Câu đánh giá ngắn gọn của ông thầy người Áo lột tả trần trụi cảnh ăn đong của cả một làng bóng hầu như chỉ săn sóc cho giải vô địch và đội tuyển quốc gia thay vì chăm chút căn cơ cho cả một nền bóng đá, đặc biệt ở khâu đào tạo trẻ. Phán xét của HLV Riedl gây khó chịu cho VFF dù giới chuyên môn đều thấm thía và thực tế những tồn tại này đã diễn ra hàng chục năm qua.
Dễ thấy các đội tuyển quốc gia cứ đến hẹn lại lên từ một giải vô địch vốn đã èo uột lại còn mang mầm bệnh mua bán độ, móc ngoặc xảy ra suốt một thời gian dài. Trong khi đó, các địa phương mạnh ai nấy làm bóng đá trẻ theo kinh nghiệm và theo mỗi kiểu khác nhau. Họ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn cho đào tạo trẻ và thậm chí là thả nổi rồi đi mượn quân của nhau để đối phó mỗi mùa vào các giải trẻ.
Bóng đá trẻ Việt Nam phát triển nhờ sự đầu tư của các lò đào tạo trẻ trong khi các giải chuyên nghiệp lại đầu tư kiểu hình tháp ngược. Ảnh: CTV
Cách đây hơn 10 năm, VFF tận dụng kinh phí của FIFA đã xây dựng Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam nhưng thiếu tính mục đích và dĩ nhiên không cho ra đời tài năng trẻ nào. Phải chờ đến khi Học viện bóng đá tư nhân HA Gia Lai JMG đi tiên phong và sau đó một số lò đào tạo trẻ khác như PVF, Viettel,… khai sinh thì làng bóng có sinh khí hơn.
Đến cả các giải vô địch quốc gia bao nhiêu năm qua xây dựng theo hình tháp ngược không giống ai của VFF cho đến nay mới có sự dịch chuyển khi tạo sự đồng thuận giúp các CLB chung sức vun vén cho sự phát triển tự nhiên.
Hy vọng những nhà làm giải bóng đá Việt Nam sẽ dần thoát ra khỏi cảnh ăn đong ở trên tuyển, sau khi cơ cấu phù hợp hơn cho các giải vô địch quốc gia và định hướng, đầu tư hiệu quả cho công cuộc đào tạo trẻ để không còn bị mang tiếng xây nhà từ nóc.