Chuyên gia: Philippines cần lưu tâm TQ tại Biển Đông giữa khủng hoảng Ukraine

Báo BusinessWorld (Philippines) dẫn lời các chuyên gia về chính sách đối ngoại nhận định Philippines cần lưu tâm việc Trung Quốc có khả năng quân sự hóa Biển Đông hơn nữa giữa lúc Mỹ và các đồng minh đang bận tâm về việc Nga tấn công Ukraine.

"Manila cần cảnh giác Trung Quốc tại Biển Đông" 

Chia sẻ quan điểm trong một diễn đàn trực tuyến trên Facebook hồi cuối tuần qua, ông Jaime B. Naval - giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Philippines – cho biết: “Hãy cảnh giác Trung Quốc”.

“Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông ngay cả trong thời gian đại dịch, và khi tính toán rằng các cường quốc trong và ngoài khu vực đang bị phân tâm vì tình hình Ukraine, nước này có thể bắt tay vào các hành động mạo hiểm hơn” – vị chuyên gia cảnh báo.

Các tàu hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận tại Biển Đông. Ảnh: AFP

Theo ông Naval, không quốc gia nào có thể đủ năng lực để xoay xở hai cuộc chiến ở các khu vực khác nhau cùng một lúc. 

“Vì họ (Mỹ cùng các đồng minh) đang bận tâm ở nơi khác, họ sẽ không có đủ thời gian, nguồn lực, năng lượng và sự tập trung để bằng cách nào đó chủ động can dự vào tình hình khu vực” - ông Naval nhận định.

Tuy nhiên, ông Naval lưu ý rằng một động thái (trong trường hợp xảy ra) của Trung Quốc không nhất thiết phải là một cuộc chiến vật lý. 

“Hiện nay, một bên không nhất thiết phải tấn công một quốc gia khác để thực thi ý chí của mình. Điều đó có thể được thực hiện thông qua các biện pháp khác" – ông Naval cho hay.

Đại sứ quán Trung Quốc chưa đưa ra bình luận phản hồi yêu cầu từ BusinessWorld.

Trong khi đó, ông Carl O. Schuster - đại úy hải quân Mỹ đã nghỉ hưu – cho rằng Trung Quốc tin rằng họ có thể chi phối Philippines về mặt kinh tế, BusinessWorld đưa tin.

“Họ có thể đạt được những gì họ cần từ Philippines bằng cách từ từ tiếp quản các đảo ven biển và thiết lập quan hệ đối tác kinh tế với các thành viên chủ chốt của giới tinh hoa Philippines nhằm đạt được sự chi phối về kinh tế, từ đó cho phép họ định hướng chính sách của Philippines” – vị cựu sĩ quan nhận định.

Tuy nhiên, ông cho rằng “Trung Quốc không thực sự quan tâm đến việc chi phối Philippines. Bắc Kinh quan tâm đến việc tác động Philippines nhằm hành xử theo cách mà Trung Quốc muốn Manila hành xử trong mối quan hệ với Bắc Kinh”.

BusinessWorld dẫn lời ông Renato C. de Castro - giáo sư nghiên cứu quốc tế tại ĐH De La Salle (Philippines) – nhận định: “Chiến lược của Trung Quốc là giành chiến thắng mà không thực sự chiến đấu trong việc đối phó các quốc gia tranh chấp khác”.

“Khi bạn muốn chi phối đối thủ của mình, bạn tạo ra hình ảnh rằng bạn mạnh mẽ đến mức những người khác sẽ không dám thách thức bạn” – ông C. de Castro nêu quan điểm.

Ông bổ sung thêm rằng vấn đề Biển Đông có thể trở nên phức tạp hơn khi vẫn tồn tại căng thẳng ở biển Hoa Đông, cũng như tại eo biển Đài Loan.

Yếu tố Trung Quốc trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines sắp tới

Trong khi đó, ông Schuster đề cập việc Trung Quốc có thể ngừng “bắt nạt” ở Biển Đông trong bối cảnh người dân Philippines bầu một tổng thống mới trong năm nay, BusinessWorld đưa tin. 

Trước tiên, Bắc Kinh khả năng sẽ tập trung vào một thỏa thuận thăm dò chung với chính phủ Philippines sắp tới để giành được sự ủng hộ, ông Schuster nói thêm.

Tổng thống Philippines Rodrigo R. Duterte (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: KYODO / XINHUA / REUTERS

Theo ông Herman Joseph S. Kraft - người đứng đầu Khoa khoa học chính trị của ĐH Philippines, Trung Quốc sẽ ưu tiên lợi ích của riêng mình theo cách nào đó.

“Phía Trung Quốc có chương trình nghị sự của riêng họ ở Biển Đông mà không bị các cuộc bầu cử quốc gia của Philippines quyết định” – ông Kraft nhận định.

Ông Kraft cho rằng người kế nhiệm Tổng thống Rodrigo R. Duterte nên đa dạng hóa các quan hệ đối tác kinh tế.

“Trước khi ông Duterte đảm nhiệm chức tổng thống, Philippines không phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và có thể vượt qua sức ép kinh tế. Giờ đây, sức ép kinh tế từ Trung Quốc có thể được cảm nhận rõ ràng hơn, dù vẫn chưa đến mức các lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng nghiêm trọng” – ông Kraft nêu quan điểm.

Về phía mình, ông Schuster cho rằng Philippines nên tập trung vào việc mở rộng nền kinh tế của mình để cắt giảm đòn bẩy của Trung Quốc. 

“Đòn bẩy quyền lực trong 15 năm tới sẽ được thúc đẩy qua sự phát triển kinh tế hơn là quân sự. Nếu quân đội là lá chắn, hãy coi kinh tế như thanh kiếm” – ông Schuster cho hay.

Liên quan khía cạnh sức mạnh quân sự, ông Schuster cho rằng: “Quý vị cần phải đủ mạnh để có thể xoay xở tình hình. Quý vị không cần phải đủ mạnh để giành chiến thắng".

“Nếu nền kinh tế phát triển và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, quý vị sẽ ở một vị thế mạnh mẽ hơn nhiều. Đó là điều mà các đồng minh, tôi nghĩ, nên cân nhắc" – ông Schuster chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm