Cầu thủ Việt sang Nhật đá bóng

Sài Gòn FC vừa cho biết hai cầu thủ Văn Triền (Sài Gòn FC) và Danh Trung (Viettel) tháng 7 này sẽ sang Nhật khoác áo CLB Ryukyu đang chơi ở J-League 2. Đây là một tin vui của làng bóng Việt và ngược lại cũng là thách thức rất lớn cho hai cầu thủ sau những đồng nghiệp tiên phong đều chưa gặt hái thành quả.
Năm 2013, Công Vinh khi ấy 28 tuổi, có suất đội tuyển lâu năm cùng đỉnh cao phong độ của một tiền đạo. Chân sút xứ Nghệ đá cho CLB Consadole Sapporo cũng chơi ở giải J-League 2 theo bản hợp đồng cho mượn năm tháng.
Công Vinh kể khoảng thời gian ấy anh phải nỗ lực cạnh tranh vị trí rất khốc liệt vì đẳng cấp cầu thủ Nhật cao hơn, đấu trường khắc nghiệt hơn nhiều so với V-League. Anh ra sân không nhiều ở giải vô địch quốc gia, đá các giải cúp nhiều hơn hoặc là những trận đấu dành cho cầu thủ dự bị. Sau đó, Sapporo muốn ký thêm hợp đồng với Công Vinh nhưng anh dừng lại vì nghĩ mình không còn trẻ nữa.

Bầu Bình động viên Cao Văn Triền sang Nhật thử sức. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Trần Danh Trung, cầu thủ Viettel được bầu Bình thông báo sẽ cùng
Cao Văn Triền sang Nhật. Ảnh: PHƯƠNG NGHI 

Năm 2016, Tuấn Anh khoác áo FC Yokohama và Công Phượng đầu quân Mito Hollyhock đều chơi ở J-League 2. Suốt một năm trời, cả hai dù rất cố gắng theo đuổi mục tiêu lấy suất chơi chính nhưng bất thành. Thậm chí, CLB còn không hoàn thành cam kết miệng sẽ bảo đảm ra sân cho hai cầu thủ giỏi bậc nhất của HA Gia Lai. Dĩ nhiên, không có bản hợp đồng gia hạn nào nữa cho hai tuyển thủ quốc gia này.

Nhắc lại chuyện cũ của những cầu thủ xuất sắc của bóng đá Việt từng đá bóng Nhật để thấy cuộc chơi ở giải đấu số một châu lục không đơn giản chút nào. Dĩ nhiên, bên cạnh trình độ chuyên môn tạm ổn của cầu thủ nghĩ mình có thể đá giải hạng 2 Nhật còn là cách ứng xử, sự thích nghi văn hóa, môi trường sống, khả năng giao tiếp...
Cũng lạ trong lúc cầu thủ Việt chưa thể gầy dựng tên tuổi ở làng bóng Nhật thì đồng nghiệp Thái như tiền vệ Chanathip Songkrasin hay hậu vệ Theerathon Bunmathan đều biết cách gây tiếng vang và trở thành trụ cột ở CLB của họ tại giải J-League 1. Theo đàn anh Công Vinh, trình độ chuyên môn của cầu thủ là điều kiện số một, mang tính quyết định đến việc HLV có cho họ giữ một suất đá chính hay không.
Từ cầu thủ mở đường như Công Vinh và sau đó Công Phượng, Tuấn Anh từng đá bóng ở Nhật dù chưa có tiếng về bóng đá vẫn học hỏi rất nhiều về phong cách của một nền bóng đá chuyên nghiệp. Kinh nghiệm của họ chính là những bài học quý cho lứa cầu thủ sau này như Văn Triền, Danh Trung học hỏi để ít nhất giúp ích cho bản thân.•
 Đi một ngày đàng...
Bầu Bình của Sài Gòn FC cho biết mình chọn lựa cầu thủ xuất sắc (Văn Triền, 28 tuổi) và tiềm năng (Danh Trung, 21 tuổi) sang Nhật học hỏi rồi trở về cống hiến cho bóng đá Việt Nam. Ông mong mỏi các cầu thủ sẽ nâng cao hơn về trình độ mọi mặt. Từ nay đến tháng 7, các chuyên gia Nhật sẽ trang bị cho hai cầu thủ về ngôn ngữ, văn hóa, làm quen với cách sinh hoạt của người Nhật để giúp họ nhanh chóng hòa nhập ở môi trường mới. Đây là một trải nghiệm quý giá cho hai cầu thủ học một sàng khôn trong một nền bóng đá chuyên nghiệp cao. Ông Bình tiết lộ CLB Ryukyu là thử thách lớn cho họ tìm suất đá chính và nếu chưa thành công, cả hai sẽ xuống chơi ở CLB hạng 3. TT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm