HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - HOA KỲ

Bước chuyển mình mạnh mẽ

“Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết đã mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa hai nước”. Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định BTA, nhìn nhận khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhân dịp 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và 15 năm hai bên ký hiệp định này.

Bước ngoặt trong kinh tế

. Phóng viên: Sau 20 năm nhìn lại, ông đánh giá thế nào về sự tác động của bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam (VN) và Hoa Kỳ?

+ Ông Nguyễn Đình Lương: Trong thời đại toàn cầu hóa thị trường, Hoa Kỳ là thị trường mà quốc gia nào cũng muốn gõ cửa. Đối với VN đây là một “cuộc chơi” hoàn toàn mới. BTA không chỉ đơn thuần là bước ngoặt cho sự bình thường hóa quan hệ mà còn là nền tảng để hai bên thiết kế đối tác lâu dài.

BTA mở ra thị trường xuất khẩu vô cùng lớn đối với VN, còn người tiêu dùng Hoa Kỳ có sự lựa chọn phong phú hơn. Trên thị trường Hoa Kỳ cũng có thêm một đối thủ cạnh tranh, góp phần tăng sức cạnh tranh chung của nền kinh tế nước này. Tức là hai bên đều có lợi. Lợi ích này càng nhiều, càng tăng, quan hệ kinh tế thương mại càng phát triển.

Và trong nhận thức, chúng ta cũng đã có những đổi mới nhiều mặt. Ở thời điểm đó, sau khi không thành công với nền kinh tế bao cấp, kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chúng ta đã nhận thức được rằng phải chấp nhận kinh tế thị trường để phát triển vì kinh tế thị trường là sản phẩm của xã hội loài người. VN bắt đầu bằng một quá trình xóa bỏ màu sắc “bao cấp”, đồng thời tiến hành xây dựng một nền kinh tế thị trường trong lòng CNXH…

. Những đổi mới đáng kể nào từ phía chúng ta để nhanh chóng thích ứng với những điều kiện mới khi đó, thưa ông?

+ BTA buộc VN phải bổ sung, sửa đổi hầu như toàn bộ hệ thống pháp luật mà trước hết là sửa đổi, làm mới các luật cơ bản như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đầu tư, Luật Thương mại… theo cách tiếp cận mới hiện đại. Chẳng hạn như nếu trong Bộ luật Dân sự năm 1995, nguyên tắc cơ bản đầu tiên mà luật quyết là phải “Tôn trọng lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng…” rồi sau đó mới tôn trọng lợi ích cá nhân thì ngay từ đầu, Bộ luật Dân sự năm 2005 (sửa đổi theo tinh thần BTA) chốt luôn: Nguyên tắc cơ bản đầu tiên là “Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận… và bình đẳng trước pháp luật”. Cùng đó “quyền tự do kinh doanh của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, cá nhân có quyền lựa chọn hình thức, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, lập doanh nghiệp (DN), tự do giao kết hợp đồng, thuê lao động và các quyền phù hợp với quy định của pháp luật” (Bộ luật Dân sự). Hay như quy định “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà luật này không cấm” (Luật Đầu tư).

BTA đã làm thay đổi cách nhìn của người VN với kinh tế thị trường. BTA là nền tảng để VN gia nhập WTO, là cái gốc cho sự thay đổi hệ thống pháp lý liên quan vận hành theo thị trường. Rõ ràng hệ thống luật lệ VN đã giảm hẳn những quy định mang tính áp đặt chung chung, thay vào đó là những quy định rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi, dễ áp dụng cho một nền kinh tế thị trường…, nhất là luật phải gắn với đời sống.

16 giờ ngày 13-7-2000, tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, Tổng thống Bill Cliton họp báo thông báo việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Ảnh: Tư liệu

Chế biến cába sa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: CTV

Phải thực sự cải thiện môi trường đầu tư

. BTA đã đem lại cho VN thị trường xuất khẩu lớn của thế giới, song nhiều người băn khoăn Hoa Kỳ là cường quốc kinh tế số một thế giới nhưng lượng đầu tư vào VN vẫn thấp hơn các nước khác?

+ Trong những năm gần đây, số lượng các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào VN để tìm hiểu và đầu tư có tăng lên nhưng thực tế nguồn đầu tư nước ngoài FDI của VN vẫn xuất phát từ các nước như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Theo tôi, có mấy nguyên nhân sau: Hàng hóa của Hoa Kỳ thuộc dạng cao cấp, giá cả rất đắt và sức mua của người Việt chưa tới tầm đó. Thứ hai, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ môi trường đầu tư của VN còn nhiều vấn đề. Đó là tình trạng “bôi trơn”, lobby trong đấu thầu, phân biệt đối xử giữa DN quốc doanh và tư nhân; tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhiêu khê trong thực thi thủ tục hành chính,… Bản thân người dân và DN trong nước còn cảm thấy mệt mỏi về câu chuyện này huống gì nước ngoài. Tại sao phần lớn lượng đầu tư của Hoa Kỳ chủ yếu vào các nước phát triển vì các nước đó công khai rõ ràng và biết được kết quả đầu tư. Chừng nào chưa giải quyết được những tồn tại trên thì rất khó thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ.

. Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong quá trình đàm phán và VN rất kỳ vọng vào hiệp định này?

+ Sau BTA, WTO thì TPP là bước tiến hoàn chỉnh để VN gia nhập cơ chế thị trường đúng nghĩa. TPP đòi hỏi VN phải hoàn chỉnh về thể chế, hệ thống luật pháp. TPP không chỉ là kinh tế, nó còn tác động đến các mặt khác. Tuy nhiên, để đi đến ký kết TPP không phải là câu chuyện dễ dàng đối với VN, trong đó những cuộc đàm phán song phương giữa VN - Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò quyết định.

TPP là tổ chức, anh phải có quyền lợi và nghĩa vụ, có điều kiện đi kèm, thể hiện sự công bằng. TPP sẽ buộc các nước tuân thủ cơ chế thị trường, nguyên tắc làm ăn công khai, bình đẳng, sòng phẳng.

Thật sự đề cập đến TPP, tôi rất lo cho cán bộ và cộng đồng DN VN. Tham gia TPP, chính sách của các nước phải ban hành theo hướng tốt lên chứ không được xấu đi và nếu chính sách ban hành xấu đi, tôi có quyền kiện anh ra tòa. Nhưng ở VN câu chuyện làm chính sách, văn bản luật còn rất nhiều “sạn” và thiếu thực tiễn sẽ là rào cản để gia nhập TPP.

Bên cạnh đó, TPP không chỉ đơn thuần là câu chuyện giảm thuế xuất nhập khẩu về 0% mà theo quy định, nguyên liệu sản xuất hàng hóa phải có xuất xứ từ những nước trong khối. Đây cũng là điều kiện để VN thoát khỏi sự phụ thuộc vào một thị trường với những mặt hàng có thế mạnh như dệt may, da giày,…

. Xin cám ơn ông.

Bước chuyển mình mạnh mẽ ảnh 3

Ông Nguyễn Đình Lương nguyên là trợ lý bộ trưởng Bộ Thương mại. Ông có thâm niên hơn 20 năm đàm phán thương mại cấp chính phủ, bắt đầu là các hiệp định với Liên Xô, Singapore, Canada, Na Uy và kết thúc là Hiệp định Thương mại VN - Hoa Kỳ.

Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng liên tục

Trong những năm qua, xuất khẩu của VN sang Hoa Kỳ tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2000, VN mới chỉ xuất khẩu sang Hoa Kỳ khoảng 800 triệu USD thì năm 2014 kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt hơn 30 tỉ USD, tăng gần 20% so với năm 2013. Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN, chiếm gần 45% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, xét về góc độ đầu tư nước ngoài vào VN, Hoa Kỳ đứng thứ 7/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại VN. Phần lớn nhà đầu tư vào VN thường đến từ các nước trong khu vực Đông Á như Nhật, Hàn Quốc,…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm