Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo tóm tắt thông tin về một số vấn đề “Nông nghiệp - Nông dân – Nông thôn” gửi đến Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Trong báo cáo này, Bộ NN&PTNT đã đề cập về tình trạng nông dân chặt bỏ cây thanh long ở nhiều địa phương.
Theo Bộ NN&PTNT, định hướng diện tích thanh long cả nước đến năm 2030 khoảng 49.000 ha. Năm 2021 diện tích thanh long đã đạt 65.000 ha, sản lượng hơn 1,3 triệu tấn. Các tỉnh có diện tích lớn trồng thanh long là Bình Thuận 33.000 ha, Long An trên 11.800 ha và Tiền Giang xấp xỉ 10.000 ha.
Thế nhưng, thời gian qua có tình trạng nông dân một số vùng chặt bỏ cây thanh long, như Bình Thuận giảm 2.198 ha, Long An giảm 866 ha... Bên cạnh đó, nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác, như mít, sầu riêng...
Bộ NN&PTNT cho biết, nguyên nhân khiến diện tích cây thanh long bị giảm là do việc tiêu thụ thanh long khó khăn, trong khi chi phí sản xuất lớn dẫn tới người dân trồng lãi ít hoặc không lãi, thậm chí thua lỗ.
Người dân chặt bỏ trái thanh long do giá quá thấp. Ảnh: Phương Nam |
Trên 80% sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đang thực hiện chính sách “Zero COVID-19” làm cho xuất khẩu bị đình trệ. Cùng đó, giá vật tư (nhất là phân bón) tăng, nên chi phí đầu, giá thành tăng cao và thanh long của ta phải cạnh tranh gay gắt do gần đây một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc... tập trung phát triển trồng trong nước.
Trước tình hình như trên, Bộ NN&PTNT khuyến cáo người dân không nóng vội chặt bỏ, không chuyển đổi cây trồng khác đối với các vườn cây sinh trưởng tốt tại các vùng chuyên canh tập trung.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại hiệu quả, lợi thế sản xuất thanh long trên phạm vi cả nước; tổ chức lại sản xuất tại các vùng sản xuất tập trung. Thực hiện rải vụ thu hoạch phù hợp theo nhu cầu thị trường, đẩy mạnh chế biến đa dạng hóa sản phẩm...; phổ biến các mô hình, quy trình kỹ thuật giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành, canh tác theo VietGAP, hữu cơ, tuần hoàn.
Đồng thời, Bộ cũng phối hợp các Bộ, ngành liên quan nâng cao năng lực dự báo, thông tin thị trường làm cơ sở xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch, thúc đẩy tiêu thụ nội địa; đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm; đầu tư hệ thống kho bãi phục vụ xuất khẩu đường bộ, đường thủy, đường sắt sang Trung Quốc,...