Chuyển đổi sản xuất nông dân trồng lúa tăng lợi nhuận gần 30%

Ngày 25-3, tại Tiền Giang, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSat) năm 2020 - Hợp phần phát triển lúa gạo bền vững và triển khai kế hoạch dự án năm 2021.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, giảm tác động tiêu cực đến môi trường đối với sản xuất lúa.

Năm 2020 dự án VnSat được triển khai tại 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL gồm: Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng với tổng vốn được giao 446 tỉ đồng.

Nông dân trồng lúa thu lãi gần 30% khi chuyển đổi sản xuất bền vững. Ảnh: ĐH

Dự án hỗ trợ đào tạo kỹ thuật  “3 giảm 3 tăng” cho trên 150.000 nông dân với diện tích áp dụng trên 210.000ha. Các tỉnh ĐBSCL đã đào tạo cho trên 98.000 nông dân với diện tích áp dụng trên 140.000ha áp dựng quy trình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”.

Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ chức nông dân… Trong đó, hỗ trợ đầu tư 91 tiểu dự án cho các tổ chức nông dân với tổng vốn IDA trên 580 tỉ đồng. Đến nay đã có 88 tiểu dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Còn lại 3 tiểu dự án chưa hoàn thành (tại tỉnh Kiên Giang).

Riêng đối với hơp phần tín dụng lúa gạo, có 10 công ty được vay vốn từ dự án với tổng vốn 764 tỉ đồng (đạt 60% nguồn vốn phân bổ cho tính dụng lúa gạo).

Theo đánh giá của Ban quản lý dự án VnSat, những hỗ trợ của dự án đã đóng góp làm thay đổi lớn về phương thức sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Cụ thể, các hợp tác xã tham gia dự án đều sử dụng giống lúa xác nhận, giống chất lượng cao; giảm lượng giống gieo sạ còn trung bình 100-120kg/ha (trước đây 150-200kg/ha); giảm chi phí đầu vào; giảm thất thoát sau thu hoạch; có 57.000ha được các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm…

Ngoài ra tham gia dự án, lợi nhuận của người trồng lúa tăng ròng bình quân mỗi ha gần 28,3 % so với nông dân ngoài dự án; giảm khí phát thải trong quá trình canh tác.

Nông dân ĐBSCL trúng đậm vụ mùa thu hoạch lúa. Ảnh: ĐH

Ông Nguyễn Chí Thiện-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, thực hiện dự án Long An đã triển khai trên địa bàn 5 huyện, thị nhằm nâng cao hiệu quả cho 20.000 ha sản xuất lúa. Kết quả việc nâng cao hiệu quả canh tác lúa thể hiện rõ rệt, nhiều HTX  được đầu tư sản xuất hiệu quả để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, người nông dân vẫn còn thói quen sản xuất nhỏ lẻ, nhiều HTX mới thành lập nên vẫn còn yếu về nguồn lực, kinh nghiệm quản lý.

“Long An sẽ tiếp tục đầu tư cho HTX theo luật đầu tư công. Sẽ triển khai 11 tiểu dự án, xây dựng 4 trạm bơm điện để chủ động trong vấn đề bơm tưới, nâng cấp 8 tuyến đê bao đảm bảo ngăn lũ… Đồng thời yêu cầu các huyện trong dự án phải tập trung vận động nông dân, tiếp tục thực hiện các nội dung đã cam kết với dự án”, ông Thiện nói.    

Theo kế hoạch, năm 2021 dự án VnSat sẽ tiếp tục được gia hạn đầu tư tại 8 tỉnh, thành trên tại vùng ĐBSCL với tổng vốn được giao thực hiện dự án trên 470 tỉ đồng.         

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, trong những năm qua, ngành lúa gạo ĐBSCL đối phó với nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là ngoài gặp khó khăn về thị trường, dịch bệnh ngành lúa gạo còn chịu ảnh hưởng của hạn mặn. Tuy nhiên, kết quả đạt được như trên là đáng trân trọng.

“Thời gian tới, tôi đề nghị các tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình, đây là điểm sáng để mô hình sản xuất lúa gạo càng ngày càng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giảm giá thành, các địa phương cố gắng lồng ghép các chương trình này vào giai đoạn trung hạn của dự án, Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ địa phương thực hiện mô hình” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm