Theo số liệu từ trang web thống kê Worldometters, số người chết vì COVID-19 ở Mỹ tính tới khuya 25-3 (giờ địa phương) đã là 1.032, tăng kỷ lục tới 350 người chỉ trong 24 giờ. Số người nhiễm hiện lên tới 68.489, tăng kịch tính hơn 16.000 ca chỉ trong 24 giờ.
Tổng số ca nhiễm ở Mỹ đang tiến đến rất sát số ca nhiễm của nước có dịch nghiêm trọng thứ hai thế giới - Ý (đang có 74.386 ca) và nước có dịch nghiêm trọng nhất thế giới - Trung Quốc (đang có 81.285 ca).
Di chuyển một bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở quận Manhattan, TP New York, bang New York (Mỹ) ngày 25-3. Ảnh: REUTERS
Với diễn biến xấu quá nhanh này, dự báo ngày 24-3 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là Mỹ có thể trở thành tâm dịch mới của thế giới hoàn toàn có khả năng trở thành sự thật.
New York có tín hiệu ổn dần
Bang New York vẫn là tâm dịch của Mỹ với 30.800 ca nhiễm. Trong đó, TP New York đã có tới hơn 20.000 ca nhiễm và 280 người chết - chiếm hơn 1/4 tổng số người chết cả nước.
Dù tình hình vẫn đang rất căng nhưng Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo cho rằng đã có dấu hiệu cho thấy đà lây lan dịch sẽ chậm lại.
Tỉ lệ người nhập viện ở New York chậm lại trong những ngày gần đây, với những số liệu quá tốt đến không dám tin, theo lời ông Cuomo. Số người nhập viện các ngày 22, 23, 24-3 liên tục giảm dần.
Di chuyển một bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở quận Manhattan, TP New York, bang New York (Mỹ) ngày 25-3. Ảnh: REUTERS
Theo ông Cuomo, đây là tín hiệu cho thấy hướng dẫn “giữ khoảng cách xã hội” đã bắt đầu có hiệu quả. Ngày 25-3, TP New York đã ngưng các loại hình giao thông, cấm xe cộ tại một số tuyến đường lớn, chỉ cho phép người dân đi bộ với khoảng cách an toàn 2 m.
Ông Cuomo cũng hoan nghênh 40.000 bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế về hưu gia nhập lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, ông Cuomo vẫn tiếp tục kêu gọi thêm tình nguyện viên y tế trước lượng người nhiễm quá đông.
Xét nghiệm vẫn là thách thức với New York và cả nước. Tại nhiều bệnh viện ở TP New York hằng ngày vẫn có hàng dài người mang khẩu trang xếp hàng chờ được xét nghiệm.
New Orleans đang trên đường thành tâm dịch mới ở Mỹ
TP New Orleans ở bang Lousianna có nguy cơ trở thành tâm dịch kế tiếp của Mỹ, khi tỉ lệ tử vong ở đây thuộc hàng cao nhất thế giới.
Tính tới chiều 25-3, cả bang Lousianna có 1.750 ca nhiễm, trong đó New Orlands chiếm tới 70%. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới ở New Orleans trong 24 giờ qua tăng tới 30%. Tình hình New Orleans dập tắt hy vọng rằng các địa phương ít dân và có khí hậu ấm có thể tránh được dịch nghiêm trọng.
Tính đến ngày 25-3 đã có ít nhất 21 bang - tương đương hơn nửa dân số Mỹ (330 triệu dân) phong tỏa đi lại.
Ngày 25-3, ông Trump tiếp tục tuyên bố thảm họa với các bang Texas và Florida. Hai bang Lousianna và Iowa đã được đặt vào tình trạng thảm họa ngày 24-3. Ba bang có dịch nặng nhất là New York, California, Washington cũng đã được đặt vào tình trạng thảm họa trước đó. Với tình trạng thảm họa, các bang này sẽ nhận nhiều hỗ trợ hơn từ chính phủ liên bang.
Chuẩn bị một nhà xác di động cho người chết vì COVID-19 phía sau một bệnh viện ở quận Manhattan, TP New York, bang New York (Mỹ) ngày 25-3. Ảnh: REUTERS
Chuẩn bị cho viễn cảnh xấu nhất, hiện các bang New York, North Carolina và Hawaii đã yêu cầu Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang gửi thêm nhân viên phụ trách nhà xác để có thể đối phó một khi số người chết tăng thêm.
Không có triển vọng giảm trong ba tuần tới
Nhiều quan chức hàng đầu Bộ Quốc phòng cảnh báo dịch sẽ tồn tại ở Mỹ ít nhất ba tháng tới. Ngày 24-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ước tính COVID-19 sẽ hoành hành nước Mỹ ít nhất 10 tuần nữa. Còn Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - tướng Mark Milley thì dự đoán dịch có thể sẽ kéo dài thêm 12 tuần.
Trong ngày 25-3, quân đội Mỹ cho tạm ngưng mọi hoạt động của các lực lượng Mỹ ở nước ngoài 60 ngày.
Giúp một cụ bà từ một nhà dưỡng lão ở TP Woodbridge, bang New Jersey (Mỹ) đón xe buýt về nhà ngày 25-3. Ảnh: REUTERS
Đài Fox News dẫn lời một bác sĩ hàng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định dịch không có triển vọng giảm trong ba tuần tới. Chưa hết ông lo ngại dịch sẽ còn bùng phát mạnh hơn nếu các hạn chế bị dỡ bỏ tháng tới.
“Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến đà tăng này, không có gì ngạc nhiên cả” - Chuẩn tướng, BS Paul Friedrichs nhận định.
Fox News có hỏi BS Friedrichs rằng ý kiến dỡ bỏ các hạn chế vào dịp lễ Phục sinh tới (12-4) có nên không.
“Tôi không nghĩ chuyện nói về một ngày cụ thể có giá trị gì, điều tôi mong chờ từ mọi người là lo lắng về hôm nay. Vì nếu chúng ta ngừng làm điều đúng đắn hôm nay, chúng ta nghĩ sẽ có điều gì đó xảy tới trong bốn tuần tới, chúng ta sẽ khiến tình hình tệ hơn” - BS Friedrichs trả lời.
“Tôi không nghĩ chuyện ngày nào đó mọi thứ tốt hơn là quan trọng. Quan trọng là điều chúng ta làm lúc này để giảm nhẹ dịch” - BS Friedrichs nói thêm.
Thượng viện thông qua gói giải cứu lịch sử 2.000 tỉ USD
Ý kiến dỡ bỏ các hạn chế và khôi phục các hoạt động kinh tế sau thời điểm lễ Phục sinh ngày 12-4 được Tổng thống Donald Trump đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News ngày 24-3.
Ông Trump nói rằng không muốn nhìn thấy kinh tế tiếp tục suy giảm vì dịch, không muốn kinh tế Mỹ gặp “vấn đề tài chính lâu dài”. Ông Trump còn nói ông lo sẽ có hàng ngàn người tự sát ở Mỹ vì khó khăn kinh tế, nhiều hơn cả chết vì COVID-19.
“Chúng ta mất hàng ngàn người mỗi năm vì cúm. Đừng làm tê liệt đất nước. Chúng ta mất nhiều hơn thế nữa vì các tai nạn ô tô. Chúng ta không gọi các hãng ô tô và yêu cầu ngưng sản xuất xe. Chúng ta phải trở lại công việc” - ông Trump nói với Fox News.
Vệ sinh xe cứu thương sau khi đưa một bệnh nhân COVID-19 vào viện ở TP Kirkland, quận King, bang Washington (Mỹ) ngày 24-3. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, nhiều chuyên gia y tế vẫn cho rằng mở cửa lại doanh nghiệp và trường học lúc này là quá sớm và có rủi ro tiếp thêm đà lây lan dịch, làm quá tải hệ thống y tế vốn đã rất căng thẳng với tình trạng thiếu thiết bị và nhân sự, và cuối cùng vẫn chỉ làm xấu hơn kinh tế.
Nhưng ông Trump nói rằng “nếu để cho các bác sĩ quyết thì họ sẽ nói đóng cửa toàn thế giới”.
Khuya 25-3, với sự đồng thuận tuyệt đối, Thượng viện Mỹ thông qua gói giải cứu trị giá 2.000 tỉ USD để giúp người dân, doanh nghiệp và hệ thống y tế đương đầu COVID-19. Đây là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ, lớn hơn tổng giá trị gói giải cứu các ngân hàng chịu tác động của cuộc đại suy thoái năm 2008 và các chính sách thúc đẩy hồi phục kinh tế năm 2009 cộng lại.