Trong buổi họp báo diễn ra vào 13-11, một ngày sau phiên điều trần công khai đầu tiên về việc luận tội tổng thống, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã mô tả hành động của ông Trump là "hối lộ" - một điều khoản để luận tội Tổng thống được nhắc đến trong Hiến pháp Mỹ.
"Lời khai của các nhân chứng đã chứng thực những bằng chứng về việc hối lộ, vốn được phát hiện trong cuộc điều tra. Điều này chứng tỏ Tổng thống đã lạm dụng quyền lực và vi phạm lời tuyên thệ khi nhậm chức, thông qua việc đe dọa ngưng viện trợ quân sự và gặp gỡ tại Nhà Trắng nhằm đổi lấy cuộc điều tra nhắm vào đối thủ chính trị của mình" - bà Peolosi nói trong cuộc họp báo.
Bà Pelosi còn cho biết bằng chứng trong phiên điều trần khiến những "tội lỗi" của Tổng thống thứ 37 của Mỹ Richard Nixon, người phải từ chức năm 1974 để tránh bị luận tội, "trông thật nhỏ bé".
Sự thay đổi từ ngữ trong tuyên bố của bà Pelosi cho thấy được định hướng của đảng Dân chủ trong việc luận tội ông Trump, khi đã gọi hành động của ông này là "hối lộ" thay cho "có qua có lại" như trước.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trong phiên họp báo. Ảnh: THE GUARDIAN
Theo hãng tin Reuters, có thể dự đoán rằng đảng Dân chủ sẽ cố đưa cuộc điều tra theo hướng hối lộ, vì theo Hiến pháp Mỹ, các sai phạm có thể bị luận tội bao gồm "phản quốc, hối lộ hoặc các tội khác".
Ngoài cáo buộc hối lộ, đảng Dân chủ cũng tập trung vào hành vi "cản trở Quốc hội" của ông Trump, khi ông này nhiều lần ngăn cản việc lấy lời khai của các quan chức cấp cao. Việc cản trở Quốc hội cũng là một vi phạm có thể bị luận tội, theo Hiến pháp Mỹ.
Phiên điều trần công khai về luận tội Tổng thống Trump đã diễn ra vào ngày 13-10, với sự hiện diện của cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor và Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ George Kent.
Phiên điều trần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15-11, với nhân chứng là bà Marie Yovanovitch, một cựu đại sứ Mỹ khác tại Ukraine.