Theo tối hậu thư được Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy công bố, 10 giờ ngày 16-10 là hạn chót ông Carles Puigdemont, Thủ hiến vùng tự trị Catalonia, phải giải thích rõ quan điểm về Catalonia tuyên bố độc lập.
Nếu Thủ hiến Carles Puigdemont không trả lời hay vẫn giữ quyết định tuyên bố độc lập, chính phủ sẽ cho ông thêm thời hạn đến 10 giờ ngày 19-10. Sau đó, nếu tình hình không có gì thay đổi, chính phủ sẽ tuyên bố ngừng quy chế tự trị của vùng Catalonia và sẽ kiểm soát Catalonia căn cứ điều 155 hiến pháp.
Du khách đặt phòng đã giảm sâu
Ngày 13-10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính phủ Tây Ban Nha đã lên tiếng cảnh báo khủng hoảng Catalonia có thể đe dọa đến tăng trưởng Tây Ban Nha năm 2018 (dự kiến đạt 2,6%).
Giám đốc phụ trách châu Âu của IMF Poul Thomsen khẳng định từ Washington: “Một giai đoạn bất ổn kéo dài có thể tác động đến tăng trưởng. Đây là điều đương nhiên chúng ta muốn tránh”.
Sau phiên họp hội đồng bộ trưởng tại Madrid, Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria cảnh báo các biến cố ở Catalonia đe dọa đến tình hình phục hồi kinh tế khu vực. Bà nhấn mạnh: “Nếu không có giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này, chúng ta bắt buộc phải xem xét giảm mức tăng trưởng dự kiến trong năm 2018”.
Trước đó, hôm 12-10, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poors đã nói đến nguy cơ suy thoái sau khi Catalonia độc lập. Catalonia là một trong những vùng tự trị giàu có, năm 2016 mang lại 19% GDP cho Tây Ban Nha nhưng cũng là một trong những vùng mắc nợ nhiều, chiếm đến 35,4% GDP.
Theo số liệu chính thức, trước quyết định tuyên bố độc lập của Catalonia, 540 doanh nghiệp đã tiến hành thủ tục chuyển hội sở khỏi Catalonia từ ngày 2 đến 11-10. Trong số này có hai ngân hàng CaixaBank và Banco de Sabadell lớn nhất nhì Catalonia.
Trao đổi với AFP, ông Ricardo Mur, phó chủ tịch liên đoàn giới chủ vùng tự trị Aragon, dự đoán thất thoát vốn ở Catalonia sẽ rất nghiêm trọng và không thể phục hồi.
Đàm phán giữa Catalonia và chính quyền trung ương theo biếm họa của Patrick Chappatte (Thụy Sĩ).
Catalonia đón 25% khách du lịch đến Tây Ban Nha và ảnh hưởng đến du lịch đã manh nha. Số du khách đặt chỗ ở Barcelona đã giảm sâu 20%-30%. Một số khách sạn ở Barcelona đã giảm giá phòng 50% để kéo khách. Nhiều dự án đầu tư cũng giậm chân tại chỗ.
Theo báo kinh tế El Confidencial, Hội nghị Di động thế giới (MWC) dự kiến tổ chức từ ngày 26-2-2018 ở Barcelona có thể sẽ bị hoãn. Đây là cuộc triển lãm lớn nhất về điện thoại di động trên thế giới, mang lại nguồn thu đáng kể cho Barcelona, thủ phủ vùng tự trị Catalonia.
Thủ hiến đứng giữa nhiều sức ép
Giới kinh doanh Tây Ban Nha lo ngại kịch bản ở Québec (Canada) sẽ lặp lại. Năm 1976, đảng Québecois chủ trương độc lập đã thắng cử ở Québec. Lúc đó chỉ trong vài tháng đã có hơn 200 doanh nghiệp chuyển hội sở và không bao giờ quay trở lại Québec.
Chuyên gia ngân hàng Juan Ignacio Sanz ở Trường thương mại Barcelona phát biểu trên báo El Pais: “Đây là thảm họa cho Catalonia và kinh tế Catalonia. Tôi cực kỳ hoài nghi tối thiểu 3-5 năm ổn định có doanh nghiệp nào đó quay lại Catalonia hay không”.
Dù vậy, Thủ hiến Carles Puigdemont vẫn khăng khăng cho rằng các doanh nghiệp ra đi không tác động thực sự đến kinh tế vùng Catalonia. Ngoài sức ép từ giới doanh nghiệp, chính phủ Tây Ban Nha và EU, ông còn phải chịu sức ép từ trong nội bộ.
Ngày 13-10, đảng Ứng viên Thống nhất nhân dân (CUP), liên minh cầm quyền tại Catalonia, đã công bố thư ngỏ kêu gọi: “Sức mạnh của chúng ta dựa vào người dân, nhu cầu và hy vọng của họ”. Thư mong muốn Catalonia độc lập để trở thành sẵn sàng đảm trách các quyền công dân và chính trị.
Thư nêu lên mối đe dọa từ chính quyền trung ương: “Nếu họ cho rằng sẽ tiếp tục áp dụng điều 155 hiến pháp Tây Ban Nha và nếu họ muốn tiếp tục dọa nạt hay bịt miệng chúng ta, họ chỉ có thể làm điều đó với một nước cộng hòa đã tuyên bố”.
Thư cũng đe dọa Thủ hiến Carles Puigdemont: “Chúng tôi chỉ có thể tôn trọng những gì phe đa số thể hiện trong bầu cử qua lời tuyên bố nước cộng hòa độc lập”.
Cho dù theo kết quả trưng cầu ý dân ngày 1-10, trong 43% cử tri đi bầu có hơn 90% cử tri ủng hộ Catalonia tuyên bố độc lập, song tối 10-10, Thủ hiến Carles Puigdemont tuyên bố đã ký tuyên bố độc lập nhưng hoãn thi hành để chờ đàm phán. Các đảng đòi độc lập ở Catalonia cho đây là thái độ nửa vời, thậm chí một số ý kiến còn tố ông Carles Puigdemont “phản bội”.
Tổ chức Hội nghị quốc gia Catalonia (ANC) ra thông cáo nhấn mạnh: “Trước thái độ bác bỏ của nhà nước Tây Ban Nha với mọi đề nghị đàm phán, cứ giữ tuyên bố độc lập treo như thế không còn ý nghĩa nào cả. Vì thế chúng tôi yêu cầu nghị viện Catalonia dỡ bỏ tình trạng treo tuyên bố độc lập…”. ANC với hơn 80.000 thành viên đã tổ chức biểu tình đòi độc lập từ nhiều năm nay.
Đến nay Thủ hiến Carles Puigdemont chưa có phản ứng nào trước sức ép đã nêu.
Ngày Quốc khánh Tây Ban Nha 12-10 vừa qua, những người phản đối Catalonia độc lập đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Madrid và Barcelona. Tại Madrid, phe phản đối độc lập hô khẩu hiệu đòi tống giam Thủ hiến Carles Puigdemont và đốt cờ Catalonia. Xung đột giữa những người phản đối độc lập và những người ủng hộ độc lập đã xảy ra. Hai phe ném ghế vào nhau. Cảnh sát phải tìm cách tách hai phe ra. Kênh truyền hình La Sexta cho rằng có các nhóm cực hữu kích động. Lần đầu tiên trong 30 năm qua, cảnh sát quốc gia đã diễu hành trong lễ mừng quốc khánh. Lực lượng này đã bị chỉ trích quá mạnh tay trấn áp người dân trong ngày Catalonia tổ chức trưng cầu ý dân về tuyên bố độc lập hồi đầu tháng 10 vừa qua. |