Theo Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA), người dân Bắc Mỹ sẽ có cơ hội quan sát hiện tượng siêu trăng máu hiếm gặp xảy ra vào tối 20-1 (khoảng 11 giờ 41 đến 12 giờ 43 sáng 21-1, giờ Việt Nam), hãng AP đưa tin.
Bộ 3 hiện tượng kì thú này sẽ hội tụ vào một ngày. Ảnh: MIRROR
Đây là sự kết hợp của ba hiện tượng siêu trăng, trăng sói và trăng máu cùng xuất hiện trong kỳ trăng tròn đầu tiên của năm mới. Lúc này, Mặt Trăng sẽ ở khoảng cách gần Trái Đất nhất (222.043 km), khiến nó có cảm giác to hơn trăng tròn bình thường khoảng 7%, và sáng hơn 15% nên được gọi là siêu trăng.
Mặt trăng có màu đỏ như máu nên được gọi là hiện tượng "Mặt trăng máu"
Chưa hết, hiện tượng trăng tròn lần này lại diễn ra cùng lúc với nguyệt thực toàn phần. Mặt Trăng lúc đó sẽ bị che khuất, chỉ còn ánh sáng mờ do Mặt Trời chiếu qua khí quyển Trái đất, khiến cho Mặt Trăng có màu đỏ và được gọi là hiện tượng "Trăng máu". Ngoài ra, kỳ trăng tròn đầu tiên của tháng 1 thường được gọi là "Trăng sói".
Kì trăng tròn đầu tiên của tháng 1 thường được gọi là "trăng sói". Ảnh: GOOGLE
"Trăng máu" sẽ bắt đầu vào lúc 11 giờ 41 đêm 20-1 (theo giờ Bờ Đông Mỹ), tức 11 giờ 41 ngày 21-1 theo giờ Việt Nam. Hiện tượng này sẽ kéo dài khoảng 62 phút, tuy nhiên nếu tính cả thời gian nguyệt thực một phần thì hiện tượng Siêu trăng lần này sẽ kéo dài tới 3 tiếng rưỡi.
Nếu trời quang, nguyệt thực toàn phần cũng sẽ quan sát được ở Bắc và Nam Mỹ, cũng như Greenland, Iceland, Ireland, Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, bờ biển Pháp và Tây Ban Nha. Phần còn lại của châu Âu, cũng như châu Phi, sẽ thấy nguyệt thực một phần. Châu Á, Úc và New Zealand sẽ bỏ lỡ hiện tượng này.