COVID-19 châu Âu: TBN sáng rõ, dần khôi phục sản xuất từ mai

Số người chết vì COVID-19 ở châu Âu đã hơn 77.000 tính đến ngày 12-4, theo trang web thống kê Worldometer.

Ngày 12-4, Anh chính thức trở thành quốc gia châu Âu thứ tư có hơn 10.000 người chết vì COVID-19, theo tờ Sky News.

Trước đó, số ca tử vong vì đại dịch này ở Ý (ngày 28-3), Tây Ban Nha (ngày 2-4) và Pháp (ngày 7-4) cũng đã vượt mức 10.000 người. Cụ thể, số ca tử vong vì COVID-19 ở Ý đã là gần 20.000 người. Tây Ban Nha cũng có gần 17.000 ca tử vong, còn Pháp có hơn 14.000 ca tử vong.

Xe cấp cứu chờ sẵn bên ngoài BV dã chiến NHS Nightingale ở London, Anh. Ảnh: AFP

Tây Ban Nha: Nhiễm mới tiếp tục giảm nhưng số ca tử vong bất ngờ tăng trở lại

Trưa 12-4 (theo giờ địa phương), Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo trên Twitter rằng nước này đã phát hiện tổng cộng 166.019 ca nhiễm COVID-19, trong đó 16.972 người tử vong.

Những ngày qua số ca nhiễm mới và số tử vong mới mỗi ngày ở Tây Ban Nha đã chựng lại, ít tăng, có ngày giảm. Số ca nhiễm mới là 4.167, tăng 2,57% so với tổng số ca nhiễm ngày trước đó. Số ca tử vong mới là 619, có tăng sau chuỗi bốn ngày giảm liên tiếp nhưng không nhiều.

Tính đến ngày 12-4, số bệnh nhân COVID-19 đã được xuất viện ở Tây Ban Nha là 62.391, tăng 3.282 trường hợp so với số liệu công bố một ngày trước đó.

Tây Ban Nha đang là ổ dịch lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ) và có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ ba thế giới (sau Mỹ và Ý).

Sau khi tham khảo ý kiến của chuyên gia khoa học, ngày 12-4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez quyết định cho phép một số ngành sản xuất và xây dựng hoạt động trở lại từ ngày 13-4.

Ông cũng tái khẳng định việc nới lỏng bất kỳ lệnh hạn chế nào cũng phải dựa vào sự tiến triển của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trong nước, theo CNA.

"Chúng ta vẫn còn lâu mới có chiến thắng - thời điểm chúng ta có thể tìm lại cuộc sống bình thường của mình nhưng chúng ta đã có những bước đi đầu tiên mang tính quyết định trên con đường hướng tới chiến thắng" - ông Sanchez nói.

Tuy nhiên, Thống đốc vùng Catalonia - ông Quim Torra coi việc vội vàng khôi phục các hoạt động kinh tế là quyết định liều lĩnh. Ông nói: "Nguy cơ của một đợt bùng phát mới và lệnh phong tỏa lần thứ hai là cực kỳ lớn".

Ông Miguel Angel Carrasco - một nhà sản xuất chương trình truyền hình cho đài truyền hình địa phương Canal Sur cho biết ông vui mừng vì được làm việc trở lại nhưng vẫn "lo lắng về nguy cơ nhiễm virus".

Ý: Số ca tử vong mới thấp nhất kể từ sau ngày 19-3

Ngày 12-4, Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý thông báo nước này phát hiện thêm 4.092 ca nhiễm mới COVID-19, thêm 431 người tử vong và có thêm 1.787 bệnh nhân mới được xuất viện trong vòng 24 giờ qua.

Tính đến ngày 12-4, Ý đã có tổng cộng 156.363 ca nhiễm COVID-19, trong đó 19.899 trường hợp tử vong và 34.211 bệnh nhân đã được chữa khỏi.

Ý đang đứng thứ hai thế giới về số người chết vì COVID-19 (sau Mỹ) và đứng thứ ba về tổng số ca nhiễm (sau Mỹ và Tây Ban Nha).

Như vậy, số ca tử vong mới đã tiếp tục giảm mạnh (giảm 30% so với số liệu tương tự công bố ngày 11-4) và chạm mốc thấp nhất kể từ sau ngày 19-3.

Số ca nhiễm mới cũng giảm hơn 600 trường hợp so với 24 giờ trước đó. Biểu đồ số ca nhiễm mới vẫn trong giai đoạn có giảm, có tăng nhưng nhìn chung số ca nhiễm mới những ngày gần đây đã giảm hơn 1/3 so với con số kỷ lục 6.557 trường hợp được báo cáo hôm 21-3.

Cùng với đó, Ý hiện có 3.343 bệnh nhân đang được điều trị trong các phòng chăm sóc tích cực, giảm nhẹ so với ngày trước đó. Đà giảm số ca nguy kịch đã kéo dài sang ngày thứ chín liên tiếp.

Giới chức Ý cho biết họ đang tiếp tục tăng cường xét nghiệm để sớm phát hiện các ca bệnh mới và kịp thời thực hiện các biện pháp cách ly hiệu quả hơn, theo tờ Sky News.

Theo thông báo ngày 12-4, lần đầu tiên Ý đã xét nghiệm COVID-19 cho hơn 1 triệu người chỉ trong vòng 24 giờ, gấp đôi số xét nghiệm trong những ngày cuối tháng 3.

Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý đã lên kế hoạch hỗ trợ cách ly những người nhập cư vào nước này và xét nghiệm cho họ ngay trên thuyền hoặc ngay khi đưa họ vào bờ.

Pháp: Có thể tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa

Theo số liệu cập nhật lúc 2 giờ chiều 12-4 (giờ địa phương) trên trang web của Cơ quan Y tế công quốc gia Pháp, nước này đã có 14.393 trường hợp tử vong vì COVID-19. Con số này bao gồm 9.253 bệnh nhân qua đời trong các bệnh viện và 5.140 người qua đời ở các nhà dưỡng lão.

Số trường hợp tử vong mới trong 24 giờ qua là 561 người. Trong đó, 315 trường hợp là bệnh nhân đã nhập viện và 246 bệnh nhân tử vong ở các nhà dưỡng lão.

Số ca tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ ở các bệnh viện của Pháp đã giảm gần một nửa so với mức đỉnh điểm 610 trường hợp được báo cáo hôm 6-4.

Số ca nhiễm COVID-19 ở Pháp đã tăng 2.937 trường hợp sau 24 giờ, mức tăng thấp nhất trong một tuần qua.

Pháp đã có tổng cộng 95.403 ca bệnh COVID-19 phải nhập viện và 37.188 trường hợp tự cách ly tại các nhà dưỡng lão hoặc tại nhà. Như vậy, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Pháp là 132.591.

Số trường hợp nguy kịch là 6.845, giảm 35 trường hợp so với ngày trước đó. Đây là ngày giảm thứ tư liên tiếp của số ca nguy kịch vì COVID-19 ở Pháp.

Số bệnh nhân đã được chữa khỏi là 27.186 người, tăng 825 trường hợp so với 24 giờ trước đó.

Đài France24 ngày 12-4 đưa tin Bộ Y tế Pháp nhận định tình hình dịch có vẻ như đang tốt dần, song vẫn cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh.

"Chúng ta phải cảnh giác vì bệnh viện và các cơ sở chăm sóc tích cực đang tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân" - bộ này nói. 

Cảnh sát TP Nice (Pháp) tuần tra ngày 12-4, trong thời gian nước này đang áp dụng lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS

Pháp đã áp dụng lệnh phong tỏa từ ngày 17-3 và chỉ cho phép một số hoạt động thiết yếu tiếp tục diễn ra. Lệnh phong tỏa có hiệu lực tới ít nhất là ngày 15-4.

Dự kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu trong ngày 13-4, nhiều khả năng sẽ thông báo kéo dài thời gian phong tỏa, theo France24. Đây sẽ là lần thứ ba ông Macron có bài phát biểu trước toàn nước Pháp kể từ dịch COVID-19 bùng phát ở nước này.

Ngày 12-4 đánh dấu một ngày tối tăm của nước Anh

Ngày 12-4, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này đã vượt qua con số 10.000 người, theo Sky News.

Cụ thể, 10.612 bệnh nhân COVID-19 đã tử vong sau quá trình điều trị tại các bệnh viện ở Anh, tăng 737 trường hợp so với một ngày trước đó. Con số này không bao gồm những trường hợp có thể cũng chết vì COVID-19 nhưng không nhập viện.

Tính đến 9 giờ sáng 12-4 (giờ địa phương), Anh đã xét nghiệm COVID-19 cho 282.374 người dân, trong đó 84.279 trường hợp cho kết quả dương tính, theo thông báo trên Twitter của Bộ Y tế Anh.

Như vậy, Anh đang là ổ dịch lớn thứ sáu thế giới (sau Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Đức) và có số người chết vì COVID-19 cao thứ năm thế giới (sau Mỹ, Tây Ban Nha, Ý và Pháp).

Trong cuộc họp báo thường nhật của chính phủ, ông Hancock nói: "Hôm nay (ngày 12-4 - PV) đánh dấu một ngày tối tăm trong tác động của dịch bệnh khi chúng ta tham gia vào nhóm các nước có hơn 10.000 người chết" liên quan đến dịch COVID-19.

Ông cho rằng sự thật đau buồn này chứng tỏ sự nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như tầm quan trọng của các nỗ lực phòng dịch mà mỗi người dân Anh đều phải thực hiện.

Theo Sky News, cho đến nay đã có hơn 30 nhân viên y tế thuộc Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) tử vong vì COVID-19. Trong khi đó, Anh cũng đối mặt với những khó khăn mới về trang thiết bị y tế. Nước này đã hủy đơn đặt hàng một lô máy trợ thở vì nó không đủ điều kiện tham gia vào công tác chống dịch COVID-19 trong nước, theo hãng tin Reuters.

Một nguồn thạo tin của Reuters cho biết nguyên nhân của quyết định trên là do các ca bệnh nguy kịch đang có những chuyển biến phức tạp hơn so với những dự tính trước đó, nên lực lượng y tế cần những sản phẩm phức tạp hơn.

Nguồn tin chính thức từ Văn phòng Nội các Anh cho biết cơ quan này đang tiếp tục nỗ lực để tăng quy mô sản xuất máy trợ thở trong nước, đáp ứng nhu cầu trong tình hình hiện nay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm