Chống ngập ở TP.HCM: Làm phần ngọn, quên phần gốc

Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp chống ngập, theo đó hàng trăm tuyến đường đã được xóa ngập. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, TP.HCM mới chỉ giải quyết phần nổi, còn phần chìm là chừa chỗ nước chảy lại chưa được quan tâm khi bê tông hóa quá nhiều.

Giảm hơn 100 tuyến đường ngập

Báo cáo trong buổi thông tin về tình hình chống ngập trên địa bàn TP.HCM ngày 9-6, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP), cho biết: Thống kê qua nhiều năm, đến năm 2018 TP còn 126 tuyến đường ngập và đến nay trung tâm khẳng định là chỉ còn 22 tuyến ngập. Như vậy, TP đã xóa được 104 tuyến đường ngập.

Cũng theo ông Điệp, từ đầu năm đến nay có ba trận mưa lớn, có vũ lượng 70,6-112,3 mm trong vòng chưa đầy hai giờ nên gây quá tải cho hệ thống thoát nước. Trong thời gian mưa, các tuyến đường bị ngập nhưng hầu hết sau khi hết mưa, trung bình khoảng 25 phút nước đã rút hết trên mặt đường.

“Một phần nguyên nhân ngập là do rác tắc nghẽn ở các miệng cống, mưa không ai tháo dỡ rác ở các miệng cống nên cống không thu nước được, đồng thời rất nhiều tuyến kênh rạch bị lấn chiếm, dòng chảy thu hẹp khiến việc thoát nước khó khăn hơn” - ông Điệp phân tích.

Cũng theo ông Điệp, thống kê hiện nay có 67 vị trí lấn chiếm sông, kênh, rạch, cơ quan chức năng đã xử lý 34 vị trí, còn 33 vị trí. Có thể kể đến như việc lấn chiếm kênh A41 gây ngập sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cửa xả cầu Ngang bị lấn chiếm, thu hẹp chỉ còn hơn 1 m gây ngập đường Phạm Văn Đồng.

Hiện trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều con đường cứ mưa là ngập sâu. Ảnh: Hoàng Giang

Bê tông hóa khiến nước không còn chỗ chảy

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đặc thù TP.HCM có lượng mưa lớn, kết hợp với triều cường.

Hiện TP.HCM cũng có nhiều giải pháp, tuy nhiên để có hiệu quả trong việc giảm ngập nước thì TP cần thêm giải pháp trữ nước mưa. Ngoài ra, mặt đường bị bê tông hóa quá nhiều nên một trong những cách có thể giúp nước thấm xuống để giảm ngập là tạo mảng xanh.

“Ở một số nước, nơi nào làm được mảng xanh là làm ngay, còn TP.HCM nơi nào bê tông hóa được là bê tông hết. Điều này làm nước không thấm được xuống đất. Vì vậy TP cần tính toán việc tạo thêm mảng xanh, nó không chỉ giúp điều hòa khí hậu mà còn tạo nơi thấm hút nước. TP nên có giải pháp khuyến khích từ người dân đến công sở, cơ quan tạo thêm mảng xanh” - ông Quân tư vấn.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết từ nay đến tháng 9, dự báo lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 20%-30%, từ tháng 10 sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Theo dự đoán, mưa nhiều tập trung vào tháng 9, tháng 10, có những ngày tổng lượng mưa lên tới hàng trăm mm, gây ngập lụt nhiều tuyến đường, nhất là vào thời điểm mực nước triều lên cao. 

Cùng vấn đề này, PGS-TS Chế Đình Lý, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng những giải pháp chống ngập chúng ta đang làm hiện nay tuy không sai nhưng chưa có giải pháp căn cơ. Do TP.HCM là TP đặc biệt, quá trình đô thị hóa nhanh, việc quy hoạch đô thị trước đây chưa nghĩ đến việc chừa chỗ cho nước thoát nên cứ mưa là ngập cũng dễ hiểu.

“TP.HCM chỉ đưa ra giải pháp để giải quyết phần ngọn chứ chưa giải quyết được phần gốc. Để giải quyết phần gốc là phải chừa chỗ nước chảy khi mưa to. Chúng ta bê tông hóa quá nhiều, mưa bao nhiêu là nước đổ hết ra đường” - ông Đình Lý nói.

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Điệp cũng đồng quan điểm và đưa ra dẫn chứng: Đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức), toàn bộ nước mưa từ các mái nhà đổ xuống đường và gây ra dòng chảy rất mạnh. Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) với dày đặc chung cư cao tầng nên được xem là “rốn” ngập của TP, người dân phải sống chung với cảnh bì bõm nhiều năm nay.

“Hệ thống thoát nước cũ, hạ tầng bị ảnh hưởng nặng nề bởi quá trình bê tông hóa dẫn đến mạch đất tiếp nhận nguồn nước mưa, thấm xuống lòng đất không còn nữa, giảm bớt khả năng thẩm thấu. Nếu chúng ta để ý sẽ thấy ngoại thành đỡ ngập hơn vì bê tông hóa ít hơn” - ông Điệp phân tích thêm.

Về hồ điều tiết trữ nước mưa, ông Điệp cho biết TP đang tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi nên 103 hồ điều tiết (theo kế hoạch trước nay) đang nằm trong việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Khi quy hoạch tổng thể sau điều chỉnh được duyệt thì mới tiến hành xây dựng.

Theo ông Điệp, sau khi có quy hoạch, TP sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư dự án chống ngập theo quy hoạch. Khó khăn là nguồn lực đầu tư cho hệ thống thoát nước TP mới đạt 20%-25% yêu cầu nên việc huy động nguồn lực đầu tư là rất quan trọng, nó quyết định thành công của công tác chống ngập.

Rà soát 2 quy hoạch thủy lợi lớn

TP.HCM đang rà soát hai quy hoạch thủy lợi lớn trên địa bàn TP.

Quy hoạch thủy lợi chống ngập do triều cho TP.HCM (Quy hoạch 1547) do Bộ NN&PTNT lập, Chính phủ phê duyệt năm 2008, chú trọng việc chống ngập do triều, chưa chú ý đến yếu tố mưa lớn và xả lũ. Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng là dự án được hình thành và triển khai bám vào quy hoạch này, dự kiến dự án hoàn thành vào tháng 10 năm nay.

Quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (Quy hoạch 752) do JICA (Nhật Bản) lập từ năm 1997-1998, duyệt năm 2001, là quy hoạch chuyên ngành đang chỉ đạo công tác thoát nước mưa và nước thải của TP. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

(PLO)- Dự báo nắng nóng vẫn tiếp diễn, sang tháng 4 và tháng 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là trên 39 độ C.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

(PLO)- Một số địa bàn vẫn còn nhiều điểm tồn đọng rác thải cần được giải quyết triệt để như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh.