Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 18 giờ 45 phút ngày 6-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) gây ra là 3.401 (tăng 18 ca so với trưa cùng ngày). Tổng số ca nhiễm là 99.701. Có 55.189 ca chữa khỏi.
Trong đó, tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại Trung Quốc là 3.042 và 80.552.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 359 ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục. Cụ thể, Ý cao nhất với 148 ca, Iran xếp thứ hai với 124 ca, Hàn Quốc xếp thứ ba với 42 ca, Nhật Bản 12 ca (đã tính sáu ca trên du thuyền Diamond Princess neo tại nước này), Mỹ 10 ca, Pháp bảy ca, Tây Ban Nha ba ca, Anh một ca, đặc khu Hong Kong hai ca, Thụy Sĩ một ca, Hà Lan một ca, Úc hai ca, Thái Lan một ca, Đài Loan một ca, Iraq hai ca, San Marino một ca, Philippines một ca.
Hiện đã có 93 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới xuất hiện COVID-19.
Hàn Quốc: Gần 6.600 ca nhiễm
Theo hãng Yonhap, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) chiều 6-3 thông báo ghi nhận thêm 309 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trong 16 giờ qua tại nước này lên 6.593.
KCDC cũng cho biết 42 người, chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi có vấn đề bệnh lý tiềm ẩn, đã tử vong do COVID-19. Ca tử vong thứ 43 là một cụ ông 80 tuổi mắc bệnh tiểu đường ở TP Daegu - một trong hai cụm dịch lớn nhất tại Hàn Quốc, song chưa được đưa vào thống kê chính thức. 108 người đã được chữa khỏi và xuất viện, tăng 20 người so với hôm 5-3.
Binh sĩ Hàn Quốc mặc đồ bảo hộ phun khử trùng một tuyến đường ở thủ đô Seoul. Ảnh: REUTERS
Các tỉnh và TP lớn khác cũng báo cáo ca nhiễm mới. Tỉnh Gyeonggi ghi nhận số ca nhiễm tăng từ 10 lên 120. Ba bệnh nhân và năm nhân viên y tế tại Bệnh viện đa khoa Bundang Jaesaeng, phía nam Seoul, nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với một bệnh nhân ung thư 77 tuổi dương tính với COVID-19.
Kể từ khi nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên mức đỏ - mức cao nhất - hôm 23-2, nhà chức trách y tế đã tập trung dập dịch ở Daegu và tỉnh Gyeongsang Bắc.
Một cụm dịch đáng báo động khác xuất hiện ở TP phía đông nam Gyeongsan, liền kề Daegu và quận Cheongdo của tỉnh Bắc Gyeongsang.
"Các cơ quan y tế đang theo dõi sát sao tình hình ở Gyeongsan" - Thứ trưởng Y tế Kim Ganglip cho biết.
Hôm 5-3, chính phủ Hàn Quốc chỉ định Geyeongsan là “khu vực chăm sóc đặc biệt thứ ba” của nước này, sau Daegu và Cheongdo.
Một đám đông đeo khẩu trang đi qua ga Shinagawa ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: CNN
Ngoài Daegu và Bắc Gyeongsang, các ca lây nhiễm cộng đồng không rõ nguồn gốc đang dần gia tăng. Thủ đô Seoul ghi nhận 105 ca nhiễm, trong đó 14 trường hợp liên quan đến Bệnh viện của Eunpyeong St. Mary ở phường Eunpyeong, 13 trường hợp tại tòa nhà chung cư ở phường Seongdong.
Tổng giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong cho biết các cụm dịch chiếm 71,7% tổng số ca nhiễm tính đến ngày 6-3, tăng 2,3% so với một ngày trước đó. Ngày càng nhiều ca nhiễm mới xuất hiện tại các quán cà phê Internet hoặc phòng karaoke.
Ông Kim cho biết còn quá sớm để nói về tình hình lây lan virus, nhắc lại lời kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài hay tham dự các buổi họp mặt tôn giáo vào cuối tuần.
Vatican, Cameroon, Serbia báo cáo ca nhiễm đầu tiên
Theo Al Jazeera, người phát ngôn Tòa thánh Vatican Matteo Bruni ngày 6-3 cho biết đã phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên. Hiện các dịch vụ ngoại trú trong các bệnh viện của Vatican đã ngừng hoạt động để làm vệ sinh. Dịch vụ cấp cứu sẽ vẫn tiếp tục hoạt động.
Cameroon cũng xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên sau khi một công dân Pháp 58 tuổi dương tính với virus Corona chủng mới. Bộ Y tế Cameroon cho hay bệnh nhân này, đến thủ đô Yaounde của Cameroon hôm 24-2, đã được cách ly tại bệnh viện trung tâm của Yaounde.
Tại Serbia, Bộ trưởng Y tế nước này Zlatibor Loncar ngày 6-3 cho hay một người đàn ông 43 tuổi trở thành người đầu tiên ở Serbia nhiễm COVID-19. Người này trở về từ chuyến du lịch ở Budapest, Hungary.
Nga: Thủ đô Moscow ban hành tình trạng cảnh báo cao
Nhà chức trách y tế ở thủ đô Moscow của Nga đã ban hành tình trạng “cảnh báo cao” và một loạt biện pháp mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới, đồng thời yêu cầu những ai trở về từ các vùng dịch phải tự cách ly.
Người dân đeo khẩu trang tại Quảng trường Đỏ tại Moscow, Nga. Ảnh: RT
Những người trở về từ các chuyến đi ở nước ngoài, cụ thể là từ Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha được yêu cầu trình báo chi tiết chuyến đi của họ cho các quan chức y tế, đồng thời tự cách ly trong thời gian 14 ngày. Sắc lệnh trên được đăng trên trang web của thị trưởng Moscow.
“Tình hình về virus Corona chủng mới tại TP khá yên ắng… Mặc dù đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhưng vẫn có thông tin về ca nhiễm mới. Vì thế, nhằm tăng cường công tác ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tôi quyết định ban hành tình trạng cảnh báo cao trong TP đối với các dịch vụ của TP - chăm sóc y tế ngoại trú và nội trú, dịch vụ đô thị và vận tải” - Thị trưởng Moscow - ông Sergey Sobyanin, giải thích về sắc lệnh.
Tính đến thời điểm này, số công dân Nga đi du lịch nước ngoài và hai công dân Trung Quốc trong lãnh thổ Nga đã được xác nhận nhiễm COVID-19.
“Dịch COVID-19 sắp trở thành khủng hoảng quốc gia ở Nam Phi”
Theo SCMP, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 5-3 nói rằng dịch COVID-19 sắp trở thành một khủng hoảng quốc gia ở Nam Phi khi một loạt ca nhiễm mới được ghi nhận trên khắp châu lục này.
Ông đưa ra bình luận trên sau khi một đàn ông Nam Phi 38 tuổi dương tính với COVID-19 trở về nước hôm 1-3 sau khi đi du lịch tại Ý cùng vợ.
Trong khi chỉ có năm trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 ở Philippines thì có hơn 80 người Philippines làm việc ở nước ngoài nhiễm virus này. Ảnh: REUTERS
Mặc dù Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi cho hay bệnh nhân trên đã được cách ly và các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có theo dõi những người đã tiếp xúc với cặp vợ chồng này, đang được tiến hành, song ông Ramaphosa không mấy lạc quan.
“Điều này sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng quốc gia. Nó sẽ tác động lớn tới du lịch… sẽ làm tổn thương nền kinh tế chúng tôi, điều mà tất cả chúng tôi đều biết là rất bấp bênh” - Tổng thống Ramaphosa nói tại một buổi họp báo ngày 5-3.
Văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nam Phi cho biết các chuyên gia đang giúp đỡ chính phủ Nam Phi bằng các nỗ lực ứng phó và chuẩn bị.
Trong khi đó, Algeria - quốc gia ở Bắc Phi trở thành tâm điểm của sự bùng phát dịch COVID-19 ở châu lục này sau khi chín thành viên trong cùng một gia đình được xác nhận dương tính với COVID-19 hôm 5-3.
Bộ Y tế Algeria cho biết gia đình này đã tiếp đón người thân đến từ Pháp - những người được xác nhận nhiễm COVID-19 sau khi trở về Pháp. Báo cáo mới nhất này đưa số người nhiễm COVID-19 tại Algeria lên 17, cao hơn bất kỳ quốc gia châu Phi nào khác.
Giới chức y tế ở Senegal ngày 4-3 ghi nhận thêm hai ca nhiễm, gấp đôi con số trước đó. Trong khi Ai Cập ghi nhận tổng cộng ba ca nhiễm sau khi một người đàn ông 44 tuổi dương tính với virus này sau khi trở về từ Serbia. Người này đã quá cảnh tại Pháp trên đường về nhà.
Gần như tất cả quốc gia ở châu Phi đều có ca nhiễm COVID-19. Morocco hai ca, Cameroon một ca, Tunisia một ca, Nigeria một ca và đều có liên quan tới Pháp hoặc Ý - ổ dịch tại châu Âu với 3.858 ca nhiễm và 148 ca tử vong.