Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ có 10 làn xe?

(PLO)- Theo VEC, việc mở rộng đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ bốn làn xe lên 10 làn xe sẽ phải giải phóng mặt bằng và tăng tổng mức đầu tư lên 15.428 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi nghiên cứu đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa có văn bản khẳng định không đồng tình phương án đầu tư dự án từ bốn làn xe lên tám làn xe.

Phải đầu tư cao tốc lên 10 làn xe

Theo Bộ GTVT, việc VEC đề xuất đầu tư dự án với quy mô tám làn xe (đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) là chưa phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Như vậy, VEC phải nghiên cứu phương án đầu tư từ bốn làn xe hiện hữu lên 10 làn xe theo quy hoạch.

Bộ GTVT cũng đề nghị VEC nghiên cứu thực hiện dự án theo Thông báo 278/2022 về kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp nghe báo cáo về các tuyến giao thông kết nối với sân bay Long Thành và phương án tổ chức giao thông của các nút giao trong khu vực. Riêng cầu Long Thành, đề nghị VEC nghiên cứu phương án xây dựng cầu mới với quy mô tương tự giai đoạn 1 và tổ chức phân làn giao thông cho phù hợp.

Theo VEC, cuối tháng 8, Bộ GTVT chỉ đạo VEC nghiên cứu đầu tư dự án trên với quy mô 10 làn xe. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, VEC đề xuất chỉ nên mở rộng đường cao tốc này lên tám làn xe, với chiều dài gần 22 km, tổng mức đầu tư dự kiến chỉ 13.882 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng).

Bộ GTVT đề nghị VEC nghiên cứu mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 làn xe. Ảnh: V.LONG

Bộ GTVT đề nghị VEC nghiên cứu mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 làn xe. Ảnh: V.LONG

VEC cho rằng phương án trên nếu đưa vào khai thác giai đoạn 2025-2026 thì khai thác ổn định đến năm 2035-2040. Giai đoạn 2035-2040, đường cao tốc sẽ được kiến nghị mở rộng lên 10 làn theo quy hoạch.

Cạnh đó, VEC cho hay với phương án mở rộng đoạn tuyến lên 10 làn xe sẽ tăng mức đầu tư lên 15.428 tỉ đồng, phát sinh thêm 1.545 tỉ đồng so với phương án tám làn xe. Phương án này cũng không có hiệu quả đầu tư cao do nhu cầu sử dụng 10 làn xe trong giai đoạn đầu hạn chế.

Tính lại phương án tài chính

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những vấn đề trên, ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC, cho biết dự kiến trước đây đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư bốn làn xe và thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) cho giai đoạn hoàn chỉnh là tám làn xe. Vì vậy, việc mở rộng cao tốc lên tám làn xe sẽ thuận lợi cho công tác thi công bởi không phải GPMB, tuy nhiên do lưu lượng xe trên tuyến lớn và tăng cao qua các năm nên Bộ GTVT yêu cầu nghiên cứu tăng lên 10 làn xe.

Với phương án trên, tổng mức đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ lớn hơn và một khó khăn khác là công tác GPMB. Đặc biệt là đoạn đi qua TP.HCM, hai bên toàn khu dân cư và khá nhiều dự án được chính quyền TP quy hoạch. “Nên tới đây cần sự ủng hộ, thống nhất cao của TP.HCM và Đồng Nai thì việc bàn giao đất cho dự án mới diễn ra thuận lợi…” - ông Quang nói.

Về nguồn vốn đầu tư cho dự án, ông Quang thừa nhận là “hơi căng”. Vừa qua VEC có báo cáo sơ bộ với Bộ GTVT về các phương thức đầu tư. Trong đó VEC đề xuất ba phương án là đầu tư theo phương thức PPP, doanh nghiệp huy động vốn đầu tư 100% và nhượng quyền. Hiện VEC vẫn tiếp tục nghiên cứu ba phương án này và xem xét một số phương án khác nên chưa có đề xuất cuối cùng với Bộ GTVT.

Đặt trường hợp VEC tự huy động vốn đầu tư 100%, ông Quang cho biết chắc chắn VEC sẽ phải “chạy lại phương án tài chính” vì tám làn và 10 làn khác nhau. Đặc biệt thời gian tới VEC còn dành nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các dự án như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi... “Tuy nhiên, những khó khăn này sẽ được giải quyết nếu các đề xuất mới đây của VEC được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận…” - ông Quang nói.

Theo tìm hiểu của PV, để VEC có thể đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bằng hình thức huy động vốn đầu tư 100%, một trong những điều kiện quan trọng là cơ quan nhà nước phải tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp lên 49.562,93 tỉ đồng, thay vì gần 1.000 tỉ đồng như hiện nay… Bởi như hiện nay vốn điều lệ của VEC quá thấp so với quy mô vốn đầu tư các dự án đường cao tốc.

Để giải quyết khó khăn trên, ông Quang cho biết sắp tới lãnh đạo Chính phủ sẽ họp để quyết phương án tài chính của VEC. “Cạnh đó, hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo Bộ Chính trị đề án chủ trương về phương án tái cơ cấu VEC, trong đó có kiến nghị tăng vốn điều lệ cho VEC…” - ông Quang cho hay.•

Mất 1-1,5 năm từ khi lập dự án đến khi lựa chọn nhà thầu

Việc khởi công mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây còn phụ thuộc nhiều vấn đề. Tuy nhiên, chỉ tính riêng thời gian lập dự án đến khi lựa chọn nhà thầu mất khoảng 1-1,5 năm. Về thi công trên tuyến, cầu Long Thành được xem là đường găng của dự án, việc xây dựng tối thiểu cũng 31-36 tháng. Như vậy nếu bây giờ chúng ta thực hiện thì đến năm 2026 mới hoàn thành.

Ông PHẠM HỒNG QUANG, Tổng giám đốc VEC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm