Chuyện những người đào huyệt chôn người chết vì COVID-19

Dưới cái nắng đổ lửa ở thủ đô Jakarta (Indonesia), ông Minar – một người đào huyệt vẫn miệt mài vung xẻng đào đất mở huyệt ở nghĩa trang Pondo Rangon. Trong 33 năm làm nghề đào huyệt, người đàn ông 54 tuổi này chưa bao giờ bận rộn đến thế.

Jakarta thông báo có ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 từ giữa tháng 3. Kể từ đó số người chết cứ cao lên mỗi ngày, đồng nghĩa ông Minar và những đồng nghiệp như ông ngày thêm bận rộn.

“Công việc tôi giờ rất khác…Tôi rất hiếm khi được nghỉ ngơi. Tôi rất mệt vì phải đào huyệt không ngừng, vì có quá nhiều thi thể đến, từng giờ” - ông Minar nói với kênh CNA.

Những người đào huyệt chuẩn bị huyệt mộ cho người chết vì COVID-19, tại một nghĩa trang ở Jakarta. Ảnh: AFP

Tính tới chiều 24-4 Indonesia đã có tới 689 người chết trong tổng số 8.211 ca nhiễm COVID-19, theo số liệu từ trang web thống kê Worldometer. Indonesia hiện là nước có số người chết vì COVID-19 cao nhất Đông Nam Á, dù số ca nhiễm đứng thứ hai, sau Singapore. Tỉ lệ tử vong trên số ca nhiễm ở Indonesia thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á: Khoảng 9%.

Jakarta là nơi có nhiều người chết nhất Indonesia. Trong tổng số ca nhiễm và tổng số người chết thì có đến một nửa là ở Jakarta, hơn 300 người.

Chính quyền Jakarta chỉ đạo chỉ chôn người chết vì COVID-19 hay chết nghi vì nhiễm COVID-19 ở hai nghĩa trang: một ở phía đông thủ đô - nơi ông Minar làm việc, một ở phía tây thủ đô. Đây là hai   nghĩa trang còn nhiều chỗ trống nhất ở Jakarta, theo chính quyền thủ đô.

Jakarta là nơi có nhiều người chết nhất Indonesia và những người đào huyệt đang làm việc liên tục tại nghĩa trang Pondok Rangon ở thủ đô. Ảnh: CNA đưa lại từ người đào huyệt tên Minar.

Chính quyền Jakarta cho biết đã có hơn 1.000 người chết được chôn ở hai nghĩa trang này theo thể thức áp dụng với người chết vì COVID-19, dù con số tử vong chính thức ghi nhận vì COVID-19 ở cả Indonesia mới là 689. Điều này có nghĩa một phần lớn người chết được chôn ở hai nghĩa trang ở Jakarta là những người chết vì nghi nhiễm COVID-19 và tử vong trước khi có kết quả xét nghiệm.

Đào huyệt từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn

Có khoảng 80 người đào huyệt ở nghĩa trang Pondok Rangon. Lương của họ do chính quyền Jakarta trả, mức 3,6 triệu rupiah/tháng (tương đương 5,4 triệu đồng).

80 người này thường được chia làm bốn nhóm, theo lời ông Minar. Mỗi tuần, mỗi nhóm luân phiên nhau đảm trách một phần việc: đào huyệt mộ để chôn người chết mới, vệ sinh các phần mộ cũ, cắt cỏ, dọn dẹp các đường cống rãnh trong nghĩa trang. Điều này có nghĩa ông Minar và đồng nghiệp thường chỉ phải làm công việc đào huyệt mộ một tuần trong một tháng.

Nhân viên mai táng khiêng quan tài của một người chết vì COVID-19 đến chôn tại nghĩa trang Pondok Rangon ở Jakarta (Indonesia). Ảnh: REUTERS

Nhưng đó là phân công công việc khi chưa có dịch. Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, ông Minar và đồng nghiệp ở cả nhóm ông và các nhóm khác phải đào mộ mỗi ngày, dù tuần đó công việc phân công chính thức của nhóm ông là gì đi nữa.

Một huyệt mộ thường mất đến 2 giờ đào và những ngày này ông Minar và các đồng nghiệp thường phải đào trung bình năm huyệt mộ mỗi ngày. Ông Minar và đồng nghiệp thường bắt đầu một ngày làm việc từ 7 giờ sáng và kết thúc công việc vào lúc 6 giờ tối, khi mặt trời hoàn toàn khuất bóng.

Ông Minar (không đội mũ) cho biết thường phải mất 2 giờ đào mới xong một huyệt. Ảnh: CNA đưa lại từ người đào huyệt tên Minar

Ngoài chuyện đào huyệt mộ, ông Minar và đồng nghiệp còn phải khiêng các thi thể ra khỏi các xe cứu thương và chôn họ.

Khi được hỏi ông có sợ không khi phải liên tục tiếp xúc với các thi thể chết vì bệnh truyền nhiễm, ông Minar thành thật nói: “Tôi lo chứ vì COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm. Thật sự tôi có sợ nhưng đây là trách nhiệm của tôi. Tôi có thể nói gì nữa?”.

Hỗ trợ bảo vệ ông Minar và các đồng nghiệp là các bộ đồ bảo hộ cá nhân. Nhưng thực tế theo ông Minar thì mặc chúng dưới cái nắng nóng của Jakarta giống như một sự tra tấn.

“Tôi cảm thấy như mình đang bị thiêu. Chẳng dễ chịu gì. Tôi thường phải mặc sẵn sàng khi nghe tin có xe cứu thương chuẩn bị đến, nhưng có khi xe tới chậm cả 30 phút, đúng là rất nóng” - ông Minar kể lại cảm giác bức bối của mình khi phải mặc đồ bảo hộ cá nhân chờ đợi dưới trời nóng.

Nhân viên mai táng khiêng quan tài của bác sĩ Ratih Purwarini chết vì bị lây nhiễm COVID-19 trong quá trình cứu chữa bệnh nhân, trong lễ tang ông ở Jakarta (Indonesia). Ảnh: REUTERS

Nếu không nắng thì là mưa. Dù thời tiết nào thì công việc đào huyệt mộ và chôn người chết vì COVID-19 vẫn phải tiếp tục. Và thực hiện các công việc này dưới trời mưa cũng không phải dễ dàng gì.

Nỗi lo bị lây nhiễm

Vì virus được cho là có thể vẫn ở trên thi thể người dù họ đã chết nên ngành y tế có hướng dẫn là phải chôn cất càng sớm càng tốt để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro virus lây lan.

“Tôi phải chạy đua với thời gian để chuẩn bị huyệt mộ. Nhưng thỉnh thoảng cũng có thi thể được đưa tới khi huyệt mộ chưa được đào xong” - ông Minar nói.

Một nhân viên mai táng xịt khử trùng khu nghĩa trang chôn một người chết vì COVID-19 ở Jakarta (Indonesia). Ảnh: AFP

Ông Minar có năm người con. Ông cũng sợ mang virus về lây cho con. Các con ông cũng sợ nhưng chẳng còn cách nào khác là cầu nguyện cho bố.

“Chúng cầu nguyện cho tôi hay nói những lời khích lệ như ‘Bố ơi cẩn thận, chúng con mong bố không bị nhiễm’. Chúng ủng hộ tôi vì chúng hiểu công việc của tôi cũng đang góp phần chiến đấu với dịch COVID-19” - ông Minar chia sẻ.

Để giảm nguy cơ mang virus về nhà lây cho con, mỗi khi xong việc ông Minar lúc nào cũng tắm luôn lại nghĩa trang trước khi ra về.

Ông Minar (phải) và các đồng nghiệp nhận phần ăn trưa sau một phiên đào huyệt mộ. Ảnh: AFP

Ông cũng chia sẻ rằng mình may mắn có các láng giềng thông cảm cho công việc đặc thù của ông. Ông và đồng nghiệp còn được cộng đồng hỗ trợ bữa trưa và đôi lúc cả quần áo bảo hộ. Có lần một tổ chức từ thiện còn sắp xếp khám sức khỏe cho ông và đồng nghiệp.

Thân nhân không được tiễn đưa

Ông Minar cho biết ông rất đau lòng mỗi lần nhìn thấy cảnh người thân của người chết chỉ có thể vĩnh biệt người thân mình từ xa.

“Tình hình lúc này rất khác, người thân của người chết không được đến gần chứng kiến quá trình chôn cất. Mọi thứ phải được làm xong rất nhanh” -AFP dẫn lời ông Minar.

Theo quy định thì không được có quá năm người tập trung quanh một huyệt mộ một khi quá trình mai táng diễn ra cho đến khi hoàn thành và xe cứu thương chở thi thể đến rời đi.

Gia đình của người chết vì COVID-19 chỉ được đứng tiễn đưa người thân từ xa, tại nghĩa trang ở Jakarta (Indonesia). Ảnh: AFP

Thăm mộ người thân là truyền thống của người theo đạo Hồi những ngày trước tháng lễ ăn chay Ramadan. Trong những ngày này các nghĩa trang thường rất đông người, cả thân nhân người chết và những người bán hàng rong. Tuy nhiên quang cảnh năm nay khác hẳn, nghĩa trang vắng vẻ vì lệnh cấm tụ tập của chính quyền.

“Tôi đã làm việc ở đây mấy chục năm và chưa bao giờ chứng kiến cảnh vắng vẻ thế này. Thỉnh thoảng chỉ 1-2 người đến, mà họ cũng giữ khoảng cách với chúng tôi” - ông Minar nói.

Thường thì những người đi thăm mộ hay cho tiền ông Minar và đồng nghiệp như một cách cảm ơn họ đã chăm sóc phần mộ người thân mình. Không có khách đến, thu nhập của ông dĩ nhiên giảm nhưng ông không buồn nhiều vì vẫn còn khoản tiền lương. Ông nói ông thấy buồn cho những người bán hàng rong phải mất đi một khoản thu trong mùa này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm