Từ ngày 18-3 (giờ địa phương), Mỹ ngưng toàn bộ dịch vụ cấp thị thực ở hầu hết các nước trên toàn cầu vì dịch COVID-19, hãng tin Reuters dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ.
Không có Việt Nam
Bộ Ngoại giao Mỹ không nói rõ có bao nhiêu nước hay cụ thể những nước bị Mỹ áp lệnh ngưng cấp thị thực. Tuy nhiên, trên các trang web của mình, các phái bộ ngoại giao Mỹ ở hàng chục nước như Hàn Quốc, Nam Phi, Đức, Tây Ban Nha thông báo ngừng hoặc hạn chế dịch vụ cấp thị thực.
“Các đại sứ quán và lãnh sự quán ở những nước này sẽ hủy toàn bộ hoạt động cấp thị thực nhập cư và không nhập cư từ ngày 18-3” - Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Mexico City, nước láng giềng Mexico ngày 17-3. Ảnh: REUTERS
Từ đêm 18-3, đại sứ quán Mỹ ở Hàn Quốc ra thông báo rằng lệnh ngưng cấp thị thực của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến dịch vụ cấp thị thực cả nhập cư và không nhập cư tại đại sứ quán ở các nước mà Mỹ khuyến cáo đi lại ở các mức 2,3 và 4.
Trong ngày 18-3, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa khoảng 100 nước vào các mức khuyến cáo này, theo trang web Bộ Ngoại giao nước này. Trong danh sách này, các mức khuyến cáo này không có Việt Nam (ở mức 1: thận trọng thông thường).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói động thái này không ảnh hưởng đến Chương trình miễn thị thực (VWP), cho phép hầu hết các công dân của các nước tham gia chương trình này đến Mỹ với lý do du lịch hay kinh doanh trong vòng 90 ngày đổ lại mà không cần đến thị thực từ Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các phái bộ ngoại giao Mỹ ở nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục thực hiện dịch vụ cấp thị thực trong trường hợp khẩn cấp và các hoạt động với công dân Mỹ ở nước ngoài vẫn tiếp tục. Bộ Ngoại giao Mỹ không đề cập chi tiết các trường hợp ngoại lệ cho bất kỳ dạng thị thực nào.
“Các đại sứ quán này sẽ khôi phục dịch vụ cấp thị thực thường lệ càng sớm càng tốt nhưng không thể cho biết trước ngày cụ thể” - người phát ngôn nói.
Đây là động thái chưa có tiền lệ trước nay, được cho sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới. Năm 2019, Mỹ cấp tổng cộng hơn 9,2 triệu thị thực nhập cư và không nhập cư tại hơn 160 phái bộ ngoại giao của mình trên toàn cầu.
Dịch COVID-19 tính đến thời điểm này đã làm khoảng 8.700 người chết và hơn 212.000 người nhiễm ở 164 nước và vùng lãnh thổ. COVID-19 gây nên làn sóng phong tỏa khẩn cấp cũng như hoạt động bơm tiền cứu nền kinh tế ở hàng loạt nước, điều chưa từng thấy trên thế giới kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Cụ thể khuyến cáo đi lại của Mỹ thế nào?
Khuyến cáo đi lại của Mỹ được chia theo 4 mức: Mức 1 - thận trọng thông thường; mức 2 - tăng thận trọng; mức 3 - cân nhắc đi lại; mức 4 - không đi lại.
Trong những lý do Mỹ liệt các nước vào các mức khuyến cáo ngoài chính trị thì còn có căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 ở nước đó.
Các nước bị Mỹ đưa vào danh sách khuyến cáo đi lại mức 4 - không đi lại gồm: Trung Quốc, Iran, Iraq, Triều Tiên, Syria, Libya, Venezuela, Afghanistan, Mông Cổ, Nam Sudan, Haiti, Mali, Yemen, Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi.
Các nước bị Mỹ đưa vào danh sách khuyến cáo đi lại mức 3 - cân nhắc đi lại gồm: Hàn Quốc, Ý, Lebanon, Pakistan, Guinea Bissau, CHDC Congo, Chad, Burundi, Azerbaijan, Turkmenistan, Tajikistan, Sudan, Niger, Nicaragua, Nigeria, Micronesia, Honduras.
Sân bay Incheon Hàn Quốc - một trong những nước bị Mỹ ngưng cấp thị thực vì có dịch COVID-19 nghiêm trọng. Ảnh: YONHAP
Các nước và vùng lãnh thổ bị Mỹ đưa vào danh sách khuyến cáo đi lại mức 2 - tăng thận trọng gồm: Indonesia, Philippines, Hong Kong, Nhật, Macau, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Sri Lanka, Đông Leste, Bangladesh, Belgium, Nga, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Serbia, Tây Ban Nha, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Bosnia and Herzegovina, Mexico, Uruguay, Bolivia, Cameroon, Chile, Brazil, Columbia, Costa Rica, Cote D’Ivoire, Cuba, Dominica, Cộng hòa Dominican, Ecuador, Ai Cập, El Salvador, Eritrea, Ethiopia, Trinidad and Tobago, Jamaica, Nam Phi, Belize, Turks and Caico Islands, Guetamala, Algeria, Antarctica, Guinea, Papua New Guinea, Jordan, Kenya, Kosovo, Madagasca, Malawi, Maldives, Mauritania, Peru, Sierra Lione, Tazania, Tusinia, Uganda, Zimbabwe, The Bahamas, Cộng hòa Congo.
Các nước và vùng lãnh thổ bị Mỹ đưa vào danh sách khuyến cáo đi lại mức 1 - thận trọng thông thường gồm các nước còn lại, như Việt Nam, Úc, Lào, Malaysia…