Ngày 15-5, Brazil lại thêm một bộ trưởng y tế từ chức chỉ trong một tháng. Tân Bộ trưởng Y tế Nelson Teich từ chức sau khi Tổng thống Jair Bolsonaro yêu cầu ông chứng thực hiệu quả điều trị COVID-19 của các loại thuốc chống sốt rét.
Ra đi vì khác quan điểm chống dịch với tổng thống
Các chuyên gia y tế Brazil đã tỏ ra phẫn nộ, người dân ở các thành phố lớn đã giận dữ ném chai lọ ra cửa sổ phản đối việc ông Nelson Teich từ chức, trong bối cảnh dịch COVID-19 ở nước này đang trở nên phức tạp.
Số người nhiễm bệnh ở Brazil đã là 218.223, nhiều hơn cả Đức và Pháp. Số ca tử vong đã lên đến 14.817, với khoảng 800 ca được ghi nhận mỗi ngày.
Bộ trưởng Y tế Nelson Teich (trái) từ chức vì bất đồng quan điểm chống dịch COVID-19 với Tổng thống Jair Bolsonaro (phải). Ảnh: ESTADAO
Hôm 14-5, Tổng thống Bolsonaro yêu cầu ông Teich ban hành các hướng dẫn của liên bang về việc sử dụng sớm thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine để điều trị bệnh nhân COVID-19. Tổng thống Bolsonaro ca ngợi loại thuốc này là phương pháp điều trị hứa hẹn, mặc dù hiệu quả của nó vẫn chưa được chứng minh.
“Tôi đã được bầu để đưa ra quyết định và việc chọn Hydroxychloroquine đã thông qua tôi” - ông Bolsonaro nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong một cuộc họp trực tuyến hôm 14-5.
Trước đó, ông Teich đã có nhiều mâu thuẫn với tổng thống khi ông Bolsonaro thúc đẩy mở cửa lại nền kinh tế quá sớm. Trong cuộc họp báo ngày 11-5, ông Teich đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi biết tổng thống cho phép các phòng tập thể dục, tiệm làm đẹp và tiệm làm tóc mở cửa trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến xấu đi.
Mặc dù vậy, hôm 15-5, khi gặp gỡ báo giới, ông Teich lại không nêu lý do tại sao ông quyết định từ chức.
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin chính phủ nói rằng các quan chức quân sự Brazil đang vận động để Thứ trưởng Y tế Eduardo Pazuello, cũng là một vị tướng lục quân, lên làm bộ trưởng mới thay ông Teich.
Văn phòng báo chí của Tổng thống Bolsonaro hiện vẫn chưa đưa ra bình luận nào.
Ông Walter Braga Netto, Chánh Văn phòng nội các của Tổng thống Bolsonaro, nói với các nhà báo rằng ông Teich đã từ chức vì lý do cá nhân, sau một cuộc trò chuyện thân thiện với tổng thống hôm 15-5.
Cuối ngày 15-5, Bộ Y tế nói với hãng tin Reuters rằng họ đang hoàn thiện các hướng dẫn mới để điều trị bệnh nhân COVID-19, bao gồm cả Hydroxychloroquine.
Phe đối lập đòi luận tội tổng thống
Ông Nelson Teich đảm nhiệm vai trò bộ trưởng Y tế Brazil chưa đầy một tháng đã phải ra đi. Trước đó, cựu Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta đã bị sa thải hôm 16-4, sau khi mâu thuẫn với Tổng thống Bolsonaro trong việc xử lý dịch COVID-19.
Ông Teich quyết định từ chức một ngày sau khi Brazil báo cáo số lượng ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục. Người bệnh tràn ngập các bệnh viện trong khi số người tử vong đang ngày một tăng thêm, buộc nghĩa trang phải chuyển phương án chôn cất tập thể.
“Chúng ta hãy cầu nguyện” - ông Mandetta nói trên Twitter sau khi hay tin ông Teich từ chức, kêu gọi ủng hộ hệ thống y tế và đặt niềm tin vào nền khoa học nước nhà.
Bộ trưởng Y tế Nelson Teich tại buổi họp báo hôm 15-5. Ảnh: REUTERS
Ngày 15-5, sau khi ông Teich từ chức, các chính trị gia phe đối lập đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Bolsonaro. Nhà lập pháp Marcelo Ramos của đảng Tự do cho biết tổng thống sẽ chỉ chấp nhận một bộ trưởng không quan tâm đến chính sách y tế dựa trên khoa học.
Thậm chí, lãnh đạo phe đối lập - ông Alessandro Molon cảnh báo rằng Brazil đang hướng tới thảm họa y tế và cho rằng tổng thống nên bị luận tội.
Việc xử lý dịch COVID-19 của Tổng thống Bolsonaro đã bị chỉ trích rộng rãi khi ông cho rằng dịch bệnh không quá nghiêm trọng và bỏ qua các quy tắc kiểm dịch.
Từ cuối tháng 3, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận Hydroxychloroquine vào điều trị lâm sàng COVID-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo về việc sử dụng Hydroxychloroquine để điều trị COVID-19 có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn liên quan đến tim.
Hai nghiên cứu mới được công bố hôm 15-5 cũng cho thấy bệnh nhân COVID-19 có dùng Hydroxychloroquine cũng không cho hiệu quả điều trị đáng kể so với những người không được điều trị bằng thuốc.