Bố già thế kỷ 21 - Bài 1: Muôn mặt cần sa

2 giờ chiều, chúng tôi đang ngồi trên một chiếc ghế băng dài đặt trên bãi cỏ thấp trong khu vườn của ngôi biệt thự rộng lớn của ông trùm buôn lậu, đây là một cơ ngơi lộng lẫy với tất cả 16 phòng. Trước mặt chúng tôi, mỗi người có một chén trà. Abdel (*) đang bàn thảo về cách thức giao nhận hàng sắp tới với “ông chủ”.

Những “ngài nam tước của vàng xanh”

Đó là tên mà báo giới Pháp đặt cho họ: “barons de l’or vert”. Đó là Abdel, người có thể mua một tấn cần sa như thể chúng ta mua 1 kg khoai tây vậy! Và cứ sáu tuần một lần, Abdel lại quay về khu làng nhỏ nằm ven bờ Địa Trung Hải của nước Morocco (châu Phi). Nơi đó, trên vùng bình nguyên, người ta sản xuất ra gần 3.000 tấn cần sa mỗi năm để bán sang châu Âu. Vì lẽ đó, Abdel, 35 tuổi, là một trong những “ngài nam tước của vàng xanh” thế hệ mới, khả dĩ có thể thay chân những bậc đàn anh đi trước mà nay đã “cỗi”, đã “quá đát”, đã qua đời hoặc đang... ngồi tù.

“Ông chủ”? Đó là một người vừa mới xuất hiện cùng với hai cận vệ đi kèm. Không khí nói chuyện rất thoải mái vì Abdel đã quen thân với nhân vật trạc ngũ tuần nhưng vẫn lực lưỡng chẳng kém gì anh ta. “Ông chủ” cạo đầu trọc, để hàng ria mép mỏng, vận áo khoác ngoài hiệu Adidas hai màu xanh lá và trắng, đeo cặp kính râm được kéo trễ lên cao quá trán và những chuỗi dây chuyền vàng sáng loáng vòng quanh cổ.

“Ông chủ” là một trong những tay trùm buôn lậu có thế lực nhất tại vùng núi Rif phía bắc Morocco, người có thể thực hiện các chuyến giao nhận hàng bằng tàu thủy - mỗi chuyến đi không dưới một tấn hàng - và chuyển đến tận miền Nam Tây Ban Nha để kiếm được 2.500 dirham (tiền Morocco), tương đương 250 euro, trên mỗi kilogram hàng giao nhận. Toàn bộ quá trình đi hàng đã được lập trình kỹ lưỡng. Số lượng hàng cũng đã được Abdel báo trước cho các “đội thu mua” trên đất liền. Nhóm người này sẽ đến lấy hàng với giá 900 euro/kg rồi vận chuyển vào vùng Cadix, miền Nam Tây Ban Nha. Hàng sau đó sẽ được “xẻ” ra thành từng kiện nhỏ, được gọi với biệt danh “valy Morocco”. Đó là những chiếc ba lô nhỏ gọn chứa 30 kg cần sa. Và điểm đến cuối cùng của các phi vụ trên sẽ là những người bán lẻ, họ sẽ mua hàng với giá... 2.000 euro/kg! Trong khi chờ đợi, Abdel lấy ra 450.000 euro ứng trước cho “ông chủ”. “Ông chủ” buông một câu bông đùa: “Chú em đừng có hớ hênh mà để bị tóm trên đất Pháp với số tiền này nhé. Xui xẻo lắm đấy. Nhưng ở đây, ở Morocco này, thì chẳng sao cả. Mà hơn nữa, chú em còn giúp mang ngoại tệ về cho xứ này nữa đó!”.

Bố già thế kỷ 21 - Bài 1: Muôn mặt cần sa ảnh 1

Ngày 26-12-2011, cảnh sát phát hiện một xe ô tô bị bỏ lại bên bìa rừng gần Marseille (miền Nam nước Pháp) trong đó có ba thi thể bị cháy đen. Đây hẳn là một vụ thanh toán nhau giữa các băng nhóm tội phạm.

Michel Quillé, người chỉ huy các chiến dịch truy quét của Europol (Cơ quan Cảnh sát châu Âu), đã thừa nhận rằng quá trình toàn cầu hóa đã có tác động “tích cực” lên các hình thức tội phạm có tổ chức, đồng thời gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng khi thi hành nhiệm vụ. Ông lấy ví dụ: “Từ khi việc buôn bán trao đổi thương mại giữa các quốc gia gia tăng nhanh chóng thì hiện nay đã có một số tàu thủy thương mại có thể chở được một lúc 13.000 container trong một chuyến đi. Thì đấy, cho dù là quý vị đã xác định được chính xác đâu là chiếc container có chứa hàng lậu, quý vị cũng cần phải điều động nhân công và phương tiện để dời chỗ qua lại khoảng 3.000 container trên boong tàu thì mới lấy ra được chiếc container chứa hàng gian đó. Thế cho nên, việc phải mất quá nhiều thời gian và tiền bạc cho quá trình phá án này là điều mà chúng tôi không thể không tính đến”.

Những “khu vườn bí ẩn” ngay giữa thành phố

Những kẻ buôn lậu hiểu vì sao họ lại phải chịu cực, chịu khổ và cả nguy hiểm để tìm cách ngược xuôi qua biên giới làm hàng trong khi vẫn có thể tìm cách sản xuất nguyên liệu ngay tại chỗ.

Đã có cả một đội ngũ những “nông trang viên” chuyên về trồng cần sa ngay trong các khu căn hộ trong thành phố. Thật ra, việc “canh tác hàng độc” này đã được biết đến tại Bắc Mỹ, Úc, Anh quốc, Ireland và Slovakia, nơi mà cảnh sát thường xuyên phát hiện ra các căn hộ nhỏ đã được chuyển đổi công năng thành những khu nhà kính trồng cần sa. Song mới đây “công nghệ” này đã được “chuyển giao” sang Pháp. Ngày 7-2-2011, cảnh sát tình cờ phát hiện ra một khu vườn trồng cần sa đặt ngay bên trong một xưởng sản xuất quần áo may sẵn có diện tích 150 m2 tại tỉnh Seine-Saint-Denis nằm về phía đông bắc thủ đô Paris. Khi cảnh sát thuộc lực lượng phòng, chống di dân bất hợp pháp đang làm nhiệm vụ tại địa điểm xưởng may này thì họ bất ngờ “đụng” vào 700 gốc cây cần sa đang phát triển tươi tốt!

Qua điều tra, những “trại viên” trồng cần sa này đã từng quá cảnh qua nước Nga bằng giấy tờ giả, rồi sau đó di chuyển sang cộng đồng châu Âu bằng ô tô, xe tải và cả tàu hỏa. Và trong khi chờ đợi sang Anh quốc, họ trú chân tại Pháp và trồng cần sa. Kỹ thuật tại đây rất hiện đại, đây là những giống cần sa đã được chuyển đổi gien, hạt do các công ty của Hà Lan và Thụy Sĩ cung cấp và cây được trồng bằng phương pháp thủy canh (hydroponics), tức rễ được ngâm trong nước có chứa dung dịch khoáng chất. “Nông trang” được trang bị hệ thống chiếu sáng nhân tạo, hệ thống tưới tự động, hệ thống lọc không khí, khử mùi và hệ thống video theo dõi. Lợi nhuận từ việc sản xuất lén lút này cũng không nhỏ: Trung bình mỗi năm có bốn vụ thu hoạch với tổng sản lượng khoảng một tấn. Và thành phẩm, sau khi được đóng gói bằng phương pháp hàn nhiệt, sẽ được bán ra thị trường với trị giá tổng cộng lên đến 3,5 triệu euro!

Sang Dubai để hưởng thụ “thành quả”

Trở lại với Abdel, để bình tâm tận hưởng những thành quả có được và tiêu xài các đồng tiền mà mình làm ra, “ngài nam tước” đã quyết định một chuyến đi nghỉ tại nước ngoài. Đầu năm 2012, Abdel đã đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cùng một cô bạn gái và trú chân tại một khách sạn năm sao, trong một phòng suite có bể cá mập trang trí. Abdel kể lại: “Tôi đã rời nước Pháp một cách hợp pháp để sang Bắc Phi nghỉ ngơi. Tại đó tôi đã nhờ người nhà đến đặt tour đi du lịch tại một hãng du lịch địa phương. Sau đó tôi lấy vé và bay sang Dubai bằng một hộ chiếu khác. Tôi có hai quốc tịch mà!”.

TƯỜNG NGUYỄN (Theo Le Point)

Kỳ tới: Bố già hiện đại với kinh tế tri thức

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm