Hải quân Brazil ngày 2-2 thông báo sẽ đánh chìm một tàu sân bay không còn hoạt động sau khi không cảng nào cho phép con tàu cập bến do lo ngại ô nhiễm môi trường, theo hãng tin AFP.
Năm 2021, Brazil đã bán tàu sân bay Sao Paulo, nặng 34.000 tấn, cho một xưởng đóng tàu của Thổ Nhĩ Kỳ để làm phế liệu. Nhưng vào tháng 8-2022, ngay khi nó chuẩn bị đến bờ biển Địa Trung Hải thì Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hồi giấy phép nhập cảnh, nói rằng con tàu chứa hóa chất độc hại.
Con tàu đã quay trở lại Brazil nhưng không được cập cảng vì “rủi ro cao” đối với môi trường. Con tàu 60 tuổi này sau đó trôi dạt vô định ở Nam Đại Tây Dương.
Thông báo của Hải quân Brazil cho biết: “Xét đến mức độ xuống cấp và nguy cơ con tàu sắp chìm không kiểm soát ngày càng cao, không có lựa chọn nào khác ngoài việc chủ động đánh chìm con tàu này”.
Tàu sân bay Sao Paulo của Brazil. Ảnh: HẢI QUÂN BRAZIL |
Hải quân cho biết họ đã kéo con tàu đến một địa điểm cách bờ biển Brazil khoảng 350 km, có mực nước sâu 5.000 m, gọi đó là “khu vực an toàn nhất” cho việc đánh chìm con tàu. Hải quân chưa tiết lộ thời gian tiến hành đánh chìm.
Kế hoạch phá hủy tàu Sao Paulo vấp phải sự phản đối từ các nhà hoạt động vì môi trường. Họ lập luận rằng con tàu chứa hàng tấn amiăng, kim loại nặng và các chất độc hại khác có thể ngấm vào nước và gây ô nhiễm chuỗi thức ăn ở biển.
Giám đốc Basel Action Network (BAN) - một mạng lưới phi chính phủ đấu tranh chống các hoạt động xuất khẩu chất độc hại - ông Jim Puckett gọi kế hoạch của hải quân Brazil là “sự cẩu thả thô bạo”.
Ông nói: “Nếu đánh chìm con tàu độc hại vào Đại Tây Dương, họ sẽ vi phạm các điều khoản của ba hiệp ước môi trường quốc tế”.
Trong khi đó, nhóm môi trường Pháp Robin des Bois gọi con tàu là “gói chất độc 30.000 tấn”.