Ngày 27-3, ngay sau khi được Hạ viện thông qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump rất nhanh đã ký ban hành gói giải cứu lịch sử trị giá 2.200 tỉ USD hỗ trợ nền kinh tế bị khủng hoảng do đại dịch COVID-19.
Tổng thống Mỹ Donald Trump rất nhanh đã ký ban hành gói giải cứu lịch sử trị giá 2.200 tỉ USD ngay sau khi Quốc hội thông qua, ngày 27-3. Ảnh: ABCNEWS
Vậy gói giải cứu lịch sử này có những nội dung gì? Hãng tin Reuters liệt kê một số nội dung chính. Chi phí ước tính cho từng nội dung do Ủy ban vì một Ngân sách liên bang có trách nhiệm cung cấp.
Phát tiền trực tiếp cho dân
Mỗi người dân Mỹ trưởng thành sẽ được nhận 1.200 USD, mỗi trẻ em sẽ được nhận 500 USD. Tuy nhiên, mức tiền phát sẽ giảm dần với những người kiếm được hơn 75.000 USD/năm. Chính sách phát tiền này sẽ không áp dụng với những người kiếm được hơn 99.000 USD/năm.
Ước tính chương trình này sẽ tốn 290 tỉ USD.
Tăng hỗ trợ người thất nghiệp
Số tiền chi giúp người lao động thất nghiệp sẽ tăng thêm 600 USD/tuần. Các công nhân bị sa thải sẽ được nhận khoản tiền này trong 4 tháng. Các khoản trợ cấp thất nghiệp thông thường - thường hết hiệu lực sau 6 tháng ở hầu hết các bang - giờ sẽ được kéo dài thêm 13 tuần nữa.
Các lao động tự do (có nộp thuế), các nhà thầu độc lập và những ai không đủ điều kiện xin trợ cấp thất nghiệp đều được choàng trong chương trình này. Chính phủ Mỹ cũng sẽ phụ với các doanh nghiệp một phần tiền lương cho những người lao động phải làm ít giờ lại, nhằm khuyến khích người sử dụng lao động tránh bị sa thải.
Chương trình này sẽ tốn khoảng 260 tỉ USD.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (giữa), lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa Kevin McCarthy (trái) và lãnh đạo phe đa số Dân chủ Steny Hoyer (phải) cùng giới thiệu văn bản dự luật hỗ trợ kinh tế vượt qua khủng hoảng COVID-19 với gói giải cứu 2.200 tỉ USD tại Quốc hội Mỹ ngày 27-3. Ảnh: REUTERS
Các khoản vay và trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ
Các khoản vay của các doanh nghiệp có ít hơn 500 nhân viên có thể sẽ được xóa một phần nếu tiền vay được dùng để trả lương nhân viên, trả tiền thuê cơ sở, tiền lãi cầm cố, hay các chi phí thiết yếu khác. Các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể sẽ được trợ cấp khẩn cấp.
Chi phí dành cho chính sách này khoảng 377 tỉ USD.
Giúp các hãng hàng không, các doanh nghiệp lớn
Ngoài gói giải cứu 2.200 tỉ USD ông Trump vừa ký thì Cục Dự trữ liên bang đang đề xuất một chương trình mới chi 4.500 tỉ USD cho các doanh nghiệp, các bang, các TP vay - một khi các đối tượng này không kiếm ra nguồn tài chính nào.
Gói giải cứu 2.200 tỉ USD ông Trump vừa ký này lập ra một quỹ để hỗ trợ chương trình này của Cục Dự trữ liên bang.
Theo đó, các công ty được nhận tiền từ quỹ này sẽ không thể tham gia mua lại cổ phiếu và sẽ phải giữ lại ít nhất 90% nhân viên của mình cho đến cuối tháng 9. Các công ty này cũng không được tăng lương cho các nhân sự điều hành hơn 425.000 USD/năm. Và những nhân sự kiếm được hơn 3 triệu USD/năm có thể sẽ phải giảm lương.
Việc sử dụng quỹ này sẽ được một tổng thanh tra và một ban giám sát của Quốc hội theo dõi. Bộ trưởng Tài chính phải công khai cách thực hiện.
Các doanh nghiệp do Tổng thống Trump hay các quan chức chính phủ, hay các thành viên Quốc hội, hay người thân của họ sở hữu sẽ không được nhận hỗ trợ từ quỹ này.
Sẽ có các khoản vay được dành riêng cho các hãng hàng không, các hãng vận tải hàng không, các nhà thầu hàng không và các doanh nghiệp có tầm quan trọng trong duy trì an ninh quốc gia.
Tổng chi phí ước tính: 504 tỉ USD.
Trợ cấp cho các hãng hàng không
Các hãng hàng không, các hãng vận tải hàng không, các nhà thầu hàng không cũng có thể được trợ cấp và được choàng chi phí tiền lương nhân viên. Các hãng phải duy trì dịch vụ và mức nhân viên, không được mua lại cổ phiếu hay trả cổ tức. Các nhân sự điều hành có lương trên 425.000 USD/năm sẽ không được tăng lương trong 2 năm. Các nhân sự kiếm được hơn 3 triệu USD/năm sẽ phải giảm lương.
Chi phí ước tính cho chương trình này: 32 tỉ USD.
Chi cho các bang, các bệnh viện và ngành giáo dục
150 tỉ USD sẽ được chi cho các chính quyền bang, các chính quyền địa phương, các chính quyền bộ lạc người Mỹ bản địa.
100 tỉ USD chi cho các bệnh viện và các thành phần khác của hệ thống y tế.
16 tỉ USD chi mua máy trợ thở, khẩu trang và các đồ dùng y tế khác.
11 tỉ USD chi nghiên cứu sản xuất vaccine và các hình thức chuẩn bị y tế khác.
4,3 tỉ USD chi về Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh.
45 tỉ USD chi cho công tác giảm nhẹ thảm họa.
30 tỉ USD chi cho giáo dục.
25 tỉ USD chi cho các hệ thống giao thông công cộng.
10 tỉ USD chi cho Dịch vụ Bưu chính Mỹ.
1 tỉ USD chi cho dịch vụ xe lửa hành khách.
10 tỉ USD chi cho các sân bay.
Giảm thuế
50% tiền thuế quỹ lương (loại thuế mà người sử dụng lao động giữ lại từ tiền lương của nhân viên và trả cho chính phủ thay cho nhân viên) sẽ được hoàn trả cho các doanh nghiệp bị COVID-19 ảnh hưởng, để khuyến khích chủ lao động giữ nhân viên. Người sử dụng lao động cũng có thể được hoãn trả thuế quỹ lương nếu cần thiết. Chi phí cho chương trình này là 67 tỉ USD.
Nới lỏng các khoản khấu trừ thuế. Ước tính chi phí: 210 tỉ USD.
Ngưng phạt những người muốn lấy tiền hưu sớm. Chi phí ước tính: 5 tỉ USD.
Giảm thuế để khuyến khích các khoản khấu trừ từ thiện và khuyến khích các nhà tuyển dụng giúp trả các khoản vay sinh viên. Chi phí ước tính: 3 tỉ USD.
Miễn thuế liên bang với mặt hàng cồn sử dụng để làm nước rửa tay.
Kích thích chi tiêu cần thiết
42 tỉ USD chi cho tăng chi tiêu tem phiếu thực phẩm và đồ dinh dưỡng trẻ em.
12 tỉ USD cho các chương trình nhà ở.
45 tỉ USD cho các dịch vụ trẻ em và gia đình.
Một số nội dung khác như cấm tịch thu các khoản thế chấp được liên bang ủng hộ đến giữa tháng 5; cấm các chủ nhà đuổi người thuê theo chương trình nhà ở liên bang trong 4 tháng.