Hai mặt trận lớn của Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19

Mỹ thông báo có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên hồi tháng 1 - một nam giới về từ Trung Quốc. Chưa tới 2 tháng sau, ngày 18-3 (giờ địa phương), Mỹ thông báo nước này đã có tới 149 người chết và hơn 8.700 ở tất cả 50 bang, thủ đô Washington D.C., vùng lãnh thổ Puerto Rico, quần đảo Virgin thuộc Mỹ.

Washington vẫn là bang nhiều người chết nhất (67), tiếp đó là New York (21) và California (17).  Tại bang New Jersey, một gia đình có tới 7 người nhiễm và 3 người đã không qua khỏi, theo tin từ báo New York Times. 80% người chết là từ 65 tuổi trở lên.

Bang Washington đứng đầu về số người chết. Ảnh: REUTERS

Số ca nhiễm tăng tới 40% chỉ trong vòng 24 giờ. Ngày 18-3 là ngày Mỹ có số ca nhiễm mới nhiều nhất từ đầu dịch: Hơn 2.300 ca chỉ từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, trong đó bang New York có tới hơn 1.200 ca nhiễm mới chỉ trong 12 tiếng (riêng TP New York có hơn 500 ca). Hiện bang New York đứng đầu về số ca nhiễm (hơn 2.900).

Lịch sử sẽ không tha thứ nếu chậm trễ

Có thể thấy số người chết, người nhiễm tăng cao mỗi ngày và thay đổi chóng mặt hàng giờ. Nhà chức trách y tế Mỹ dự báo số ca nhiễm sẽ còn tăng một khi số người đi xét nghiệm nhiều hơn.

“Chúng ta sẽ thấy số người có kết quả nhiễm tăng kịch tính trong 4 đến 5 ngày tới” - Tiến sĩ Deborah Birx, thành viên đội phản ứng chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng, nói trong cuộc họp báo ngày 18-3.

Bất kể dịch COVID-19, bãi biển TP Clearwater ở bang Florida (Mỹ) vẫn đầy người ngày 17-3. Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh này, các quan chức y tế và các lãnh đạo chính trị thi nhau ra các biện pháp nhằm kiềm chế dịch bệnh, không gây quá tải hệ thống y tế Mỹ.

Một trọng tâm của các nhà chức trách y tế lúc này là kêu gọi ý thức phòng lây nhiễm của người dân và làm sao có đủ thiết bị y tế, giường bệnh, đủ bác sĩ, y tá để ứng phó cứu chữa bệnh nhân.

Hai yếu tố chính khiến đại dịch thêm nguy hiểm, đặc biệt ở Mỹ: Người nhiễm không có triệu chứng gì vẫn có thể lan truyền virus cho người khác, và bất cập trong vấn đề xét nghiệm ở Mỹ. Đó là lý do tại sao chuyện một người – dù không cảm thấy có triệu chứng gì – vẫn nên duy trì khoảng cách xa người khác ít nhất 2 m, tránh mọi tụ tập xã hội.

Từ đầu tuần này, chính phủ liên bang đã yêu cầu dân không tập trung hơn 10 người. Các thống đốc, các thị trưởng đang nỗ lực hết sức kêu gọi dân giữ khoảng cách với nhau. Số bang áp dụng lệnh phong tỏa càng nhiều.  

Ngày 18-3, Thống đốc bang New York – ông Andrew Cuomo ra sắc lệnh yêu cầu các doanh nghiệp phải cho ít nhất 50% nhân viên làm việc ở nhà. Tại hàng loạt bang - Utah, Ohio, New York, New Jersey và Louisiana - nhà hàng, quán bar không được mở cửa.

Quảng trường Times Square ở TP New York mùa dịch COVID-19. Ảnh: GETTY IMAGES

Khoảng 8 triệu người tại Bắc California phải chịu cảnh “trú ẩn tại chỗ”, không ra khỏi nhà. Tại Nam California, TP Palm Springs cũng ra chỉ thị tương tự.

“Lịch sử sẽ không tha thứ nếu chúng ta chậm trễ một giờ” – ông Sam Liccardo, Thị trưởng TP San Jose (TP lớn nhất ở Bắc California), nói về tính bức thiết phải hành động quyết liệt.

Tập trung dồn sức cho hệ thống y tế

Theo lời Tiến sĩ Osterholm thì nhiều bệnh nhân phải nằm từ 3 tuần trở lên trong bệnh viện, vì thế giường bệnh sẽ là một vấn đề lớn với các cơ sở y tế một khi lượng bệnh nhân nhiều hơn. Với đà tăng ca nhiễm như hiện tại thì ông dự đoán các bệnh viện Mỹ sẽ đối mặt với tình trạng này vào cuối tuần này.

“Chúng tôi cố gắng để có thêm 6.000 giường bệnh sẵn sàng. Chúng tôi cố gắng xử lý tất cả các vấn đề. Cái cụm từ "làm thẳng đường cong" mà các bạn vẫn nghe nhiều người nói rất quan trọng, vì nếu chúng ta không làm thế bằng sự giữ khoảng cách xã hội… khi đó hệ thống sẽ hoàn toàn quá tải và hệ thống chăm sóc y tế sẽ không đủ khả năng đối mặt với dòng người cần chữa trị cùng lúc” - Thống đốc Larry Hogan của bang Maryland nói với đài CNN.

Nhân viên y tế bang Washington chuẩn bị lắp ráp giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 tại một sân bóng đá. Ảnh: CNN

Nhiều bệnh viện nhỏ, ở nông thôn (thường ở mức 25 giường bệnh và chỉ 1 máy thở) có thể sẽ phải chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện lớn hơn trong trường hợp bùng phát số bệnh nhân.

Ông Alan Morgan – Giám đốc điều hành Hiệp hội Sức khỏe Nông thôn Quốc gia Mỹ cảnh báo tình hình sẽ còn tệ đi rất nhanh nữa nếu Mỹ có các ổ dịch ở các cộng đồng nông thôn có lượng lớn người già và thu nhập thấp. Khi đó, chẳng những số người chết mà cả lượng ca nhiễm cũng sẽ tăng cao đột biến.

Mỹ cũng đang nỗ lực trang bị các thiết bị y tế như máy trợ thở, khẩu trang…cho các bệnh viện. Tuy nhiên, dù có nỗ lực thế nào thì nhiều lãnh đạo bang cũng không thể né tránh thực tế thiết bị y tế nguy cơ lớn sẽ thiếu hụt. Nhân viên nhiều bệnh viện đã phải tự làm khẩu trang cho mình, thậm chí có lúc phải sử dụng lại hai lần.

Mỗi máy trợ thở có giá từ 20.000 USD đến 40.000 USD. Nhiều công ty sản xuất thừa nhận không thể đáp ứng các đơn hàng dồn dập gửi về.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ - Tiến sĩ Michael Osterhojm nói về việc Mỹ chuẩn bị cho kịch bản dịch kéo dài cả 18 tháng.

“Chúng tôi đang nói về nguy cơ dịch kéo dài 12-18 tháng. Đây là cuộc chiến, chúng ta phải lên kế hoạch cho trận chiến mỗi ngày. Chúng ta còn một con số trận chiến phải lo. Chúng ta phải chuẩn bị số lượng bệnh viện không chỉ cho hôm nay, không chỉ tuần này, tuần tới, mà khả năng các tháng tới nữa dưới bối cảnh có một lượng lớn ca nhiễm” – Tiến sĩ Osterhojm nói với CNN.

Giải cứu kinh tế

Tối 18-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tự nhận mình là “tổng thống thời chiến, đang chiến đấu với một kẻ thù vô hình” và cho biết có thể sẽ viện tới “Đạo luật Sản xuất quốc phòng” vốn hơn 70 năm tuổi để yêu cầu tăng tốc sản xuất các thiết bị y tế chống dịch.

Với “Đạo luật Sản xuất quốc phòng”, chính phủ Mỹ có quyền yêu cầu các công ty tư nhân hợp tác, đẩy mạnh sản xuất các loại khẩu trang, máy trợ thở và các thiết bị y tế khác nhằm khắc phục sự thiếu hụt vật tư y tế hiện nay.

Một khu chợ ở TP New York, bang New York (Mỹ) ngày 18-3. Ảnh: REUTERS

Không chỉ là gánh nặng với hệ thống y tế, COVID-19 còn tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế của người dân Mỹ. Một nhiệm vụ quan trọng của các lãnh đạo chính trị Mỹ hiện là làm sao bơm tiền và có các biện pháp giải cứu dân, giải cứu các ngành nghề kinh tế khỏi tác hại của dịch.

Diễn biến đáng chú ý nhất, tối 18-3, Tổng thống Trump ký ban hành 2 đạo luật có các nội dung miễn phí xét nghiệm và hỗ trợ tài chính cho dân, giải cứu doanh nghiệp, ngành công nghiệp hàng không.

 
   

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm