Căng thẳng Trung Đông dai dẳng, cả Israel và Iran đều gặp khó

(PLO)- Căng thẳng Trung Đông kéo dài, Israel có nguy cơ sa lầy tại mặt trận mới, trong khi Iran có thể phải thay đổi chiến lược họ đã theo đuổi từ lâu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, căng thẳng giữa Israel với Iran và các nhóm vũ trang thân Iran diễn biến khó lường. Chuỗi sự kiện như cuộc không kích sát hại các lãnh đạo của Hezbollah và Hamas, Israel mở cuộc tấn công miền nam Lebanon, Iran tấn công tên lửa Israel,... đang đẩy Trung Đông đứng trước một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ và có nguy cơ lan rộng thành xung đột khu vực.

Nhiều chuyên gia và cơ quan truyền thông nhận định nếu tình hình hiện tại kéo dài, cả Israel và Iran đều gặp bất lợi, theo tờ The Wall Street Journal. Theo đó, những nhóm vũ trang thân cận với Iran có thể yếu đi, ảnh hưởng chiến lược chung của Tehran tại Trung Đông. Trong khi đó, Israel có nguy cơ vướng vào hai cuộc xung đột cùng một lúc – tại Gaza và tại Lebanon.

Căng thẳng Trung Đông kéo dài, cả Israel và Iran đều gặp khó
Miền nam Beirut (Lebanon) sau cuộc không kích của Israel. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Israel có nguy cơ sa lầy

Cuối tháng 9, Israel không kích và tiêu diệt ông Hassan Nasrallah – lãnh đạo tối cao nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon). Vụ việc xảy ra không lâu sau khi Israel tuyên bố hạ một loạt thành viên cấp cao của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (Gaza). Sau đó, ngày 1-10, Israel đẩy mạnh các cuộc tấn công Hezbollah khi quyết định đổ bộ vào miền nam Lebanon.

Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, mặc dù Israel đã hạ được nhiều thành viên cấp cao của Hezbollah và phá hủy phần đáng kể kho tên lửa của nhóm này, Hezbollah vẫn còn một kho vũ khí lớn và hàng chục ngàn thành viên được huấn luyện kỹ càng. Bên cạnh đó, Iran – quốc gia có quan hệ thân thiết với Hezbollah – có thể tăng cường hoạt động đối đầu trực tiếp với Israel. Tình hình này khiến Israel khó có thể thiết lập lại thế ổn định an ninh quốc gia như trước đây.

Ngoài ra, việc Israel đổ bộ vào miền nam Lebanon khiến nước này đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Theo đó, các cuộc đột kích hạn chế trên bộ vào các làng biên giới khó có thể giúp Israel giành ưu thế hoàn toàn trước Hezbollah. Ngược lại, Hezbollah có thể tận dụng cuộc tấn công của Israel để kêu gọi người dân Lebanon ủng hộ nhóm này, từ đó lôi kéo được nhiều người đứng vào hàng ngũ của họ.

Cuộc đổ bộ vào nam Lebanon cũng gây ra cho Israel nhiều tổn thất. Hôm 2-10, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết giao tranh dữ dội ở miền nam Lebanon đã khiến 8 binh sĩ Israel thiệt mạng, trong đó có một số thành viên của Đơn vị Egoz tinh nhuệ – đơn vị được thành lập nhằm chiến đấu với Hezbollah.

"Cuộc chiến trên không mà Israel tiến hành đã rất thành công. Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục ở trên bộ, Hezbollah sẽ có được cuộc chiến mà họ mong muốn" – ông Hussein Ibish, nghiên cứu viên cao cấp tại tổ chức nghiên cứu Viện Các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập (Mỹ), nêu quan điểm.

Nhiều chuyên gia nhận định cuộc xung đột có thể khiến Israel sa lầy ở Lebanon. Nếu tình hình này xảy ra, Israel sẽ gặp thêm khó khăn do cuộc xung đột mà nước này tham chiến tại Gaza vẫn chưa đi đến hồi kết. Theo bà Sanam Vakil – người đứng đầu chương trình Trung Đông tại tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh), cuộc đổ bộ của Israel hiện tại vào nam Lebanon có nhiều khả năng giống với chiến dịch của Israel ở Gaza.

IYORBQOWFVPPTJ6HCT6S7ISQIQ.jpg
Khói bốc lên trong đợt giao tranh giữa Israel và Hezbollah ở nam Lebanon hôm 4-10. Ảnh: REUTERS

"Cũng như ở Gaza, tôi cho rằng họ [Israel] sẽ sử dụng sự hiện diện lâu dài của họ [tại nam Lebanon] để làm công cụ mặc cả trong các cuộc đàm phán [với Hezbollah]", theo bà Vakil. Bà cũng cho rằng cuộc đổ bộ này có khả năng kéo dài và điều này sẽ giúp Hezbollah củng cố lực lượng của họ.

Trong bối cảnh tình hình chiến sự tại Lebanon diễn ra căng thẳng, nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức ... đã thực hiện các biện pháp sơ tán và đảm bảo an toàn cho công dân tại Lebanon.

Tác động mạnh đến chiến lược của Iran

Tình hình căng thẳng Trung Đông kéo dài không chỉ khiến Israel gặp khó khăn mà còn có thể làm Iran phải xem xét lại chính sách của nước này đối với khu vực.

Sau khi ông Hassan Nasrallah thiệt mạng do cuộc không kích của Lực lượng Phòng vệ Israel, lãnh tụ tối cao Iran – ông Ali Khamenei tuyên bố cái chết của ông Nasrallah "sẽ không vô nghĩa". Trong khi đó, Phó Tổng thống thứ nhất Iran – ông Mohammad Reza Aref cho rằng vụ việc này sẽ mang lại "sự hủy diệt" đối với Israel.

“Ông Nasrallah đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng quyền lực của Iran" – ông Karim Sadjadpour, nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) cho biết, thêm rằng Hezbollah vẫn là "viên ngọc quý" trong số các đồng minh của Iran tại khu vực.

Trong khi đó, ông Ali Vaez - thành viên cơ quan nghiên cứu International Crisis - cho rằng việc lãnh đạo Hezbollah thiệt mạng đẩy Iran vào "một tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng". Tuy nhiên, theo ông Vaez, Iran vẫn sẽ giữ mối quan hệ chặt chẽ với Hezbollah, vì Hezbollah là một phần quan trọng trong việc đảm bảo chính sách của Iran trong khu vực.

Trên thực tế, Iran có những hành động mạnh mẽ để khẳng định họ vẫn luôn ủng hộ Hezbollah. Trong ngày 1-10, Iran đã phóng loạt tên lửa đạn đạo vào nhiều mục tiêu trên khắp Israel. Phía Iran cho biết hành động này nhằm trả đũa việc Israel hạ các lãnh đạo cấp cao của Hezbollah và Hamas.

Cang-thang-Trung-Dong.png
Hệ thống phòng không Israel đánh chặn tên lửa của Iran tối 1-10. Ảnh: REUTERS

Theo ông Shahram Akbarzadeh - chuyên gia tại Diễn đàn nghiên cứu Trung Đông (Úc), điều này cho thấy Iran dường như đã thay đổi chiến lược của họ. Theo đó, trước đây, Iran không muốn tham gia trực tiếp vào cuộc đối đầu với Israel nhưng giờ đây, Iran sẵn sàng dùng tên lửa đạn đạo để tấn công Israel.

Tuy nhiên, hành động này có thể khiến Iran đối mặt tình huống mà bấy lâu nay họ luôn cẩn trọng tránh để diễn ra, đó là đối đầu trực tiếp với Mỹ – quốc gia dành sự ủng hộ lớn cho Israel. “Một kịch bản khiến Tehran lo ngại là Israel, phối hợp với Mỹ, có thể nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này. Các cơ sở hạ tầng này bao gồm mạng lưới thông tin liên lạc và giao thông, các tổ chức tài chính và ngành công nghiệp dầu mỏ. Nếu điều này xảy ra, nó có thể tạo nên sự hỗn loạn bên trong Iran”, theo ông Ran Porat, nhà nghiên cứu tại ĐH Monash (Úc).

Chiến dịch không kích với quy mô kỷ lục

Theo nhóm giám sát xung đột Airwars (Anh), chiến dịch không kích mà Israel cho là nhắm vào các thành trì của Hezbollah tại Lebanon là "chiến dịch trên không dữ dội nhất" trên thế giới trong hai thập niên qua, nếu không tính đến cuộc xung đột tại Gaza.

Trả lời đài CNN, bà Emily Tripp – Giám đốc của Airwars – cho biết các cuộc không kích của Israel đang diễn ra ở "mức độ và cường độ mà các đồng minh của Israel không thể thực hiện được trong 20 năm qua".

Theo đó, chỉ trong 2 ngày 24 và 25-9, lực lượng Israel cho biết họ đã thực hiện 3.000 cuộc không kích. Theo Bộ Y tế Lebanon, các cuộc không kích của Israel trong khoảng 3 tuần qua đã khiến 1.400 người thiệt mạng, làm bị thương gần 7.500 người và khiến hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm