – dần thân NATO và xa rời Nga.
Quang cảnh hoang tàn ở Kiev (Ukraine) trong làn sóng biểu tình năm 2014. Ảnh: NEW YORK TIMES
Với ông Putin, Belarus là “đất nước gần gũi nhất với chúng ta”. Theo ông Andrei Kortunov – Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga, một tổ chức nghiên cứu gần gũi với chính phủ Moscow cũng chia sẻ ý này.
Theo ông Kortunov, khác các nước từng thuộc Liên bang Xô viết khác như các nước vùng Baltic (Latvia, Lithuania, Estonia) không có nhiều điểm chung với Nga, Belarus rất gần gũi và tương đồng với Nga. Vì sự tương đồng này, ông Kortunov cho rằng nếu có một sự thay đổi về chính trị lớn ở Belarus thì “sẽ rất khó để bảo vệ rằng kiểu mẫu mà chúng ta đang có ở Nga là kiểu mẫu duy nhất có thể tồn tại”.
Một điều nữa, bản thân Belarus có vị trí quan trọng chiến lược với Nga và cả NATO. Belarus nằm về phía tây của Nga và chỉ cách biên giới Nga 65 km. Không những giáp Nga, Belarus còn giáp Ukraine về phía nam, giáp Ba Lan về phía tây và Lithuania cùng Latvia ở tây bắc. Nga và Belarus ngăn cách bằng một dải biên giới hẹp (104 km - nửa Ba Lan, nửa Lithuania) được biết đến với cái tên Hành lang Suwalki. Nếu Nga phong tỏa Hành lang Suwalki thì có thể xem như đã phong tỏa các nước thành viên NATO ở vùng Baltic với Ba Lan và các nước NATO còn lại.
Các rủi ro khi Nga đưa quân sang Belarus là gì?
Phát ngôn “có thể can thiệp vào Belarus” của ông Putin có thể kích động căng thẳng giữa Nga với châu Âu vốn đứng về phía người biểu tình Belarus phản đối kết quả bầu cử tổng thống cho thấy ông Lukashenko tái đắc cử. Nếu Nga thật sự đưa quân sang căng thẳng này có thể sẽ nghiêm trọng hơn, và một khả năng là Nga hứng chỉ trích và có thể cả trừng phạt từ phương Tây.
Tuy nhiên nguy hiểm hơn cả là bước đi này của ông Putin có rủi ro biến bộ phận người Belarus trước đây nhìn chung có thiện cảm với Nga quay sang ghét và chống Nga, như đã từng xảy ra ở Ukraine, theo báo New York Times. Ngay ông Kortunov cũng cảnh báo nếu Nga đưa quân sang Belarus thì sẽ “chỉ làm bùng nổ cảm xúc chống Nga”.
Tuyến phòng thủ Stalin Line bên ngoài thủ đô Misnk (Belarus). Stalin Line là tuyến phòng thủ ở biên giới phía tây Liên bang Xô viết được lập từ thập niên 1920 để bảo vệ liên bang trước nguy cơ bị tấn công từ phương Tây. Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, hiện Stalin Line chỉ còn ở ba nước Nga, Belarus và Ukraine. Có thể thấy Belarus vẫn gắn bó với Nga về văn hóa, ngôn ngữ và kinh tế. Ảnh: Sergey Pomomarev/NEW YOTK TIMES
Hay nói cách khác, theo New York Times, nếu Nga đưa quân sang thì khả năng Belarus trở thành một Ukraine tiếp theo càng lớn hơn.
Lựa chọn tốt nhất cho Nga
Ông Dmitri Trenin nói ông Lukashenko không thể thoát khỏi viễn cảnh phải ra đi trong tư thế không thể ngẩng cao đầu, và “phương án ít tệ nhất” của Nga là sắp xếp chuyển giao quyền lực cho một lãnh đạo mà cả Nga và người biểu tình Belarus chấp nhận được.
Cũng không loại trừ khả năng này khi trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 27-8 ông Putin vẫn không nói rõ ràng ông ủng hộ ông Lukashenko hay không. Thậm chí ông Putin còn nói “nếu người dân xuống đường, mọi người cần phải lưu ý, lắng nghe và phản hồi họ”.
Biểu tình vẫn đang tiếp diễn ở Belarus. Ảnh: REUTERS/Vasily Fedosenko
Một lý do để Nga đứng về phía ông Lukashenko là vì ông này chủ trương thân Nga. Bản thân ông Lukashenko từng nêu ý tưởng sáp nhập Belarus với Nga thậm chí ký cả một hiệp ước thống nhất với Tổng thống đầu tiên của Nga - ông Boris Yeltsin năm 1999. Tuy nhiên không phải Nga hoàn toàn không thể đổi phe ủng hộ. Lãnh đạo đối lập Stelana Tikhanovskaya – đối thủ chính của ông Lukashenko trong cuộc bầu cử tổng thống Belarus vừa rồi cũng nói bà sẽ giữ chủ trương thân Nga nếu thắng cử.