Cách nhận biết sớm dấu hiệu tăng huyết áp

Vấn đề là có đến 77% người dân hiểu sai về bệnh tăng HA và đáng lưu ý nhất chính là trong số những người bị tăng HA có đến 52% (5,7 triệu người) không biết mình bị bệnh lý này.

Phương thức đo được chỉ số huyết áp chính xác

Chỉ số HA là một trong những dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết đối với người nghi ngờ bị tăng HA. Theo The Seventh Report of the Joint National Committee (JNC VII), các chỉ số xác định ngưỡng HA như sau:

- HA bình thường: Nhỏ hơn 120/80 mmHg (HA tâm thu/HA tâm trương).

- Tiền tăng HA: 120-139/80-89 mmHg.

- Tăng HA giai đoạn 1: 140-159/90-99 mmHg.

- Tăng HA giai đoạn 2: Lớn hơn hoặc bằng 160/100 mmHg.

Đa phần các trường hợp đo HA bằng máy tại nhà, bệnh nhân chỉ nhớ một trong hai chỉ số hiển thị trên máy. Một số trường hợp sau khi đo có chỉ số HA tâm thu nằm ở mức bình thường (dưới 120) nên nghĩ mình không bị tăng HA nhưng chỉ số HA tâm trương khi đó lại ở ngưỡng tiền tăng HA (80-89). Đây được cho là có nguy cơ bị cao HA tâm trương vì vậy bạn cần ghi nhận cả hai chỉ số để bác sĩ có sự chẩn đoán chính xác nhất.

Bên cạnh đó, nên lưu ý những quy cách đo như: Không đo ngay sau bữa ăn, uống cà phê hay làm việc gắng sức (leo cầu thang, quét dọn nhà cửa…) và cần nghỉ ngơi, ở nơi yên tĩnh khi đo. Đặc biệt, bao (băng) quấn tay hoặc dụng cụ đo phải đặt ở vị trí ngang tim. Quan điểm mới nhất về đo HA (2013) là nên đo ở tư thế ngồi, lần đo thứ hai nên cách lần thứ nhất ít nhất một phút. Khi đo tại nhà cần lưu ý đo ở cả hai thời điểm sáng-tối. Nếu nghi ngờ cao HA, thời gian theo dõi cần kéo dài ít nhất bốn ngày liên tục và lý tưởng nhất là bảy ngày.

Làm thế nào để phát hiện sớm tăng HA?

Những triệu chứng của tăng HA rất đa dạng. Ví dụ: Có trường hợp tăng HA nhưng khi khám và đo thì chỉ số ở mức bình thường hoặc trường hợp phổ biến khác là tăng HA “áo choàng trắng”, tức HA tại cơ sở y tế ở mức cao nhưng chỉ số đo ở nhà không cao. Do đó việc đo HA tức thời không đủ để kết luận mà phải thực hiện đo lưu động 24 giờ (Ambulatory Blood Pressure Monitoring - máy Holter HA 24 giờ). Đây là phương tiện tốt và chính xác nhất giúp ghi nhận các chỉ số HA cả ngày và đêm. Từ đó bác sĩ sẽ có góc nhìn toàn cảnh về HA để có thể đưa ra chẩn đoán, kế hoạch điều trị sớm, phù hợp nhất.

Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi liên quan đến bệnh sử để có thể đưa ra chẩn đoán và theo dõi các yếu tố nguy cơ liên quan đến tăng HA như:

- Về huyết áp: Thời gian tăng, thuốc đã và đang dùng, liều lượng.

- Bệnh lý của người thân trong gia đình: Tăng HA, tim mạch, đột tử do tim mạch, u tuyến thượng thận, tiểu đường, gout…

- Thói quen ăn uống (nhiều chất béo, muối…), sinh hoạt hằng ngày (vận động ít, uống nhiều rượu bia, hút thuốc), tâm lý gia đình (tình cảm, mức sống), đời sống sinh hoạt tình dục, việc dùng các loại thuốc ngừa thai hay chất kích thích.

- Những triệu chứng có thể liên quan: Nhức đầu vào sáng sớm, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, rối loạn giấc ngủ…

Tăng HA được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” không chỉ là tên gọi cho vui, mà thực sự là một lời cảnh báo về những tác động nguy hiểm của nó. Hãy kiểm tra HA ngay khi xuất hiện mối nghi ngờ đầu tiên để bảo vệ và phòng, chống biến chứng đáng tiếc về sau (nếu có).

ThS-BS TRẦN THỊ NHƯ HOA, chuyên khoa Tim mạch,Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ

 

Hệ thống Phòng khám quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ:

Phòng khám 1: 79 Điện Biên Phủ, phường Đakao, quận 1, TP.HCM.

Phòng khám 2: 135A Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Hotline: (08) 3910 4545 - website: www.victoriavn.com - email: info@victoriavn.com.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm