Tính đến sáng 7-3, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ghi nhận nước này đã có 15 ca tử vong do COVID-19. Trong số này ít nhất 13 ca ở một viện dưỡng lão tại TP Seattle thuộc quận King (bang Washington), theo hãng tin Reuters.
Dịch đã lan tới nửa nước Mỹ khi có tới 320 trường hợp nhiễm COVID-19 ở 25 bang. Bảy bang phát hiện có ca nhiễm trong ngày 6-3 là Pennsylvania, Indiana, Minnesota, Kentucky, Oklahoma, Nebraska và South Carolina.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng tại Mỹ hiện là vẫn hai bang Washington và California. Theo đó, quận King ở bang Washington là nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất.
Giới chức TP Seattle - địa phương có nhiều người chết nhất - khuyến cáo người dân trên 60 tuổi ở yên trong nhà, đồng thời hủy các sự kiện có từ trên 10 người tham gia. Ở tâm dịch Seattle, các trường học cũng đã đóng cửa, nhiều công ty cho nhân viên làm việc tại nhà. ĐH Washington hôm 5-3 cũng thông báo cho khoảng 50.000 sinh viên nghỉ học đến hết 20-3.
Ổ dịch mới trên du thuyền Grand Princess
Reuters ngày 7-3 dẫn thông báo của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết nước này đã phát hiện 21 ca dương tính với COVID-19 trên du thuyền Grand Princess neo ngoài khơi San Francisco (bang California).
Một nhóm chuyên gia phòng dịch chuẩn bị tiếp cận du thuyền Grand Princess ngày 6-3. Ảnh: REUTERS
Hôm 5-3, trực thăng của lực lượng không quân Vệ binh quốc gia Mỹ đã thả các thiết bị xét nghiệm xuống tàu. Tại đây, các nhân viên y tế đã bắt đầu quá trình xét nghiệm cho 46 hành khách và thành viên phi hành đoàn có triệu chứng mắc COVID-19.
Các mẫu thử sau đó được đưa về phòng thí nghiệm ở khu vực lân cận. Ông Pence cho hay 21 mẫu thử cho ra dương tính, 24 mẫu âm tính và một mẫu chưa thể đưa ra kết luận.
Trong khi đó, các hành khách trên tàu cho biết họ đang bị quản thúc trong phòng riêng trên tàu kể từ chiều 5-3.
Thống đốc California Gavin Newsom khẳng định rằng con tàu sẽ tiếp tục ở ngoài khơi chừng nào toàn bộ những người bị ốm hoặc có rủi ro bị phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 được xét nghiệm hết.
Theo lời ông Pence, tàu Grand Princess sẽ đưa tới một cảng phi thương mại chưa xác định khi toàn bộ 3.500 người trên tàu được xét nghiệm xong.
Theo hãng tin AFP, một số hành khách của Grand Princess biểu hiện các triệu chứng giống cảm cúm sau khi một người đàn ông 71 tuổi người từng lên tàu trên chuyến hành trình tháng trước vừa tử vong do COVID-19 ngày 4-3.
Người đàn ông 71 tuổi từng di chuyển từ San Francisco tới Mexico tháng trước trên tàu Grand Princess. Ngày 21-2, tàu đã quay về San Francisco để hàng nghìn khách lên bờ và đón thêm khách mới lên tàu để di chuyển từ San Francisco tới Hawaii.
Theo kế hoạch, con tàu dự kiến sẽ cập cảng San Francisco vào ngày 4-3 nhưng đã bị giới chức chặn lại. Các quan chức cho hay có 2.383 hành khách và 1.100 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu. Grand Princess đã cắt ngắn hành trình trở về từ Hawaii sau khi một số người trên tàu bắt đầu có triệu chứng.
Tới lúc này, giới chức y tế Mỹ đang tích cực liên lạc với 2.500 hành khách đã xuống tàu sau chuyến hành trình từ Mexico trở về San Francisco hôm 21-2.
Dân chúng Mỹ hoang mang, Washington gấp rút chống dịch
Theo khảo sát mới đây của hãng tin Reuters, đa số người Mỹ hiện đang rất lo ngại về tốc độ lay lan và mức độ nguy hiểm của COVID-19. Nhiều ý kiến chỉ trích chính quyền Tổng thống Donald Trump đang coi nhẹ dịch vì các lý do chính trị.
Tổng thống Donald Trump (phải) thăm trụ sở Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ ngày 6-3. Ảnh: ABC
Trên thực tế, đây không phải chỉ trích vô căn cứ khi ông Trump từng tuyên bố rủi ro từ dịch đến Mỹ là rất thấp, đồng thời khẳng định tỉ lệ tử vong trung bình 3,4% do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra là không chính xác.
Dù vậy, ông chủ Nhà Trắng hôm 5-3 cũng đã đã ký duyệt gói ngân sách khẩn cấp trị giá 8,3 tỉ USD nhằm tăng cường phản ứng với COVID-19 sau khi được Quốc hội thông qua.
Khoản ngân sách được yêu cầu trong đề xuất nhiều hơn ba lần so với số tiền 2,5 tỉ USD mà chính quyền ông Trump yêu cầu. Trong số 8,3 tỉ USD, khoảng 3 tỉ USD sẽ được dành cho nghiên cứu và phát triển vaccine, bộ dụng cụ xét nghiệm và phương pháp điều trị bệnh COVID-19 mới.
Ngoài ra, hơn 2 tỉ USD nữa sẽ được cấp cho chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương dùng vào các hoạt động phòng ngừa và chuẩn bị ứng phó dịch bệnh. Gói ngân sách này cũng bao gồm thêm 1,25 tỉ USD sẽ được sử dụng để giúp chống lại virus ở nước ngoài và 500 triệu USD để giúp người cao tuổi được sử dụng các dịch vụ y tế dễ dàng hơn.
Một vấn đề hiện khiến giới chức Mỹ đau đầu là tình trạng thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm cho những người nghi nhiễm COVID-19. Để khắc phục vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Alex Azar cho biết CDC đã gửi khoảng 75.000 bộ xét nghiệm cho các cơ sở y tế trên khắp nước Mỹ. Ngoài ra, CDC đang làm việc với một nhà thầu tư nhân để có thể cung cấp 400.000 bộ xét nghiệm cho các bệnh viện và phòng thí nghiệm toàn quốc.