Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Công ty Văn hóa Sài Gòn (Saigon Books) bật mí như trên với 1.300 sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech) trong khuôn khổ chương trình đối thoại "Sinh viên học và làm gì để thành công trong thời đại 4.0' ngày 22-5.
Nhiều sinh viên boăn khoăn sự chuyển động nhanh và mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động đến động lực học tập, cơ hội việc làm và định hướng khởi nghiệp tương lai sẽ như thế nào.
Ông Quỳnh chia sẻ, hiện có nhiều sinh viên chọn con đường khởi nghiệp là làm chủ chứ không như cách đây 10 năm là đi tìm việc. "Tâm thế, thái độ, tình yêu với công việc sẽ quyết định thành bại. Học để lấy kiến thức và cách sáng tạo để có thành công", ông Quỳnh khơi gợi.
Hai vị diễn giả chia sẻ kinh nghiệm chinh phục nhà tuyển dụng và khởi nghiệp. Ảnh: P.ĐIỀN
Về cơ hội việc làm sau khi ra trường, ông Quỳnh bật mí có bảy yếu tố để chinh phục nhà tuyển dụng: kiến thức (kiến thức chuyên ngành), ngoại ngữ, kỹ năng, thái độ, kinh nghiệm và trải nghiệm, mối quan hệ gia đình xã hội, sức khỏe.
Vị CEO này lưu ý cần hiểu đúng bản chất và định hướng khởi nghiệp là gì. Cứ 10 người khởi nghiệp thì có tám người thất bại. Cá nhân ông đã từng khởi nghiệp với bảy dự án thì có bốn cái chết, ba cái thoi thóp và một cái sống được. Từ đó, ông cho rằng hãy bắt đầu từ công việc làm thuê, trừ những bạn gia đình có sẵn nền tảng để kế thừa.
"Đi làm thuê chính là thời điểm để học hỏi kinh nghiệm, am hiểu thị trường, xây dựng mối quan hệ, quản trị nhân sự, tích lũy vốn, định hướng xây dựng tập thể gắn bó, văn hóa doanh nghiệp. Tất cả những yếu tố căn bản vừa nêu là hành trang để khởi nghiệp mà những sinh viên vừa ra trường không có. Đa số người khởi nghiệp thành công đều sau 35 tuổi", ông Quỳnh chia sẻ.
Phong trào khởi nghiệp được đề cập nhiều tại các diễn đàn, chương trình đào tạo tại các trường đại học thời gian gần đây. Ảnh: P.ĐIỀN
Các sinh viên boăn khoăn về mức độ quan tâm và sự chung tay của các nhà đầu tư cho các ý tưởng kinh doanh mới. Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Saigon Innovation Hub, Chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam, trả lời: "Khi bạn đã có ý tưởng thì suy nghĩ tiếp sản phẩm đó ra đời có người mua không, thị trường có lớn không, đội ngũ có đủ năng lực để phát triển không?"
Phía nhà đầu tư sẽ quan sát người khởi nghiệp có toàn tâm, sống còn với dự án không để quyết định cấp vốn. "Nhà đầu tư chỉ là người lên xe và đi cùng bạn, chứ họ không theo bạn suốt chặng đường. Khi họ đã xuống xe thì xe có chết máy họ chẳng quan tâm", bà Vân nói.
Bà Vân phân tích thêm, nhà đầu tư có thể đưa các star up đến gõ cửa nhiều khách hàng trong mối quan hệ của họ. Vấn đề quan trọng là các mối quan hệ sẽ giúp star up đi xa chứ không hẳn là lượng tiền đầu tư.
'Bạn không nên tự cao, chơi vơi trên mây khi nghĩ ra ý tưởng mà hãy đi từng bước nhỏ rồi hãy tính đến làm chủ. Tôi đã gặp nhiều bạn đi trên mây như vậy trong khi nhà đầu tư thường quan tâm những bước đi nhỏ. Họ đầu tư vào con người và tiềm năng chứ không phải là ý tưởng và giải pháp mà các star up nghĩ ra tức thời", nữ CEO này thẳng thắn chia sẻ.