Chiều 31-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại gói thầu XL04 (nút giao Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành, Tiền Giang). Tại đây, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Cuối năm 2020 phải thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đảm bảo chất lượng tốt lâu dài, chứ không được làm trước, làm nhanh mà chất lượng không đảm bảo là không được”.
tiến độ tăng hơn năm lần
Đây là lần thứ ba kể từ khi dự án được tái khởi động từ tháng 3-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp thăm công trường, chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tồn đọng nhằm đảm bảo mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020.
Trực tiếp đến kiểm tra gói thầu XL04, Thủ tướng biểu dương chủ đầu tư, tỉnh Tiền Giang, đặc biệt Công ty cổ phần Đèo Cả, đơn vị thi công, tư vấn, giám sát công trình, Bộ GTVT, các đơn vị cung ứng vốn ngân sách, các ngân hàng cung ứng vốn tín dụng cho dự án. Và các đơn vị đã giải ngân số lượng vốn rất lớn trên 3.500 tỉ đồng vào dự án. Chỉ trong vòng vài tháng thi công, tiến độ công trình tăng hơn năm lần so với 10 năm trước đó. “Đây là cố gắng rất lớn, tôi biểu dương các đồng chí có liên quan thực hiện công trình này, bởi đây là dự án có ý nghĩa rất lớn đối với nhân dân ĐBSCL cũng như đối với kinh tế - xã hội khu vực” - Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu nhà đầu tư phải đảm bảo thực hiện tốt tiến độ này, kịp thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cuối năm 2020 để đáp ứng nguyện vọng chính đáng cho sự phát triển ĐBSCL.
Tại đây, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT thứ nhất là tiếp tục triển khai cầu Mỹ Thuận 2 sớm nhất vì đã có tiền cho dự án. Thứ hai là đảm nhận việc triển khai công trình cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cần triển khai sớm tuyến này. Đồng thời, nghiên cứu tuyến Cần Thơ - Cà Mau đưa vào kế hoạch năm 2021-2025 và 365 km từ TP.HCM đi Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau trong tương lai sẽ được kết nối đồng bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: TTXVN
Hoàn thành 60% khối lượng công trình
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết thời gian qua, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hạn mặn diễn ra gay gắt tại ĐBSCL dẫn đến khan thiếu nguồn nguyên vật liệu, gây trở ngại cho hoạt động thi công dự án. Dù vậy, ban điều hành đã cùng các nhà thầu nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm mọi biện pháp để khắc phục. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác đắp gia tải xử lý nền đất yếu trên tuyến chính. Một số gói thầu đã tiến hành dỡ tải để triển khai thi công các hạng mục tiếp theo, trong tháng 8 sẽ có một số gói thầu chuẩn bị thực hiện công tác thảm nhựa.
Ông Đông cũng cho biết hiện trên công trường cao tốc có hơn 1.500 công nhân làm việc cùng nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị phục vụ thi công. Đến nay, so với thời điểm Thủ tướng vào thị sát hồi tháng 3-2020, khối lượng thực hiện đã được đẩy tăng từ 40% lên gần 60% (tăng 20%), đảm bảo đúng kế hoạch thông tuyến vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo doanh nghiệp dự án, trên công trường các nhà thầu vẫn đang quyết tâm dốc lực thi công nhằm đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020, sẵn sàng phục vụ cho xe dưới 16 chỗ, xe dưới 2,5 tấn lưu thông trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo ông Đông, khó khăn, vướng mắc hiện nay là Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chưa thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn cho dự án do liên quan đến việc thu phí đồng bộ toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Chủ đầu tư đã nhiều lần đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm thống nhất quyết định vị trí đặt trạm thu phí để triển khai xây dựng.
Về vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu sớm và sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đến năm 2022 sẽ xong cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá việc thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến thời điểm này tương đối đảm bảo tiến độ cuối năm thông toàn tuyến. Những đoạn đủ điều kiện sẽ thảm nhựa, riêng hệ thống cầu sẽ hoàn thành bê tông toàn bộ. Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định đầu tư đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ bằng đầu tư công. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư. “Hiện nay Bộ GTVT đang phối hợp với tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, khoảng tháng 11-2020, mặt bằng của dự án này cơ bản đáp ứng 60%-70%” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói. Về hồ sơ dự án, Bộ GTVT đang tập trung phê duyệt dự án điều chỉnh và tập trung thiết kế. Dự kiến khoảng tháng 12-2020 sẽ khởi công một số gói thầu đầu tiên. Và với việc bố trí vốn của ngân sách trung ương, Bộ GTVT tin rằng từ nay đến năm 2022 sẽ xong được đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ. Riêng đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT đang xây dựng dự án để xin chủ trương đầu tư và sớm nhất. Trong kỳ họp Quốc hội đầu tiên khóa mới, Bộ GTVT sẽ trình dự án này. “Nếu Quốc hội đồng ý ủng hộ và bố trí vốn thì tương lai cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ sớm hoàn thành để cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau được liền mạch” - Bộ trưởng Thể nói. |