Trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, nhiều nước châu Á đồng loạt ra các biện pháp mạnh tay ngăn đà lây nhiễm, như siết chặt đi lại từ bên trong, quản lý chặt nhập cảnh từ bên ngoài.
Theo tin từ báo Asahi ngày 30-3, Nhật sẽ tăng cường một số biện pháp ngăn đà lây lan COVID-19. Một trong các biện pháp đó là sẽ cấm người nước ngoài đến từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và phần lớn nước châu Âu nhập cảnh.
Người không phải công dân Nhật nếu có mặt ở các nước trên trong vòng 14 ngày sẽ bị cấm nhập cảnh vào Nhật. Tới đây Nhật cũng có thể sẽ cấm đến và đi với một số nước Đông Nam Á và châu Phi, Asahi dẫn một số nguồn tin chính phủ đề nghị không nêu tên.
Công dân Nhật ở nước ngoài sẽ không bị ảnh hưởng vì lệnh cấm này. Chính phủ Nhật chưa bình luận.
Hiện tại Nhật chỉ mới cấm công dân từ một số địa phương ở Hàn Quốc, Trung Quốc, một số nước châu Âu nhập cảnh, và yêu cầu cách ly hai tuần với những người nước ngoài đến từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Người dân đi qua biểu tượng Olympic Tokyo tại Tokyo (Nhật). Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, ở Nhật đang có lo ngại Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc - một bước đi mở đường cho việc phong tỏa thủ đô Tokyo.
“Chúng ta đang ở thời điểm quyết định về việc cân nhắc ban hành tình trạng khẩn cấp” - Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga nói khi họp báo về COVID-19 ngày 30-3.
Theo nhà kinh tế trưởng Hideo Kumano tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, Tokyo bị phong tỏa một tháng có thể làm kinh tế Nhật mất 5.100 tỉ yen (47 tỉ USD) - gần 1% GDP.
Theo Reuters, đảng Tự do dân chủ cầm quyền đang soạn thảo chi tiết một gói giải cứu khổng lồ, tới 100.000 tỉ yen (926 tỉ USD) - tương đương 16%-17% sản lượng kinh tế đất nước để giúp nền kinh tế. Chính phủ Nhật cũng có kế hoạch bán trái phiếu thu về 16.000 tỉ yen để hỗ trợ kinh tế. Đảng Tự do dân chủ sẽ hoàn tất đề xuất vào ngày mai và trình Thủ tướng Abe.
Gói giải cứu này có quy mô lớn hơn cả gói giải cứu thời kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng 2008-2009 (57.000 tỉ yen).
Tới tối 30-3 Nhật đã có 1.866 ca nhiễm với 56 người chết. Con số này không bao gồm 712 ca nhiễm với 10 người chết trên du thuyền Diamond Princess đậu ở gần Tokyo tháng trước.
Ấn Độ đang có 1.071 ca nhiễm với 29 người chết, theo số liệu từ Bộ Y tế nước này ngày 30-3. Các con số này vẫn khiêm tốn so với các ổ dịch lớn Mỹ, Ý, Trung Quốc, Tây Ban Nha…, nhưng các quan chức y tế Ấn Độ chỉ còn cách làn sóng nhiễm khổng lồ có thể gây quá tải hệ thống y tế chỉ vài tuần nữa.
Đeo khẩu trang cho cả chó, tại TP Chennai, bang Tamil Nadu (Ấn Độ) ngày 30-3. Ảnh: REUTERS
Theo TS S.K. Singh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Ấn Độ, nguy cơ lớn nhất là vì Ấn Độ quá đông dân, lượng dân di chuyển thường xuyên quá lớn.
Tình hình tuân thủ lệnh phong tỏa 21 ngày (đến ngày 15-4) vẫn chưa hoàn toàn nghiêm túc, dù cảnh sát kiểm soát rất nghiêm. Reuters dẫn thông tin từ nhà chức trách ngày 30-3 cho biết cảnh sát ở TP Jurat, bang Gujarat đã phải bắn đạn cay để giải tán đám đông cả 500 người lao động nhập cư tập trung ném đá phản đối lệnh phong tỏa làm hàng trăm ngàn người mất việc và đói. Đến ngày 30-3, 93 người bị bắt vì vi phạm lệnh phong tỏa.
Lao động nhập cư bị cảnh sát phát hiện khi ngồi trên một xe tải đông lạnh cố gắng từ New Deldi trở về nhà, ngày 30-3. Ảnh: REUTERS
Tại các TP lớn như Delhi, Mubai, hàng trăm ngàn người lao động nhập cư nghèo mất việc, đang tìm mọi cách trở về quê nhà, thậm chí bằng cả đi bộ. Nhiều người đi bộ nhiều ngày, nhiều gia đình mang theo cả trẻ em, trong điều kiện thiếu đồ ăn, nước uống.
Indonesia tới tối 30-3 có 1.414 ca nhiễm với 122 người chết. Số người chết ở Indonesia chiếm gần một nửa số người chết ở Đông Nam Á (250), trong khi số ca nhiễm chưa tới 1/5.
Ngày 30-3 Tổng thống Joko Widodo cho biết ông có kế hoạch ra các quy định khắt khe hơn về đi lại và giữ khoảng cánh xã hội.
“Tôi yêu cầu việc hạn chế giao tiếp xã hội, giữ khoảng cách phải được thực hiện nghiêm khắc hơn, kỷ luật hơn, hiệu quả hơn” - ông Widodo nói trong cuộc họp nội các ngày 30-3.
Một người rửa tay bên kệ hình Tổng thống Joko Widodo, ở TP Yogyakarta (Indonesia) ngày 30-3. Ảnh: REUTERS
Phần lớn ca nhiễm tập trung ở và xung quanh thủ đô Jakarta. TP 10 triệu dân này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa trường học, địa điểm giải trí, nhưng vẫn chưa hoàn toàn phong tỏa cộng cộng.
Các chuyên gia y tế nói đất nước đông dân thứ tư thế giới phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại chặt hơn nữa.
Tới giờ ông Widodo vẫn kiềm chế phong tỏa hoàn toàn như một số nước Đông Nam Á khác đã làm, như Philippines, Malaysia, Thái Lan. Tuy nhiên, có vẻ ông Widodo đang băn khoăn khả năng này, trong bối cảnh vừa có một nghiên cứu trình lên chính phủ cảnh báo số người chết ở Indonesia có thể sẽ hơn 140.000 vào tháng 5 nếu nước này không mạnh tay hơn, theo Reuters.
Một nghiên cứu của Đại học Indonedia trình lên chính phủ ngày 27-3 nói nước này có thể chọn lựa ba giai đoạn can thiệp: nhẹ, vừa, và cao.
Mức can thiệp 1: Giữ khoảng cách xã hội không bắt buộc và hạn chế đám đông. Với mức can thiệp này, Indonesia sẽ có 1,5 triệu người nhiễm trong đó 140.000 người chết vào tháng 5. Theo nhà nghiên cứu Pandu Riono, các biện pháp Indonesia áp dụng hiện tại chỉ mới ở mức 1.
Indonesia sẽ kiểm soát được dịch khả quan nếu áp dụng mức can thiệp 3, bao gồm xét nghiệm quy mô lớn và biến việc giữ khoảng cách xã hội thành việc mang tính bắt buộc.