Đại dịch COVID-19 bắt đầu từ Trung Quốc cuối năm ngoái, nhanh chóng lan ra toàn cầu với khoảng 34.000 người chết và gần 724.000 người nhiễm tính đến lúc này, theo số liệu từ trang web thống kê Worldometters.
Không chỉ gây tổn thất về nhân mạng, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế, rối loạn xã hội, đảo lộn sinh hoạt, đại dịch COVID-19 còn giáng một đòn nặng vào kinh tế, sinh kế của người dân khắp nơi trên thế giới.
Giàu nghèo gì cũng khóc
Tại Mỹ và cả toàn cầu, các thị trường chứng khoán toàn cầu chung một đường đi xuống không phanh, dù các nước có biện pháp nhưng không can thiệp nổi.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA – đại diện 290 hãng hàng không thế giới), ngành công nghiệp hàng không toàn cầu rất cần các chính phủ giúp đỡ từ 150 tỉ USD – 200 tỉ USD để có thể sống sót qua cơn dịch này. Mà dù có được giải cứu đi nữa thì dịch COVID-19 cũng làm thay đổi cấu trúc ngành công nghiệp này, với nhiều hãng hàng không phải phá sản, hoặc sáp nhập với nhau để nương tựa nhau.
Không chỉ các hãng hàng không, theo tạp chí Forbes, các doanh nghiệp dù quy mô thế nào cũng sẽ bị rủi ro.
Làm việc tại nhà ở New York (Mỹ). Ảnh: AP
Tạm bỏ qua những con số khổng lồ và có phần mơ hồ để nhìn rõ hơn thực tại khốn khổ của rất rất nhiều con người bình thường mùa dịch. Forbes cũng nhận định người có thu nhập thấp sẽ là bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin lo ngại COVID-19 sẽ tàn phá kinh tế tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông cảnh báo COVID-19 có thể làm tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên đến 20%, nếu chính phủ không can thiệp. Trước mắt tại Mỹ tuần rồi kỷ lục tới 3,3 triệu người đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Hai việc cần làm khi có dịch là đảm bảo đủ thực phẩm, theo dõi cơ thể và đến gặp bác sĩ khi có triệu chứng bệnh. Với rất nhiều gia đình người nhập cư thu nhập thấp ở Mỹ thì đây là điều khó có thể thực hiện được.
Nhân viên tại các phòng khám y tế cộng đồng xét nghiệm và điều trị cho người nhập cư thu nhập thấp không đủ tiền đến gặp bác sĩ tư, tại TP Fridley, bang Minnesota (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES
Tại Mỹ khoảng 8% công dân không có bảo hiểm, nhưng tỷ lệ này ở dân nhập cư có thẻ thường trú nhân lên tới 23%, còn với bộ phận người nhập cư trái phép thì tỷ lệ này lên tới 45%, theo thống kê năm 2019 của tổ chức phi lợi nhuận về chăm sóc sức khỏe Quỹ Gia đình Kaiser (Mỹ).
Hiện Mỹ vẫn chưa có luật miễn phí xét nghiệm COVID-19 dù Quốc hội Mỹ đã tính tới, chứ chưa nói đến phí điều trị. Báo Huffington Post cho biết cho phí xét nghiệm ở bệnh viện đại học Washington ở TP Seattle (bang Washington) tới 250USD/lần với người không có bảo hiểm. Còn ở bang California thì người không có bảo hiểm phải trả khoảng từ 100USD-200USD. Với người nghèo, chi phí một lần xét nghiệm bằng cả nửa tháng tiền ăn cho cả gia đình họ.
Bác sĩ đo huyết áp cho một người tị nạn từ Myammar tại TP Fort Collins, bang Colorado (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES
Tôi cũng muốn ở nhà phòng dịch, nhưng…
Tại Brazil, những ngày này đường phố Sao Paulo (TP lớn nhất nước) gần như vắng lặng, sau khi chính phủ yêu cầu 12 triệu dân ở trong nhà. Tuy nhiên anh Erik Thiago vẫn đều đặn ra khỏi nhà trong một khu ổ chuột ở ngoại ô phía nam và bám mặt đường mỗi ngày với công việc giao hàng để kiếm tiền nuôi gia đình.
Năm nay 22 tuổi, có vợ đang mang thai, anh Thiago nói anh sẽ phải tiếp tục công việc này và chỉ dừng lại khi nào nhiễm bệnh.
Dù dịch COVID-19, Thiago 22 tuổi vẫn bươn ra đường đi giao hàng kiếm tiền nuôi gia đình, tại Sao Paolo (Brazil) ngày 27-3. Ảnh: REUERS
Phương tiện di chuyển của anh là chiếc xe đạp mẹ anh tặng 2 năm trước. Tất cả những gì Thiago có để gọi là phòng dịch chỉ là 1 chai nước rửa tay khô để sử dụng giữa những lần giao hàng, không có cái khẩu trang nào. Thiago cũng biết mình có nguy cơ lây nhiễm cực cao. Tuy nhiên anh vẫn quyết định tiếp tục làm việc để dành chút tiền “phòng khi tình hình còn tệ hơn”.
Thiago nhận đơn giao hàng từ app công nghệ Rappi. Ngày nhận nhiều đơn, Thiago kiếm được khoảng 20 USD. Tuy nhiên không phải ngày nào cũng thế. Trong 5 tiếng đồng hồ theo đuôi Thiago, phóng viên hãng tin Reuters thấy anh chỉ kiếm được chưa tới 6 USD, mà phần lớn trong đó là tiền khách cho thêm.
“Trước dịch thì chẳng có ai cho thêm đâu. Giờ thỉnh thoảng khi thấy tôi trên đường, mọi người cũng cám ơn công việc của tôi” – anh Thiago nói với Reuters.
Thiago nghỉ mệt và kiểm tra điện thoại giữa những lần đi giao hàng, tại Sao Paolo (Brazil) ngày 27-3. Ảnh: REUERS
Nhưng cũng không ít lần Thiago phải tủi thân. Có lần anh nhận giao một đơn hàng gồm 3 quả cà chua, 1 quả ớt ngọt vàng, 2 củ khoai tây, một ít thịt xông khói, 1 gói nước sốt từ một siêu thị. Khi kiểm tra điểm đến thì đó là một ngôi nhà cách siêu thị chỉ 30m. Người nhận là một kỹ sư phần mềm cũng tầm tuổi Thiago, nói rằng mình ở trong nhà và đặt hàng từ xa để an toàn.
“Tôi không tức giận gì đâu, đó là đặc quyền của cậu ấy. Tôi cũng muốn ở nhà phòng dịch, nhưng…” – Thiago nói với Reuters.
Heo, gà, vịt gì cũng đã ăn sạch cả rồi
Tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) – nơi có ca COVID-19 đầu tiên trên thế giới, hàng triệu người mất thu nhập và chìm vào cảnh nợ nần.
Anh Cao và gia đình đi làm ăn xa và trở về Hồ Bắc để đón Tết Nguyên đán hồi cuối tháng 1 và rồi chính quyền áp lệnh phong tỏa toàn tỉnh để chống dịch.
TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) – nơi xuất phát dịch COVID-19 – bị phong tỏa từ tháng 1. Ảnh: THX
Trước dịch anh Cao - hơn 30 tuổi - làm tài xế xe công nghệ ở tỉnh Quảng Đông. Giờ không có nguồn thu, anh Cao phải dùng tới thẻ tín dụng trả góp mỗi tháng 3.000 nhân dân tệ (428USD) cho chiếc ô tô anh mua hồi tháng 10-2018.
“Nhìn chung thì mọi thanh niên trong làng tôi đều đang nợ nần, người nợ tiền mua chỗ ở, người nợ mua xe, thậm chí nợ mua điện thoại” – báo South China Morning Post dẫn lời anh Cao.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy sợ như vậy. Anh rể tôi nói nếu nhà chức trách không cho chúng tôi đi làm lại vào đầu tháng 4 anh ấy sẽ tìm cách trốn đi vì cảnh không có tiền nuôi gia đình và trả nợ còn kinh khủng hơn là virus” – anh Cao nói.
Vợ chồng người chị anh Cao phải nuôi 2 con gái và 3 người già. Tháng rồi vợ chồng người chị phải mượn 5.000 nhân dân tệ (713USD) từ anh Cao để trả tiền góp căn hộ mình mua ở Quảng Đông.
Một tài xế tên Zhang Liang thì chìm trong nợ nần vì dịch đến không lâu sau khi anh vay tiền mua 1 chiếc xe tải làm ăn.
“Hai tháng qua, các huyện, thị trấn, làng khắp Hồ Bắc đều hoang vắng và im lặng, mọi con đường đều bị phong tỏa và bị canh gác ngày đêm. Tất cả chúng tôi sống trong sợ hãi. Tôi chắc chắn sẽ bị mất việc khi trở lại Thâm Quyến vì cơ sở làm đẹp nơi tôi làm đã đóng cửa. Nhưng mỗi tháng tôi vẫn phải trả 3.800 nhân dân tệ (542USD) tiền vay mua nhà” – cô Gao Minghui 28 tuổi than thở.
“Chúng tôi gồm khoảng hơn 400 người cùng tham gia một nhóm trò chuyện trên phần mềm WeChat, toàn người làng tôi cả. Các thanh niên thì ngày nào cũng nói họ muốn đi làm, toàn bộ heo, vịt, gà cũng đã ăn sạch hết cả rồi” – cô Gao nói thêm.
Hiện Hồ Bắc đã nới lỏng phong tỏa một phần, cũng là may mắn với nhiều người như gia đình anh Cao.
Cuộc sống Vũ Hán đang dần trở lại bình thường. Ảnh: EPA
Tại Bắc Kinh, mỗi sáng bước ngang một chốt kiểm soát COVID-19 trong khu mình ở, bà Wang Yimeng 64 tuổi đều hỏi cùng một câu: “Bao giờ các chốt kiểm soát được dỡ đi? Chừng nào tôi có thể dọn hàng ăn sáng của tôi ra bán lại?”.
Bà Wang nuôi gia đình bằng kệ hàng bán bánh trứng cho người đi làm mỗi sáng.Trước dịch, mỗi tháng bà Wang kiếm được khoảng 2.000 nhân dân tệ (chưa tới 300USD), đủ tiền mua đồ ăn cho gia đình và mua thuốc cho người chồng bị liệt.
Người dân Bắc Kinh đi lặng lẽ trên con phố vốn đông khách du lịch gần quảng trường Thiên An Môn ngày 28-3. Ảnh: GETTY IMAGES
Giờ nguồn thu này không còn, nhưng bà Wang vẫn lạc quan: “Tôi không phàn nàn gì cả, vì chúng tôi vẫn còn may hơn những người đã chết vì dịch. Tôi chỉ cầu cuộc sống trở lại bình thường càng sớm càng tốt”.
Gấp rút cứu dân
Trong bối cảnh người dân khắp nơi khó khăn mùa dịch, nhiều nước đã kịp thời ra các gói giải cứu.
Tại Mỹ ngày 27-3 Tổng thống Donald Trump ký ban hành gói giải cứu lịch sử trị giá 2.200 tỉ USD. Trong đó 290 tỉ USD sẽ được chi phát trực tiếp cho dân. Mỗi người dân Mỹ trưởng thành sẽ được nhận 1.200 USD, mỗi trẻ em sẽ được nhận 500 USD, trừ những người giàu thu nhập hơn 99.000 USD/năm. Mỹ cũng dành 260 tỉ USD hỗ trợ người thất nghiệp, dành 377 tỉ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump rất nhanh đã ký ban hành gói giải cứu lịch sử trị giá 2.200 tỉ USD ngay sau khi Quốc hội thông qua, ngày 27-3. Ảnh: ABCNEWS
Anh cũng thông báo gói giải cứu 330 tỉ Bảng (400 tỉ USD) hỗ trợ các doanh nghiệp có nguy cơ sụp đổ. Pháp cho biết sẽ bơm 45 tỉ euro (50 tỉ USD) giúp các công ty và người lao động.
Tại Singapore, chiều 26-3 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat thông báo sẽ thực hiện gói giải cứu thứ hai trị giá tới 48 tỉ đô Singapore. Gói giải cứu thứ nhất được thực hiện hồi tháng 2, trị giá 4 tỉ USD.
Gói 48 tỉ đô chủ yếu được dùng hỗ trợ người lao động trong các doanh nghiệp, người lao động tự do, người thất nghiệp, lao động thu nhập thấp.
Những người mất việc làm vì COVID-19 sẽ được hỗ trợ 800 đô/tháng trong ba tháng, trong thời gian họ tìm việc mới. Lao động tự do có nộp thuế sẽ được nhận 1.000 đô/tháng, trong vòng chín tháng. Lao động thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ 3.000 đô tiền mặt.
Tất cả người trưởng thành ở Singapore (từ 21 tuổi trở lên) đều sẽ được nhận 300-600-900 đô/tháng, tùy thu nhập hiện tại. Các gia đình có ít nhất một con từ 20 tuổi trở xuống sẽ được nhận thêm 300 đô/tháng. Mỗi gia đình thu nhập thấp sẽ được nhận thêm một phiếu mua hàng trị giá 300 đô/năm, áp dụng với năm nay và năm sau.
Tại Hàn Quốc, ngày 30-3, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố gói cứu trợ thảm họa theo đó sẽ phát tiền khẩn cấp cho hầu hết các gia đình. Hàn Quốc cũng sẽ thông qua một gói giải cứu thứ hai vào tháng tới, dành hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ.
Cụ thể, mỗi hộ gia đình (trừ các gia đình nằm trong nhóm 30% có thu nhập cao ở Hàn Quốc) sẽ được nhận 1 triệu won (816USD).