Biết chớp cơ hội, sẽ sớm thành công

Các sinh viên mới ra trường cho rằng nhu cầu tuyển dụng nhân sự trên thị trường lao động từ các công ty khá phong phú, tập trung ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, để tìm được một công việc phù hợp, mức lương thỏa đáng thật không dễ. Để giải đáp những băn khoăn này, ngày 23-6, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến Sinh viên mới ra trường và nỗi lo việc làm. Đồng thời, cung cấp thông tin và dự báo về nhu cầu việc làm trên thị trường lao động tại TP.HCM sáu tháng cuối năm 2011.

Cần bồi dưỡng thêm các kỹ năng mềm

Tại buổi giao lưu, phần lớn các câu hỏi của sinh viên mới ra trường xoay quanh các vấn đề: Làm thế nào để lọt vào mắt nhà tuyển dụng, chưa xác định được nghề nghiệp sẽ làm, tìm được việc nhưng không đúng chuyên ngành học, nhà tuyển dụng đòi hỏi kinh nghiệm, chưa có kinh nghiệm trong đàm phán lương với nhà tuyển dụng…

Giải đáp những thắc mắc của sinh viên, bà Trần Thùy Trâm, Giám đốc dịch vụ tìm kiếm và tuyển dụng quản trị viên Công ty Cổ phần Le&Asssociates (L&A), cho rằng đa số sinh viên khi ra trường đều không định hướng được sự nghiệp sau này. Họ thường nhận làm những công việc không phù hợp chuyên môn và sau một thời gian dài, họ mới nhận ra công việc nào phù hợp với mình và tìm ra hướng đi đúng.

Ông Lê Huỳnh Hoa, Phó Tổng Giám đốc phát triển nguồn nhân lực thuộc Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, cho hay sinh viên mới ra trường thường có sức bật lớn. Tuy nhiên nếu không biết chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, biết đặt mục tiêu cụ thể sẽ khó hoàn thành một công việc để hài lòng nhà tuyển dụng. Mặt khác, nếu biết nắm chặt cơ hội ngay khi ra trường, đồng thời chịu khó học tập thêm các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, thì đây là thời gian lý tưởng nhất để làm nền tảng thành công về sau.

Biết chớp cơ hội, sẽ sớm thành công ảnh 1

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyếnSinh viên mới ra trường và nỗi lo việc làmdo báo Pháp Luật TP.HCMtổ chức ngày 23-6. Ảnh: H.VI

Lý giải về tình trạng những sinh viên ra trường với tấm bằng loại ưu nhưng vẫn loay hoay nhảy hết việc này đến việc nọ mà chưa biết sẽ dừng ở đâu, vì quá kén cá chọn canh, bà Trâm chia sẻ: Sinh viên với tấm bằng loại khá, giỏi thường tỏ ra quá tự tin với kiến thức mình học ở trường nên thường đặt ra nhiều mục tiêu, tham vọng quá cao. Trong khi đó, lẽ ra họ nên dừng lại một vài mục tiêu và đạt được nó mới tiếp tục có tham vọng lớn hơn. Vì thế họ tự thấy nhàm chán, không hài lòng với công việc đang làm, thậm chí than phiền về lương, thưởng chưa tương xứng với vị trí, công việc họ khiến họ tiếp tục “nhảy việc”. Ngoài ra, trong thời gian hai năm đầu tiên đi làm khi họ chưa đủ độ chín để hoàn thành các công việc được giao, mà tiếp tục ra đi, họ sẽ khó khăn hơn trong công việc mới, lĩnh vực mới dù người đó tài giỏi đến mấy.

Không nên lấy bằng cấp để mặc cả

Các sinh viên cũng băn khoăn nên đàm phán với nhà tuyển dụng mức lương như thế nào để không bị thiệt. Ông Hoa chia sẻ, với những sinh viên mới ra trường họ sẽ không biết mức sàn lương là bao nhiêu để đàm phán, vì thế cần phải chịu khó tìm hiểu nơi họ dự tính làm việc để xem mức lương, đồng thời cần xác định vị trí, công việc mình sẽ làm để đưa ra mức lương hợp lý.

Theo ông Hoa, nhà tuyển dụng đã định lượng, định tính mức lương sẽ trả cho ứng viên, theo đó khi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng muốn ứng viên bộc lộ cá tính của họ thông qua đối đáp để chốt con số cụ thể. “Đàm phán lương phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng cần phải căn cứ vào vị trí, sự cần thiết của mình đối với công việc để đưa ra quyết định tốt nhất. Ít khi nhà tuyển dụng tiết lộ vấn đề này ra bên ngoài” - ông Hoa lưu ý.

Trong khi đó, bà Trâm cho rằng lương, thưởng là vấn đề cần thiết nhưng đây là chuyện nhạy cảm, vì thế sinh viên mới ra trường đem bằng cấp ra để mặc cả chuyện lương, thưởng với nhà tuyển dụng sẽ khó có cơ hội hợp tác với nhau. Thay vào đó, sinh viên cần giới thiệu năng lực bản thân, kế hoạch, mục tiêu trong công việc. Cùng với đó, khi nhà tuyển dụng tiếp nhận cần lên kế hoạch hoàn thành các mục tiêu đó để nhà tuyển dụng lưu tâm nhiều hơn. Đồng thời, khi hoàn thành các công việc đó, những người mới vào nghề sẽ nhận được mức lương tương xứng với công sức lao động của họ. Bà Trâm lưu ý: “Trong thời gian thực tập, sinh viên cần tinh ý nghe ngóng, hội nhập với môi trường xung quanh để biết vị trí, công việc đó sẽ được trả lương bao nhiêu, trên cơ sở đó khi phỏng vấn có căn cứ để đòi hỏi nhà tuyển dụng”.

Sáu tháng cuối năm 2011, TP.HCM có nhu cầu 135.000 lao động (gồm lao động thay thế và tuyển mới). Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các KCX-KCN là 28.000 lao động. Cụ thể, lao động phổ thông chiếm trên 35%, trình độ đại học, cao đẳng 30%; lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp 35%. Riêng quý III-2011 dự kiến nhu cầu nhân lực là 50.000 chỗ làm việc.

ÔngTRẦN ANH TUẤN, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm