“Công lý môi trường” với thủy điện dòng Mekong

Bản báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM, Úc) đã đề xuất như trên tại hội thảo “Đằng sau những con đập thủy điện trên sông Mekong” ngày 2-10 (do Trung tâm Thiên nhiên và Con người - PanNature, trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức).

Việt Nam tổn thất nặng

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc PanNature, cho biết hiện Chính phủ Việt Nam đang tham vấn ý kiến của các nhà khoa học về việc xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Trong thời gian tới, trước khi cuộc họp cấp bộ trưởng giữa các nước bàn về dự án đập Xayaburi, PanNature sẽ trình bày, chia sẻ thêm thông tin tổng thể về việc phát triển thủy điện trên dòng Mekong cho các đại biểu Quốc hội và Chính phủ.

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature, những năm gần đây, các nước vùng thượng nguồn xây dựng các công trình khai thác, phát triển thủy điện quy mô khiến nguồn nước đổ về Việt Nam ngày càng cạn kiệt. Vùng đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc 95% nguồn nước này sẽ bị thiệt hại nặng khi các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong được xây dựng.

Hiện nay các quốc gia hạ sông Mekong đang có kế hoạch xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính. Trong bốn nước ở hạ lưu thì Lào có lợi ích kinh tế lớn nhất, trực tiếp từ thủy điện dòng chính và có thể thu hơn 70% lợi nhuận; Campuchia sẽ có 30% nguồn thu xuất khẩu điện được 1,2 tỉ USD/năm, giảm chi phí năng lượng cho công nghiệp và đa dạng hóa nền kinh tế. Thủy điện dòng chính không có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành năng lượng của Thái Lan nhưng Thái Lan sẽ thu được nhiều lợi ích kinh tế. Bản báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM, Úc) chỉ ra rằng Việt Nam là nước duy nhất không có thủy điện dòng chính nhưng sẽ hứng chịu tổn thất nhiều nhất do nằm ở cuối nguồn. Đó là sự gia tăng xâm nhập mặn, giảm phù sa về đồng bằng sông Cửu Long, nguồn lợi thủy sản… mà hiện vẫn chưa thể tính toán được hết.

Phải bình đẳng cả lợi ích lẫn rủi ro

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, bổ sung: Việc khai thác tài nguyên trong lưu vực sông Mekong ngày càng nhiều là thách thức ngày càng tăng đối với hợp tác Mekong. Nằm ở vùng thượng lưu có nguồn thủy năng lớn, Trung Quốc dự kiến xây 15 thủy điện bậc thang nhưng không hề hợp tác, thỏa thuận hoặc trao đổi với các nước hạ lưu. Theo ông Tứ, nếu các nước không hợp tác được với nhau thì đồng bằng sông Cửu Long đứng trước tác động “kép” của việc phát triển thủy điện và biến đổi khí hậu, gây ra thách thức lớn đối với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh lương thực, an ninh quốc gia và cả khu vực.

TS Carl Middleton, khoa Khoa học Chính trị (ĐH Chulalongkorn, Thái Lan), đưa ra một khái niệm về “công lý môi trường” mà ở các nước tiên tiến đã áp dụng. Theo đó, phải có sự đối xử bình đẳng và tham gia có ý nghĩa của tất cả mọi người. Và để thực hiện được điều trên thì phải có sự phân phối bình đẳng về lợi ích cũng như rủi ro… “Nếu Thái Lan và Việt Nam quyết định không mua lượng điện từ các dự án trên dòng chính thì các dự án này sẽ có thể không triển khai được, nhất là thủy điện Xayaburi”.

TS Richard P.Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á (Trung tâm Stimson), thì cho rằng tư duy hiện nay về xây dựng cơ sở hạ tầng thủy điện là ngắn hạn. Vậy nên trước khi quyết định xây thủy điện thì đừng chỉ đánh giá về sự tác động đến môi trường, xã hội trong phạm vi hẹp mà cần nhìn rộng ra lợi ích của các quốc gia khác.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm