Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông qua cầu (ảnh).
Chiều 16-11, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Gia Khánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Thanh Hóa, cho biết nguyên nhân dẫn đến sạt lở mố chân cầu Hàm Rồng là do nước sông Mã đổi dòng. Hiện nay phương án xử lý tạm thời trước mắt là thả các rọ đá bao quanh chân, mố cầu để bảo vệ chân cầu, chống xói lở thêm hai bên bờ sông.
Trước đó, quá trình đo đạc thực địa của Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hóa cho thấy phần chân khay bị sạt lở dài 25 m, sâu 0,7-1,2 m. Vết nứt giữa phần tứ nón (gồm vật liệu đất, đá xây bao quanh mố cầu) và mái taluy đường bộ đầu cầu dài 12,5 m, rộng 0,5-0,6 m... Nhiều khối dầm bê tông dưới đế móng cũng bị đứt gãy, trôi tuột xuống lòng sông Mã, có nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện giao thông, đặc biệt là tàu Bắc Nam.
“Hiện nay Công ty Đường sắt Thanh Hóa cử lực lượng túc trực thường xuyên, theo dõi diễn biến để đưa ra phương án xử lý. Sau đó sẽ có báo cáo Cục Đường sắt (Bộ GTVT) đề nghị cho phép xử lý khẩn cấp những hư hỏng tại khu vực tứ nón phía Nam chân cầu Hàm Rồng” - ông Khánh cho hay.
Cầu Hàm Rồng do Pháp xây dựng năm 1904, bị phá hủy năm 1946, đến năm 1962 mới được xây lại. Cầu gồm hai nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ.