WHO, Mỹ ra cảnh báo một bệnh lạ liên quan COVID-19 ở trẻ em

Trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 15-5, WHO cảnh báo các chuyên gia y tế thế giới cần "đề cao cảnh giác" liên quan các báo cáo ban đầu cho thấy hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) có liên quan tới COVID-19, đài CNBC cho hay.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus "kêu gọi tất cả các bác sĩ trên toàn thế giới hợp tác cùng các cơ quan chức năng các nước và WHO để cùng nâng cao cảnh giác và hiểu hơn về hội chứng này ở trẻ em".

TS Maria van Kerkhove - Giám đốc kỹ thuật Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO cho biết các chuyên gia y tế toàn cầu đang nghe được ngày càng nhiều thông tin về các bệnh nhi mắc hội chứng lạ này.

Tuy nhiên, bà van Kerkhove cho rằng "cần thêm thông tin được thu thập một cách có hệ thống" bởi vì theo những báo cáo ban đầu mà WHO có được, các triệu chứng không hoàn toàn giống nhau ở các ca bệnh và không phải tất cả các trẻ mắc hội chứng MIS-C đều nhiễm COVID-19.

Giám đốc điều hành Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO - TS Mike Ryan cũng cho rằng có khả năng hội chứng lạ ở trẻ em này liên quan tới COVID-19. Ông giải thích SARS-CoV-2 đã "vượt qua sự ngăn cách giữa các loài" để gây ra một căn bệnh "mới" ở người nên chưa thể xác định được "cơ quan mục tiêu chính" của virus.

Các ca bệnh MIS-C ở Anh, Mỹ và Pháp

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) phát đi cảnh báo về một bệnh lạ ở trẻ em - hội chứng MIS-C - có khả năng liên quan tới đại dịch COVID-19, hãng tin Sputnik cho hay.

Ngày 14-5, các quan chức CDC cho rằng hội chứng MIS-C có thể liên quan tới COVID-19 và yêu cầu các cơ sở y tế ghi nhận số liệu về các ca bệnh này.

Theo CDC, từ ngày 16-4 đến ngày 4-5, 15 bệnh nhi từ 2 đến 15 tuổi đã nhập viện ở TP New York với các triệu chứng viêm đa hệ thống và nhiều trẻ phải được chăm sóc đặc biệt.

Đến ngày 12-5, toàn bang New York đã phát hiện 102 nhiễm MIS-C, phần lớn trong số này dương tính với virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19). Bang New York vẫn tiếp tục nhận được nhiều thông báo về các ca nghi mắc MIS-C. 

Một cậu bé và mẹ dắt thú cưng đi dạo ở công viên Montrose ở thủ đô Washington D.C. hôm 11-5. Ảnh: REUTERS

Ngày 26-4, Anh lần đầu tiên xác nhận các ca mắc MIS-C và cho biết các bệnh nhi có triệu chứng giống như mắc bệnh Kawasaki - một hội chứng gây viêm mạch máu phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi.

Đến ngày 14-5, Anh thông báo đã phát hiện 8 ca bệnh nhi MIS-C, trong đó có một trường hợp đã tử vong. Xét nghiệm cho thấy các bệnh nhi này đều đang nhiễm hoặc từng nhiễm COVID-19.

Theo đài France 24, từ ngày 1-3 đến ngày 12-5, Pháp đã ghi nhận 125 trường hợp mắc MIS-C ở các bệnh nhi nhiễm COVID-19 có độ tuổi từ 1 đến 14. Trong đó, một bệnh nhi 9 tuổi đã tử vong vì tổn thương hệ thần kinh và là ca tử vong vì MIS-C đầu tiên ở Pháp.

Các chuyên gia y tế Pháp cho biết các tổn thương ở mạch máu và tim của bệnh nhân MIS-C "rõ ràng hơn nhiều" so với các bệnh nhân mắc hội chứng Kawasaki.

Các triệu chứng MIS-C và cách chữa trị

Hiện nay, các đặc điểm xác nhận một ca mắc MIS-C là bệnh nhân dưới 21 tuổi, bị sốt và viêm nhiễm từ các cơ quan thuộc từ hai hệ thống (hô hấp, tuần hoàn, thần kinh, bài tiết...) trở lên.

Các bệnh nhân này có thể đang hoặc đã nhiễm COVID-19 trong vòng 4 tuần trước khi xuất hiện triệu chứng MIS-C.

CDC cũng khuyến cáo các cơ sở y tế có điều trị các bệnh nhi nhiễm COVID-19 và mắc hội chứng Kawasaki cũng phải lưu ý về các triệu chứng trên.

Cảnh báo của CDC cho biết hiện chưa rõ liệu hội chứng viêm đa hệ thống có xuất hiện ở người lớn hay không.

Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Sean O'Leary thuộc Học viện Nhi khoa Mỹ, phụ huynh nên để mắt tới các trẻ em có triệu chứng sốt dai dẳng và nên đưa trẻ đi khám khi lo sợ rằng trẻ đã bị bệnh, theo Sputnik.

Tuy nhiên, "cha mẹ cũng nên đảm bảo rằng họ vẫn đang chăm sóc tốt và tiêm chủng đầy đủ cho trẻ. So với COVID-19, các bệnh mà chúng ta ngừa bằng vaccine thực tế còn nghiêm trọng hơn ở trẻ em, do đó chúng ta nên đảm bảo bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh đó" - ông O'Leary nói.

Trong khi CDC chưa đưa ra phương pháp điều trị MIS-C, ông O'Leary cho rằng việc tiêm globulin miễn dịch qua tĩnh mạch và các phương pháp chăm sóc hỗ trợ có thể được xem xét áp dụng. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm