Cảnh sát Ấn Độ những ngày này hết sức bận rộn để kiểm soát cho tốt lệnh phong tỏa toàn quốc 21 ngày mà chính phủ áp dụng từ ngày 26-3 để ngăn dịch COVID-19 lây lan.
Từ cứng rắn sang hài hước
Những ngày đầu ra quân kiểm soát tình hình người dân chấp hành lệnh phong tỏa, cảnh sát có những biện pháp rắn như dùng gậy đánh người ra đường yêu cầu họ quay về nhà. Nhưng rồi lực lượng cảnh sát cũng phải thừa nhận chuyện kiểm soát để bảo đảm 1,3 tỉ dân ở trong nhà không dễ dàng.
Người vi phạm lệnh phong tỏa bị cảnh sát phạt thụt dầu những ngày đầu lệnh mới được thực hiện. Ảnh: TWITTER
Những ngày gần đây cảnh sát dường như đã dần thay đổi chiến thuật, khi nhận thấy chỉ rắn thôi thì chưa đủ để khiến người dân chấp hành.
Và chiến thuật hiện tại của cảnh sát Ấn Độ là song song làm “cảnh sát hiền cả cảnh sát dữ” tùy lúc, với mục tiêu là kiểm soát cho được việc người dân chấp hành lệnh phong tỏa, theo hãng tin AFP.
Chẳng hạn tại TP Bangalore (bang Karnataka), một phút trước cảnh sát có thể nhảy múa trên đường phố với cái mũ bảo hiểm có hình dạng con virus Corona xanh đỏ trên đầu. Một phút sau họ có thể đã dùng gậy dọa những người không chịu ở yên trong nhà mà cố tình ra đường.
Cảnh sát TP Chennai, bang Tamil Nadu (Ấn Độ) đội mũ bảo hiểm có hình dạng con virus Corona ra tuần tra đường phố và yêu cầu người dân quay về nhà. Ảnh: REUTERS
Trong khi các đồng nghiệp đội mũ mô phỏng con virus Corona xanh đỏ múa trên đường thì các cảnh sát khác thổi kèn sừng trâu và đánh chiêng mô phỏng một cuộc tấn công của virus Corona.
Cảnh sát Vijay Hadagil nói hoạt cảnh này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về sự lây lan của “virus Corona đáng sợ”.
Người dân vi phạm phong tỏa bị cảnh sát buộc phải đeo mặt nạ mô phỏng virus Corona và cầm trước ngực các biểu ngữ có các dòng chữ “Đừng ra ngoài, đừng tới gần Corona”, như một hình phạt cho việc vi phạm của mình. Ảnh: REUTERS
Tại TP Chennai (bang Tamil Nadu), cảnh sát nhờ một họa sĩ địa phương thiết kế một dạng mũ bảo hiểm có quả cầu gai màu đỏ như con virus Corona để dọa những người dân cố tình ra đường, vi phạm lệnh phong tỏa.
Tiếng lành chỉ mới đồn gần
Bên cạnh chiến thuật hài hước trên, nhiều nơi cảnh sát cũng tổ chức phân phát khẩu trang, găng tay cho người dân ở các khu ổ chuột, phân phối thực phẩm cho người lao động nhập cư.
Người dân xếp hàng và giữ khoảng cách an toàn trong khi chờ đến lượt nhận thực phẩm do cảnh sát phân phối ở Chennai. Ảnh: REUTRS
Thực tế là những ngày gần đây tình trạng cảnh sát dùng biện pháp bạo lực với người vi phạm phong tỏa đã giảm.
Tuy nhiên, dù cảnh sát có đổi chiến thuật từ “thuần cứng rắn” như những ngày đầu sang xen kẽ cứng rắn - hài hước - hỗ trợ như hiện tại thì phần nhiều trên mạng xã hội chủ yếu vẫn là những hình ảnh, video cảnh sát dùng gậy đánh người dân vi phạm phong tỏa, phạt họ thụt dầu, nhảy cừu.
“Có rất nhiều câu chuyện tích cực nhưng không may… những điều tốt không được truyền tin” - theo ông Prakash Singh, cựu Giám đốc cảnh sát bang Uttar Pradesh và hiện là chủ tịch Quỹ cảnh sát quốc gia hoạt động vì ngành cảnh sát.
Cảnh sát cung cấp nước rửa tay khô cho một người vô gia cư ở New Delhi. Ảnh: HINDUSTAN TIMES
Về việc cảnh sát đánh người dân vi phạm phong tỏa, ông Prakash Singh nói các sự cố “không cố ý” này là phương pháp cảnh sát từng sử dụng “30-40 năm trước” và nên chấm dứt.
Một số hình ảnh người dân Ấn Độ trong những ngày cả nước phong tỏa để chống dịch COVID-19:
Cả gia đình lao động nghèo trong căn hộ nhỏ chỉ một phòng ở Mumbai trong những ngày Ấn Độ phong tỏa. Ảnh: REUTERS
Mẹ kèm cặp các con tại nhà ở Mumbai trong những ngày Ấn Độ phong tỏa. Ảnh: REUTERS
Lao động nhập cư tại một ngôi trường được chính quyền New Delhi trưng dụng thành nơi tập trung người nhập cư trong những ngày Ấn Độ phong tỏa. Ảnh: REUTERS
Những bà nội trợ trong một khu nhà ổ chuột ở Mumbai những ngày Ấn Độ phong tỏa. Ảnh: REUTERS
Một nữ sinh viên ngành kiến trúc làm bài tập trong lúc người cha ngồi nói chuyện điện thoại bên phòng khách trong một căn hộ ở Mumbai những ngày Ấn Độ phong tỏa. Ảnh: REUTERS