Moscow và Bắc Kinh đều đang đối mặt với sự đối đầu từ phương Tây nên rất có khả năng sẽ tăng cường quan hệ đồng minh bất kể kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga như thế nào, tờ South China Morning Post dẫn nhận định từ giới quan sát.
Theo giới quan sát, Trung Quốc và Nga “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xích lại gần nhau hơn”, đặc biệt là sau khi các nhà lãnh đạo G7 và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra quan điểm cứng rắn với hai nước trong tuần này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Trong thông cáo hôm 13-6, G7 đã kêu gọi Nga điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học và khiến những kẻ đứng sau các vụ tấn công mạng phải chịu trách nhiệm. G7 cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và kêu gọi Trung Quốc tôn trọng tự do cơ bản và quyền con người, đặc biệt tại khu vực Tân Cương và Hong Kong.
Hôm 14-6, NATO nhận xét Trung Quốc gây ra “những thách thức mang tính hệ thống” đối với trật tự quốc tế và nhấn mạnh việc Bắc Kinh hợp tác quân sự với Nga là mối quan tâm hàng đầu. NATO cũng cho rằng hành động của Nga tạo thành “mối đe dọa” đối với an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.
Ông Shi Yinhong - Giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh - cho biết NATO và G7 đã gây ra nhiều sự bất đồng hơn giữa Mỹ và Nga, và hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ ngày 16-6 tại Geneva, Thụy Sĩ sẽ không thể thay đổi được điều này.
Theo ông Shi, căng thẳng với phương Tây có thể dẫn đến một liên minh mạnh hơn giữa Nga và Trung Quốc.
Ông nói: “Trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc và Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường hợp tác chiến lược, quân sự và ngoại giao”.
Ông Lu Xiang - một chuyên gia về Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - dự đoán ông Biden sẽ cố gắng trao đổi với ông Putin nhằm chia rẽ quan hệ Nga - Trung.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Moscow sẽ tiếp tục theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh vì nó ảnh hưởng đến an ninh của Nga và có thể hai nước sẽ tiến tới thiết lập nhiều thỏa thuận hơn trong nửa cuối năm nay.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định mối quan hệ Mỹ - Nga đã "xấu đi đến mức thấp nhất trong những năm gần đây".
Về phía Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ không tìm kiếm xung đột với Nga mà muốn thiết lập mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán, song vẫn sẽ “đáp trả một cách mạnh” nếu Moscow tham gia vào các hoạt động có hại cho Mỹ.
Ông Biden dự kiến sẽ nêu ra các vấn đề gây đang tranh cãi giữa Mỹ và Nga - gồm cáo buộc Nga có liên quan tới các vụ tấn công mạng vào hạ tầng nước này, xung đột với Ukraine và các vấn đề về kiểm soát vũ khí - trong cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga để thảo luận về mối quan hệ đang xấu đi giữa Điện Kremlin và phương Tây.
Ông Artyom Lukin - Phó giáo sư tại ĐH Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok (Nga) - cho rằng hội nghị thượng đỉnh tại Geneva sẽ không giải quyết căng thẳng giữa Nga và Mỹ, tuy nhiên nó có thể hữu ích trong việc giảm thiểu sự đối đầu giữa hai cường quốc.
Theo ông, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ đồng ý chấm dứt một cuộc chiến ngoại giao khi mà trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều nhà ngoại giao Mỹ và Nga bị trục xuất, các cơ quan lãnh sự đóng cửa và việc cấp thị thực giữa hai quốc gia bị đình chỉ.
Theo ông, nếu tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva, họ có thể giải quyết những vấn đề nhỏ này, thì rất có khả năng họ sẽ có thể giải quyết những vấn đề lớn hơn trong tương lai.